|
GS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và MT của Quốc hội |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê thì hiện chăn nuôi tập trung đang chiếm khoảng 80% trong cơ cấu ngành chăn nuôi cả nước. Tuy nhiên, thực tế PV NNVN đi khảo sát, chẳng có một địa phương nào được như vậy. Là người hiểu rõ về ngành chăn nuôi (ông Vang nguyên là Cục trưởng Cục Chăn nuôi-PV), ông đánh giá thế nào?
Tôi nghi ngờ số liệu của cơ quan trên, vì thực tế Việt Nam chưa thể có đến 80% tỷ lệ chăn nuôi quy mô lớn. Trong một khảo sát mới đây của tôi, kết quả cho thấy rằng, con số thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, chăn nuôi tập trung không phải là không có bước phát triển. Bằng chứng là ngày càng có nhiều DN “nhảy” vào đầu tư mở rộng lĩnh vực này. Riêng Cty CP, thị phần thịt của họ hằng năm đã chiếm trên dưới 8% nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa. Một số liệu nữa cũng minh chứng cho việc này, đó là lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 11,2%.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, ngay cả địa phương "anh cả" trong chăn nuôi tập trung là tỉnh Đồng Nai cũng chỉ mới đạt được xấp xỉ 50%? Liệu con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Nó cho thấy để phát triển chăn nuôi tập trung là không đơn giản. Với 69% dân số sống ở khu vực nông thôn như Việt Nam, chăn nuôi kiểu quảng canh, tận dụng vẫn còn nhiều. Và hệ lụy của hình thức chăn nuôi này là rất lớn.
Vậy thưa ông, hệ lụy lớn nhất là gì?
Chính là dịch bệnh. Chăn nuôi là môi trường ô nhiễm nhất nếu chất thải không được quản lý tốt. Mà quản lý yếu kém lại bắt nguồn từ chính những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, vì không có vốn đầu tư vào xử lý chất thải. Đây chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Theo dõi ngành chăn nuôi nhiều năm, tôi nhận thấy rằng, ĐBSH, trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ… là những vùng dễ xảy ra dịch bệnh nhất. Nam bộ thì ít hơn, vì họ chăn nuôi tập trung quy mô hơn. Nếu là phép so sánh, thì đáng lẽ miền Nam phải dịch bệnh nhiều hơn, vì khí hậu nóng hơn. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Cụ thể hơn, “anh” CP chiếm đến 8% thị phần thịt lợn trong nước, họ cũng chăn nuôi trong dân, nhưng quản lý tốt nên có bao giờ xảy ra dịch bệnh đâu. Đấy, chung quy là do quy mô và phương thức quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi cả.
Rất nhiều người muốn mở rộng đầu tư quy mô, tuy nhiên sau đó đã phải bỏ cuộc?
Đúng là như vậy. Hiện ngành chăn nuôi đang “mắc” một trở ngại lớn, đó là làm sao để người chăn nuôi cảm thấy an toàn khi đầu tư? Tôi nói ví dụ: Một DN chăn nuôi quy mô lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ vay vốn từ bên nước họ bằng USD với lãi suất thấp, khoảng dưới 4%/năm, khi mang vốn này về đầu tư ở Việt Nam, thì đương nhiên lợi thế. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại trong nước đang cho vay với mức trên 20%/năm, hoạt động thương mại còn khó có lãi, nói gì đến chăn nuôi. Như vậy, khó có thể khuyến khích chăn nuôi phát triển.
Thứ hai là, chúng ta đang ở thực trạng “mạnh ai nấy làm” mà không có sự liên kết trong chăn nuôi. Ở đây, vai trò của Nhà nước hầu như không có.
Về mặt bằng cũng vậy. Đối với DN, họ làm thủ tục xin cấp đất để chăn nuôi rất dễ. Còn với nông dân, thì “mửa mật” cũng không xin được. Tất cả những cái đó tạo nên sự mất cân bằng.
Vậy chúng ta phải điều chỉnh chính sách như thế nào, thưa ông?
Nhà nước phải quản lý chặt chẽ quy hoạch chăn nuôi. Tôi nói ví dụ: Chăn nuôi đại gia súc thì phải phát triển ở miền núi. Nuôi bò sữa ở Hà Nội làm sao lãi lớn được như ở Mộc Châu (Sơn La). Hay nuôi lợn cũng vậy, cơ bản là phải tập trung ở vùng trung du miền núi.
Vậy phải làm thế nào? Nhà nước phải có chính sách quy hoạch đất đai. Đất ở đâu? Việt Nam có 9,5 triệu ha đất nông nghiệp; 14,7 triệu ha đất lâm nghiệp… Đây chính là cơ sở hạ tầng cho chăn nuôi phát triển. Tôi tính toán rằng, nếu chỉ cần lấy 1% đất lâm nghiệp, kể cả khu vực rừng đặc dụng, đã là quá rộng để chăn nuôi, vì theo quy định, rừng đặc dụng vẫn có thể lấy 15% diện tích để làm công trình cơ mà.
Về vốn, đương nhiên là Nhà nước phải hỗ trợ. Năm ngoái, hơn 200 nghìn đại gia súc chết vì dịch bệnh. Tính trung bình 6 triệu đồng/con, người chăn nuôi đã mất đi hơn 1,2 nghìn tỷ. Số tiền này, nếu có chính sách tốt, có thể đầu tư hỗ trợ để giảm lãi suất cho người chăn nuôi. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề.
Ngoài ra, môi trường chăn nuôi cũng cần có bàn tay Nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình lồng ghép hoặc chuyên đề. Nếu quản lý được dịch bệnh, tôi nghĩ rằng, chăn nuôi quy mô lớn sẽ dần phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/80273/Default.aspx