“Tín chỉ cacbon”- theo cách hiểu nôm na của người dân là “bán khí trời sạch” đang được “sản xuất” tại hai xã Xuân Phong và Bắc Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) thông qua Dự án “Tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch” (AR-CDM).
Được sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), 2 năm qua, hàng trăm người dân đã góp 300ha đất để thực hiện dự án đặc biệt, đổi lại, họ được tài trợ giống, phân bón, được trả công trồng, chăm sóc và được hưởng 100% giá trị tài sản trên diện tích rừng mình trồng và được bán “tín chỉ cacbon”…
Mô hình mới
Theo ông Vũ Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong - Giám đốc Quỹ Phát triển rừng Cao Phong, năm đầu tiên thực hiện dự án, người dân trồng được 28,1ha, còn lại là trồng hồi đầu năm 2010, với hai loại cây chính là keo tai tượng và keo lá tràm.
Ông Bùi Văn Tiến, thôn Má 1 (Bắc Phong) người góp gần 2ha đất cho dự án chia sẻ: “Rừng nhà tôi trước kia trồng sắn, ngô, nhưng đất bạc màu nên bỏ hoang lâu rồi. Theo hợp đồng thì chúng tôi chỉ phải bỏ đất, còn tiền giống, phân bón, công chăm sóc, họ đầu tư, trả công hết. Sau này còn được bán gỗ, củi và được hưởng 50% tiền bán “khí trời”, nên thôn có nhiều người tham gia lắm”.
Hiện nay, trên thế giới đã hình thành thị trường cacbon. Dự kiến, vào năm 2020, việc mua bán tín chỉ cacbon toàn cầu có thể lên đến 2.000 tỷ USD. Nhận thấy tiềm năng lớn của việc sản xuất tín chỉ cacbon, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng nhảy vào thị trường cacbon rừng tại Việt Nam.
|
Tìm hỏi những người đã góp đất trồng rừng theo CDM về việc bán “tín chỉ cacbon”, chúng tôi nhận thấy người dân có cách hiểu khá ngộ nghĩnh và thiết thực về “mặt hàng” này.
Ông Bùi Văn Chúc ở xóm Má (Bắc Phong) vui vẻ nói: “Tôi trồng gần 1ha keo, năm ngoái trồng xen sắn thu được gần 5 tấn, bán được hơn 10 triệu đồng. Giờ vừa chăm sắn, vừa chăm keo nên rừng phát triển rất nhanh, đa số cây to bằng cổ tay, ống điếu cả. Ba, bốn năm nữa là được tỉa củi, rồi được bán “tín chỉ cacbon” nữa thì sẽ có thu nhập cao hơn. Mà chẳng cần bán tín chỉ, chúng tôi cũng lãi ròng tiền hỗ trợ cây giống, phân bón, công chăm sóc và cây trồng xen rồi!”.
Ông Phùng Văn Khoa – giảng viên Trường ĐH Lâm nghiệp, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển rừng Cao Phong lý giải: Mỗi nước trên thế giới tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghiệp, nông, lâm… sẽ được công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho phép thải ra một lượng khí thải (CO2) nhất định, nếu vượt quá, họ sẽ phải “bù” lại bằng cách trồng rừng tại chính nước họ, hoặc một nước nào đó để rừng hấp thu phần khí thải dư thừa theo quy định. Còn các nước có lượng khí thải ra môi trường thấp hơn và lượng hấp thụ khí thải từ rừng lớn hơn thì được phép bán “tín chỉ cacbon”.
|
Trồng xen sắn vừa giúp cây nhanh lớn, vừa có thêm thu nhập. |
Nói về hiệu quả, ông Phùng Văn Khoa nhấn mạnh: “Trồng rừng theo CDM có chu kỳ 16 năm. Trong 4 năm đầu, người dân sẽ được hưởng hơn 5 triệu đồng/ha tiền phân bón, giống, công chăm sóc và được phép trồng xen canh ngô, sắn. Từ năm thứ 5 – 8 được phép tỉa thưa 20 – 25% gỗ, củi, những năm sau được tỉa 50% và được hưởng 100% số gỗ, củi này. Với hơn 300ha, rừng có thể hấp thu khoảng 43 nghìn tấn khí cacbon, với giá từ 8 – 10USD/tấn thu về gần 5 – 7 tỷ đồng. Chưa kể, gần 26 tỷ đồng tiền bán gỗ, củi. Sau khi rừng đạt “tín chỉ cacbon”, chúng tôi sẽ đảm nhiệm đầu ra cho bà con”.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự bùng nổ của ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã khiến cho bầu khí quyển bị nhiễm nhiều loại khí độc gây “hiệu ứng nhà kính”, gây biến đổi khí hậu và làm trái đất nóng lên. Để giảm thiểu phát thải hiệu ứng nhà kính và công bằng hơn trong việc bảo vệ môi trường chung giữa các nước trên thế giới, Nghị định thư Kyoto đã được ký kết với sự thống nhất của các quốc gia về cắt giảm lượng khí thải trên 5,2% so với năm 1990 (trong giai đoạn 2008 – 2012). Các loại khí thải được lưu ý cắt giảm là: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6, khối lượng phát thải các loại khí này sẽ được quy về “tín chỉ cacbon”.
|
Niềm vui và những nỗi lo
Từ khi dự án CDM triển khai đến nay, hàng trăm hécta đồi trọc ở Cao Phong đã được khoác lên một màu xanh của rừng keo. Nhiều người dân bỗng có công ăn việc làm, có rừng, có thu nhập. Anh Bùi Văn Thành ở thôn Bắc Sơn (Bắc Phong) tâm sự: “Trước kia rừng ở đây nhiều cây to lắm, nhưng do tập tục phát nương làm rẫy của người dân nơi đây, nên những cánh rừng lần lượt theo khói đốt nương ra đi. Không có rừng, đất bị xói mòn, bạc màu nên trồng ngô, sắn không lên được, chúng tôi bỏ hoang cả chục năm nay rồi. Nhiều lúc tiếc đất muốn trồng rừng, nhưng không có đầu tư, nay rừng đã xanh trở lại, bà con phấn khởi lắm”.
Mặc dù dự án đã thu hút được nhiều người dân tham gia, tuy nhiên thời gian gần đây một số người dân đang tỏ ra rất lo lắng. Họ lo bởi dự án được triển khai ở thời điểm giá cả bình ổn, nhưng nay giá cả leo thang, giá phân tăng, giống tăng, ngày công tăng, nhưng mức hỗ trợ của dự án thì vẫn giữ nguyên. Không chỉ vậy, với mức chia 50% tiền bán “tín chỉ cacbon”, thì hiệu quả kinh tế mà người dân nhận được không đáng kể. “Nếu vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ này, chúng tôi rất khó để chăm sóc rừng đạt tiêu chuẩn “tín chỉ cacbon”. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng mức hỗ trợ và giảm mức chia tiền bán “tín chỉ cacbon” xuống 30 – 40% nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời” – ông Bùi Văn Kiên – Trưởng xóm Cạn 1 (Xuân Phong) cho biết.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề trồng rừng để “bán khí trời”, ông Bùi Quang Huy – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cao Phong nói: “Cứ như “bề nổi” của DA – CDM thì ai cũng nhìn thấy cái lợi. Đất, rừng của mình lại có người đầu tư giống, phân bón, rồi trả công chăm sóc… thế thì lãi quá. Nhưng về lâu dài, khi chúng ta đã bán “tín chỉ cacbon” cho họ và họ có quyền bán lại, khi đó rất có thể chúng ta sẽ phải mua lại với giá cao”.
Cũng theo ông Huy, trồng rừng theo “Cơ chế phát triển sạch” không hề đơn giản. Tất cả các quy trình đều được giám sát rất kỹ, mật độ trồng trung bình 1.600 cây/ha. Khi thu dọn thực bì, người dân không được đốt, mà phải gom lại từng đống để thực bì phân huỷ làm phân bón. Hơn nữa, với những cây có lượng tín chỉ cacbon cao đa số là những cây gỗ cứng, sinh trưởng chậm, nên việc thu hồi vốn rất chậm. Còn cây sinh trưởng nhanh như keo lại có lượng tín chỉ carbon thấp. Vả lại do trình độ người dân hạn chế, lại chưa quen với hình thức canh tác mới này, nên nguy cơ họ không được hưởng “tín chỉ cacbon” là rất cao, nếu không đạt tiêu chuẩn.
Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/47586p1c34/nong-dan-ban-khi-troi.htm