Có thể nói trong số nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Bắc Giang là tỉnh du nhập lúa lai vào khá muộn. Nhưng khi nông dân đã chấp nhận lúa lai thì diện tích lại tăng khá nhanh. So với Thanh Hóa, Nghệ An lúa lai chiếm 60-70% diện tích lúa thì Bắc Giang thua xa, nhưng nhìn ra các tỉnh xung quanh, Bắc Giang vẫn được coi là tiến bộ.
Đánh giá về thành công này, TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đúc kết: “Bắc Giang có một bộ giống lúa lai khá lý tưởng với Syn6 là chốt cơ bản, bên cạnh còn một dàn giống lúa lai Trung Quốc do Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang nhập nội đang bắt đầu khẳng định ưu thế trên đồng ruộng. Một khi cả bộ giống này phát huy hết tiềm năng năng suất thì Bắc Giang có thể tăng hàng trăm ngàn tấn lương thực/năm”.
Bộ giống tốt mới đóng góp 50% thành công. Điều quan trọng không kém là phải có chính sách để lúa lai đứng chân được trên đồng ruộng. Cách đây dăm năm, Bắc Giang đã xây dựng được một cơ chế chính sách riêng, có thể nói ưu việt nhất so với các tỉnh khác nhằm đưa lúa lai lên bệ phóng. Nên nhớ lúc đó năng suất lúa ở Bắc Giang chưa vượt qua con số 5 tấn/ha.
Được trợ giá, lúa lai vào Bắc Giang ngon lành, năng suất toàn tỉnh lập tức vọt lên 6 tấn/ha. Cho đến nay thì lúa lai đã thực sự mê hoặc nông dân Bắc Giang, nó trở thành con đường ngắn nhất nhằm tăng sản lượng lương thực trong lúc đất lấy đi xây dựng các khu công nghiệp ngày càng nhiều.
Với tổng diện tích đất canh tác gần 1 mẫu, những năm trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, nông dân thôn An Lập, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đưa vào gieo cấy chủ yếu các giống lúa thuần, năng suất đạt thấp nên sản lượng lương thực làm ra chỉ đủ cho nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Hai năm trở lại đây, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và nhất là có tiền trợ giá giống lúa lai nên gia đình bà Hòa đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào sản xuất đại trà.
Vụ xuân này, 5 sào ruộng trên tổng diện tích canh tác của gia đình bà Hòa được gieo cấy bằng giống lúa lai Kim ưu 18 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bà Hòa cho hay, giống lúa Kim ưu 18 đã được bà sử dụng để gieo cấy từ năm ngoái. Lúa đạt năng suất rất cao, chất lượng gạo lại ngon hơn nhiều giống lúa thuần khác. Vụ ĐX 2011, với 5 sào Kim ưu 18, năng suất lúa của gia đình bà ước đạt khoảng 2,8 – 3 tạ/sào (8 tấn/ha).
Ông Bùi Quang Hiển, trưởng thôn An Lập cũng phấn khởi cho biết: Trong tổng số hơn 4ha diện tích canh tác của thôn vụ xuân này, có đến 3ha được gieo cấy bằng các giống lúa lai. Tuy nông dân trong thôn mới bắt đầu thu hoạch, song năng suất chắc chắn sẽ cao hơn khoảng 10-15% so với vụ trước. Ông Hiển nhớ lại, lúc đầu đưa lúa lai về ai cũng...sợ, bởi giá giống cao quá, vả lại một số giống lúa lai không ổn định nên có vụ nông dân đã "nếm" thất bại. Nhưng làm vài vụ, thấy lúa lai năng suất cao nên bà con trong thôn chẳng ai bảo ai đều cấy lúa lai. Bởi ở nông thôn tăng được vài chục kg thóc mỗi sào là hấp dẫn rồi.
Không riêng xã Ngọc Lý, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang cũng đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào thâm canh. Là tỉnh miền núi, diện tích đất nông nghiệp không nhiều, chỉ khoảng hơn 120 nghìn ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa hằng năm khoảng 110 nghìn ha, an ninh lương thực đối với Bắc Giang được đặt lên hàng đầu. Xuất phát từ yêu cầu đó, lúa lai đã được Bắc Giang chọn là mũi nhọn và đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ diện tích lúa lai trong cơ cấu của tỉnh được nâng dần theo từng năm, hiện nay đã vượt 20% diện tích gieo cấy.
Ông Vũ Đình Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Thông qua đề án phát triển lúa lai, nông dân trong tỉnh đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trước đây, lúa lai đã có thời bị thất bại ở Bắc Giang do chất lượng gạo kém, khả năng chống chịu sâu bệnh thấp. Nhưng nay, “tâm lý sợ lúa lai” đã được dẹp bỏ khi mà giống lúa lai chất lượng ngày càng nhiều.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/80202/Default.aspx