|
Một kho chứa lúa gạo của TCty Lương thực Miền Nam |
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tới thời điểm này, mới có 7 DN được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. DN đầu tiên có được giấy này là Cty CP XNK An Giang (Angimex). Với 11 phân xưởng, hệ thống kho chuyên dùng có tổng sức chứa 65.200 tấn lúa, gạo (đảm bảo thời gian bảo quản tối đa 1 năm) và 11 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất từ 5 – 30 tấn/giờ, vào ngày 9/6 vừa rồi, Angimex đã được Bộ Công thương trao giấy chứng nhận này.
Ngoài những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận, hiện có khá nhiều DN cũng đã hội tụ đủ, thậm chí là dư những điều kiện để có giấy này. Theo ông Huỳnh Công Thành, GĐ Cty TNHH MTV Lương thực TP HCM, hiện Cty này đã có hệ thống 3 kho chứa lúa, gạo, với tổng sức chứa trên 45 ngàn tấn; 2 máy xay xát từ lúa ra gạo, công suất 15 tấn/máy/giờ; 3 giàn máy đánh bóng gạo có công suất lần lượt là 8-10 tấn/giờ, 15 tấn/giờ và 32 tấn/giờ.
Bên cạnh đó, Cty đã đầu tư xây dựng hệ thống 16 silo chứa lúa, với sức chứa 800 tấn/silo. Hệ thống kho, silo, máy xay xát, máy đánh bóng của Cty Lương thực TP HCM đều nằm ở TP HCM và một số tỉnh sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL. Như vậy nếu so với những điều kiện tối thiểu để được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo (kho có sức chứa 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo), thì hệ thống kho chứa, máy xay xát,... của Cty Lương thực TP HCM đều đã dư sức đáp ứng được.
Bởi thế, ông Thành cho hay, đến giờ này, Cty đã được Sở Công thương TP HCM chứng nhận có kho chứa và cơ sở xay xát đúng quy định. Cty đã hoàn tất hồ sơ gửi lên Bộ Công thương, và việc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu chỉ còn là vấn đề thời gian.
Điểm lại những DN đã có giấy chứng nhận hoặc đã đủ điều kiện để có được giấy này, một điều dễ nhận thấy là phần lớn những doanh nghiệp này đã có quá trình khá lâu dài trong việc đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa, nhà máy xay xát. Vì thế, khi có Nghị định 109, các DN này đã đáp ứng ngay được các điều kiện quy định.
Tuy nhiên, còn rất nhiều DN khác, cho đến giờ này, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến “giờ G”, vẫn chưa đáp ứng một điều kiện nào. Thực trạng này, trước hết là do lâu nay, phần lớn các DN xuất khẩu gạo chỉ mua gạo thành phẩm từ những DN chuyên cung ứng gạo thành phẩm xuất khẩu, do đó đã không quan tâm tới việc xây dựng nhà máy xay xát, hệ thống kho chứa lúa.
Mới chỉ giải quyết đằng ngọn?
Theo ý kiến của một số DN chuyên làm gạo xuất khẩu ở ĐBSCL, việc bắt buộc các DN xuất khẩu phải có kho chứa lúa, có hệ thống xay xát, mới chỉ giải quyết đằng ngọn. Để sản xuất lúa và xuất khẩu gạo ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận tốt cho cả nông dân lẫn DN, các DN phải bắt tay với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, DN phải đầu tư một hệ thống bài bản từ cơ sở sấy lúa, kho chứa lúa tới nhà máy xay xát, hệ thống chế biến gạo…
|
Bây giờ, bắt buộc phải đầu tư những hệ thống này, các DN sẽ phải bỏ ra một khoản vốn không nhỏ. Theo ông Huỳnh Công Thành, để xây dựng một kho chứa 5.000 tấn cùng hệ thống xay xát, vào thời điểm này, DN phải đầu tư từ 25-30 tỷ đồng. Ông Phạm Vỹ Bền, GĐ Cty Tháp Sơn (một doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo thành phẩm xuất khẩu ở Đồng Tháp), thì cho con số thấp hơn một chút là 20 tỷ đồng.
Với những con số nói trên, rõ ràng các DN xuất khẩu gạo vừa và nhỏ, khó có thể đáp ứng được, nhất là trong bối cảnh vay vốn ngân hàng vừa khó, vừa ngại vì lãi suất quá cao, vượt quá sự chịu đựng của DN. Tại buổi làm việc mới đây của Bộ Công thương với các DNXK gạo ở Tiền Giang, đại diện Cty TNHH Việt Hưng cho rằng xây nhà máy xay xát đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu phải có mặt bằng, kể cả mặt bằng chứa lúa, trấu và đầu tư quy trình kỹ thuật, nên cần số vốn rất lớn, trong khi các DN hiện đang rất thiếu vốn lưu động.
Vì thế, nếu làm đúng theo Nghị định 109, nhiều khả năng cả nước chỉ có khoảng 30 DN đáp ứng được. Ngay cả một “đại gia” xuất khẩu gạo ở tỉnh này là Cty Lương thực Tiền Giang cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư xây dựng kho chứa và hệ thống xay xát, thì đủ thấy các DN nhỏ hơn đang phải vất vả như thế nào trong việc đáp ứng đủ các điều kiện xuất khẩu gạo.
Theo ông Trương Thanh Phong, năm ngoái, có tới 262 DN tham gia xuất khẩu gạo. Trong đó, chỉ có khoảng 20- 30 DN là xuất khẩu với khối lượng lớn. Còn lại là những đơn vị xuất khẩu khối lượng nhỏ, thậm chí rất nhỏ (chừng vài tấn mỗi năm). Chính vì vậy, với những điều kiện để được xuất khẩu gạo như trong Nghị định 109, chắc chắn sau ngày 1/10, số DN được phép xuất khẩu gạo sẽ giảm đi rất mạnh. Vào thời điểm này, khi nhiều DN vẫn đang nỗ lực chạy đua để đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu gạo, thì chưa thể đưa ra con số dự báo chính xác về số DN tiếp tục được xuất khẩu gạo sau 1/10. Tuy nhiên, ông Phong vẫn nhận định rằng, tới thời điểm ấy, cả nước ta nhiều lắm cũng chỉ khoảng 80 doanh DN đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo mà thôi.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/80222/Default.aspx