Phong Cốc phát huy nội lực

24/06/2011

Là một xã đảo nhưng quang cảnh xã Phong Cốc (Yên Hưng, Quảng Ninh) cũng tựa như các làng cổ Đình Bảng, Nội Duệ xứ Kinh Bắc hay làng Chàng Sơn ở Thạch Thất, Hà Nội… Làng quê mà đời sống kinh tế phát triển, nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát, người ta mở tiệm bán điện thoại di động, shop may mặc thời trang ngay giữa làng.

Rướn một chút là thành NTM
"Phố làng" Phong Cốc chỉ khác với phố thị ở chỗ vẫn những con đường nhỏ hẹp quanh co chạy vòng vèo trong xóm, vào vụ vẫn có xe công nông chạy xình xịch chở lúa ra sân đình. Mộc mạc, chân quê nhưng điều kiện vật chất cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Phong Cốc không hề thua kém các làng nghề giàu có ở ngoại thành Hà Nội. 
 
Không chờ đến khi Chính phủ phát động xây dựng NTM, mà từ lâu người dân trong xã Phong Cốc đã cùng nhau chung sức làm đẹp cho quê hương. Họ đóng góp để làm đường bê tông, đóng góp xây nhà văn hóa thôn để nhân dân có chỗ hội họp, trao đổi những công việc liên quan đến cộng đồng, kênh mương được kiên cố hóa. Xã có nhà trẻ, có trường học, trạm y tế và nhiều điều kiện cần thiết khác để đảm bảo cho một môi trường  sống văn minh.
Trên thực tế hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM đã hiện hữu ở Phong Cốc, chỉ có một số chưa đạt chuẩn chỉ tiêu NTM. Ví như xã có 7 thôn thì cả 7 thôn đều có nhà văn hóa nhưng so với chỉ tiêu có tới 6 nhà văn hóa thôn không đạt tiêu chuẩn. Trường mầm non, trường học cũng khá khang trang mà không đạt vì diện tích hẹp.  Tuy nhiên, NTM có tổng cộng 39 chỉ tiêu thì xã Phong Cốc đã đạt được 27, vậy nên người ta thường đùa vui rằng Phong Cốc chỉ “rướn” thêm một chút đã thành NTM.
Sức mạnh tiềm tàng
Theo bà Tô Thị Thu, Chủ tịch UBND xã, sở dĩ Phong Cốc có được như ngày hôm nay  chủ yếu nhờ sức mạnh nội sinh tiềm tàng trong cộng đồng dân cư xã. Lịch sử làng Cốc đã tồn tại hàng trăm năm. Xưa kia tổ tiên của người dân Phong Cốc cũng có nguồn gốc ở kinh thành Thăng Long, do chạy nạn nên di cư xuống đảo Hà Nam để lập nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 nhà thờ tổ của 10 dòng họ chính được gọi là Thập Cửu Tiên Công. Tuy lánh nạn về đây sinh sống bằng  nông nghiệp và đánh bắt cá nhưng tổ tiên người Phong Cốc vốn là quan ở kinh thành nên khá nghiêm khắc trong việc gìn giữ truyền thống gia đình, dòng họ.
Ở Phong Cốc vẫn còn một số dòng họ lớn như họ Phạm, họ Lê lưu giữ được gia phả, ghi chép nguồn gốc tổ tiên, những người trực tiếp khai hoang, mở đất tạo nên vùng quê trù phú này.  Như ông tổ họ Lê ở Phong Cốc, có gốc gác ở làng Đồng Lầm, phủ Hoài Đức thành Thăng Long. Dòng họ này có truyền thống hiếu học, từ đời thứ nhất đến đời thứ 15, có 67 cụ có học vị tiến sĩ Quốc tử giám và rất nhiều cụ làm quan cho triều Lê, triều Nguyễn.
Nhờ gìn giữ phát huy truyền thống gia đình nên hiện nay dòng họ này có 1 thiếu tướng, 4 đại tá, 1 phó giáo sư, 2 phó tiến sỹ khoa học và khoảng 300 cử nhân. Gia tộc họ Lê còn thành lập Ban khuyến học và Quỹ khuyến học để tuyên dương con cháu thành đạt, học giỏi, con nhà nghèo vượt khó, con nhà tàn tật… Quỹ Khuyến học này thường xuyên duy trì ở mức tối thiểu 50 triệu đồng, được xây dựng từ hai nguồn, vận động những hộ có điều kiện kinh tế ủng hộ.
Tương tự, dòng họ Phạm cũng là dòng họ lớn, có tính hiếu học, từ khi tỉnh Quảng Ninh chưa thành lập được Hội Khuyến học thì họ Phạm ở Phong Cốc đã có Quỹ Khuyến học tài năng của dòng họ. Từ khi lập quỹ đến nay, dòng họ đã tổ chức tuyên dương khen thưởng được 4 thành viên đạt học vị thạc sỹ, 127 thành viên đỗ đại học, cao đẳng, tốt nghiệp đại học.
Hiện nay Ban Khuyến học của dòng họ Phạm đã phát triển và được chia thành 3 chi hội với 260 hội viên. Quỹ được duy trì ổn định ở mức trên 60 triệu đồng. Bắt đầu từ truyền thống hiếu học của các dòng họ lớn, phong trào khuyến học được nhân rộng ra, đến nay cả 10 dòng họ ở Phong Cốc đều là dòng họ hiếu học trong đó có 4 dòng họ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 3 dòng họ đạt danh hiệu cấp huyện, 3 dòng họ đạt danh hiệu cấp xã.
Do các dòng họ trong xã đều có truyền thống, được tổ chức theo tôn ti, trật tự nên mọi hoạt động do chính quyền địa phương phát động rất dễ triển khai. Chỉ cần thấy có lợi ích chung cho cộng đồng, lập tức cả 10 dòng họ lớn trong làng đều sẵn sàng huy động sức người, sức của.
Cũng là  cư dân trong xã nên bà chủ tịch Tô Thị Thu hiểu rõ và tận dụng rất tốt sức mạnh này để thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Đối với Phong Cốc, có vẻ như việc gì cũng có thể thực hiện nhưng rõ ràng không thể ngồi bàn giấy kí quyết định mà có được thành công. Muốn phát huy sức mạnh tập thể thì bản thân lãnh đạo xã phải hòa với phong trào, làm đầu tàu dẫn dắt đoàn quân Phong Cốc trong từng lĩnh vực cụ thể.  
Vận dụng những nét văn hóa truyền thống của địa phương để phát huy sức mạnh tập thể là “bí quyết” của lãnh đạo xã Phong Cốc. Chính vì thế mà văn hóa dân gian ở Phong Cốc phát triển rất mạnh, thành lập hẳn một câu lạc bộ hát đúm - một loại hình nghệ thuật ra đời cách đây hơn 500 năm. Câu lạc bộ hát đúm của Phong Cốc là nơi sinh hoạt văn nghệ của ông Ngô Đăng Nhuận, người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/80181/Default.aspx


Tin khác