Các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đạt trên 1 triệu tấn cà phê nhân

27/06/2011

Theo thông tin từ Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa nên các nông hộ và các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh cà phê đã tập trung vật tư, phương tiện, nguồn lực chăm sóc tốt các vườn cà phê nhằm phấn đấu đạt trên 1 triệu tấn cà phê nhân.

Diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên hiện là trên 486.865 ha, chiếm trên 90% diện tích và 92% sản lượng cà phê của cả nước, trong đó hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất. Niên vụ vừa qua, giá cà phê nhân tăng lên khá cao đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các nông hộ, các doanh nghiệp đầu tư vốn mua vật tư, phân bón bón cho cây cà phê để tăng thêm các chất dinh dưỡng nuôi quả phát triển.
Các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đạt trên 1 triệu tấn cà phê nhân
 
Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, các nông hộ, các doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện tốt việc bón phân cân đối cho cây cà phê, nhất là biết sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây cà phê trong quá trình nuôi quả. Phần lớn các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên ngay từ đầu mùa mưa đã thoả thuận ngầm với các đại lý vật tư, phân bón trên địa bàn để mua chịu các loại phân bón, chủ yếu là phân hoá học để bón cho cây cà phê trong suốt niên vụ, đến kỳ thu hoạch các nông hộ mới có điều kiện trả vốn, lẫn lãi cho các đại lý.
Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất so với cả nước, trong mấy niên vụ qua, các nông hộ, các doanh nghiệp đã biết sử dụng vỏ trấu cà phê, tận dụng các loại phân xanh, phân chuồng ủ hoại mục, làm phân hữu cơ vi sinh bón thêm cho cây cà phê góp phần cải tạo đất, tăng năng suất cho cây cà phê. Niên vụ này, các nộng hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk đã tự sản xuất được hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ vi sinh để bón thêm cho diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch, nhiều nơi bà con bón từ 1,5 đến 2 tấn phân hữu cơ vi sinh/ ha cà phê kinh doanh.
Ở nhiều vùng chuyên canh cây cà phê ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng các nông hộ, các doanh nghiệp đã đưa cơ giới vào làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bón phân qua lá để không những tăng năng suất lao động mà còn hạn chế được ô nhiễm môi trường. Các nông hộ còn thường xuyên cắt tỉa các loại chồi non, cành vượt, không hữu hiệu, cành sát mặt đất nhằm vừa hạn chế lây lan các loại mầm bệnh vừa tập trung dinh dưỡng để nuôi quả cà phê...
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://cpv.org.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=465696


Tin khác