Ðắk Lắk tạo động lực phát triển kinh tế hợp tác xã

28/06/2011

Kinh tế hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Ðắk Lắk trong thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thế nhưng, mô hình kinh tế này hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ để có bước phát triển, đột phá mạnh mẽ hơn.

Những năm 2009-2010, Liên minh HTX và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Ðắk Lắk đã có chủ trương thúc đẩy khối kinh tế này từng bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn với mục tiêu đặt ra là có khoảng 70% HTX sản xuất, kinh doanh đạt khá giỏi, ít nhất 60% số cán bộ quản lý chủ chốt của các đơn vị có trình độ đại học và cao đẳng; giá trị đóng góp vào GDP của tỉnh hằng năm đạt từ 12 đến 13%. Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Ðắk Lắk cho biết: Ðể mục tiêu đó trở thành hiện thực, những cơ quan có trách nhiệm còn phải nỗ lực rất nhiều. Trước mắt cần phải kiên quyết hơn trong việc giải thể những HTX tồn tại trên danh nghĩa, làm ăn thua lỗ kéo dài. Ðối với những HTX cổ phần đã được xã viên xác lập, nhưng giá trị cổ phần thấp thì cần phải được sáp nhập, tùy theo tình hình cụ thể ở từng địa phương để tiến hành sáp nhập theo nhóm hộ, hoặc theo địa bàn dân cư sao cho phù hợp.
 
Một vấn đề cốt lõi nữa cần được giải quyết là nâng cao trình độ quản lý cũng như nguồn nhân lực lao động cho khu vực kinh tế HTX hiện nay bằng các giải pháp: Hỗ trợ một phần kinh phí giúp các đối tượng (là cán bộ đang làm việc trong các HTX, hoặc con em xã viên) đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn theo nhu cầu sử dụng; cho phép các địa phương được điều động cán bộ nguồn, có năng lực và tâm huyết về làm việc tại các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp; giao cho các ngành liên quan nghiên cứu để sớm có cơ chế điều động cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ quan nhà nước về làm việc tại các HTX theo yêu cầu của cơ sở.
Về chính sách tín dụng, đối với một số dự án mới (chủ đầu tư là HTX), hoặc mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh nằm trong danh mục các dự án vay vốn tín dụng theo Nghị định 151 của Chính phủ mà chưa được tiếp cận nguồn vốn thì đề nghị Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển của tỉnh xem xét thủ tục cho vay. Ðối với các HTX có những dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương thì đề nghị Ngân hàng Chính sách - xã hội ưu tiên bố trí nguồn vốn vay từ Quỹ giải quyết việc làm của quốc gia. Theo đó, tiến hành đẩy nhanh việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX để họ chủ động hơn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới một cách tích cực, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường...
Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý và cũng là lộ trình mang tính khả thi, tạo điều kiện cho kinh tế HTX có bước đột phá để vươn lên. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, khối kinh tế tập thể này vẫn chưa thật sự có những chuyển biến rõ nét. Vì sao?
Theo số liệu của Liên minh HTX và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Ðắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 303 HTX đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở địa phương. Ðiều đáng nói ở đây là chỉ có hơn 30% HTX làm ăn khá giỏi, còn lại là trung bình và yếu kém. Thống kê cho thấy: có hơn 50% số HTX hiện nay được hình thành và tồn tại khá lâu trong cơ chế bao cấp, cho nên cung cách làm ăn theo kiểu thụ động, ỷ lại, trì trệ kéo dài. Ðiều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị.
Qua tìm hiểu được biết, khi chuyển sang cơ chế thị trường, các HTX phải tự chủ mọi hoạt động của mình, trực tiếp tham gia vào nền kinh tế thị trường. Muốn tồn tại, các HTX phải đổi mới, nhất là vấn đề nâng cao trình độ, năng lực quản lý của lực lượng lao động trực tiếp cũng như gián tiếp. Thế nhưng, qua khảo sát mới đây của Liên minh HTX cho thấy: Trong số gần 300 người là cán bộ chủ chốt của các HTX hiện nay chỉ có 6% có trình độ đại học và cao đẳng, trung cấp khoảng 50%, còn lại chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào. Chánh văn phòng Liên minh HTX Ðắk Lắk Bùi Văn Hiền cho biết thêm: Những năm gần đây, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cũng như dạy nghề cho người lao động trong các HTX đã được chú trọng, quan tâm hơn. Nhưng do thời gian của những khóa học quá ngắn, mang tính chất bồi dưỡng, hoặc chỉ dừng lại ở mức 'làm quen' kỹ năng nghề nghiệp là chính, nên không tạo được sự đột phá về nguồn nhân lực trong khối kinh tế này. Hơn nữa là hầu hết các HTX đều thiếu vốn, nhất là các HTX nông nghiệp. Theo Nghị định 88/2005 của Chính phủ, các HTX có dự án đầu tư, mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh thì được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ hỗ trợ phát triển, thế nhưng lâu nay một số HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn này, hoặc nếu có thì không đáng kể vì quỹ hỗ trợ của Ðác Lắc quá 'khiêm tốn', khoảng hơn 3 tỷ đồng. Còn những nguồn vốn khác thì sao? Theo Luật HTX và Nghị định 88/2005 thì các HTX đều được cấp đất để xây dựng trụ sở và được thuê đất dài hạn để mở rộng sản xuất, kinh doanh... nhưng đến nay trong số 303 HTX hiện có trên địa bàn, mới chỉ có vài chục đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Khi không có tài sản trong tay thì các HTX không thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ông Hiền cho rằng: Ðây thật sự là vấn đề nan giải, khó có thể vực dậy khối kinh tế quan trọng này, nếu như không có giải pháp cụ thể khắc phục những vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến (huyện Krông Pách, tỉnh Ðắk Lắk) cho biết: “Nhiều người gọi thôn 3, xã Hòa Tiến là làng chổi đót và hầu như gia đình nào cũng có nhà ngói, ti-vi, xe máy... nhờ nghề làm chổi đót”. Hiện nay, làng có 35 hộ làm đót chuyên nghiệp quanh năm và nhiều hộ làm theo thời vụ (khoảng từ tháng 1 đến hết tháng 4); bình quân mỗi hộ làm một tấn đót, hộ nào làm ít thì mỗi năm cũng thu nhập được khoảng 50 triệu đồng. Thời điểm này, làng đót đang vào mùa, đót khô chất đầy trong kho, trong nhà, ngoài sân. Một trong những hộ giàu lên nhờ nghề làm chổi đót ở đây là ông Lê Ðức Tâm với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Mỗi năm nhà ông làm 3 đến 4 tấn đót khô, được khoảng 6.000 cái chổi (bán giá 15 nghìn đồng/cái). Còn gia đình bà Phạm Thị Thúy đã làm chổi đót được hơn 20 năm; mỗi mùa đót bà mua một tấn đót khô (giá 15 triệu đồng/tấn) để làm chổi vào những lúc nông nhàn và mùa mưa. Bà Thúy cho biết: Trước đây, đót nhiều và hai vợ chồng bà còn có sức khỏe nên có thể lên rừng hái thường xuyên. Còn bây giờ đót hiếm dần, bà phải đi mua nguyên liệu ở các huyện Lắc, Krông Bông, Ma' Ðrắc về mới đủ làm. Ông Trần Công Huy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: Chính quyền địa phương đang có kế hoạch xây dựng làng nghề chổi đót thôn 3 thành làng nghề thủ công để thúc đẩy sự phát triển nghề này. Theo ông Huy, khi được công nhận làng nghề thì người làm chổi đót sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm nguồn vốn, phát triển thị trường và quy hoạch vùng nguyên liệu đót và con đường đó phải nhờ vào HTX và những người làm nghề ở đây sẽ có một nghề ổn định để phát triển cuộc sống.
Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/ac-l-c-t-o-ng-l-c-phat-tri-n-kinh-t-h-p-tac-x-1.301644#AJgpPWlyuGL8


Tin khác