Xuất khẩu trái cây sấy khô: Yếu ở nguyên liệu

28/06/2011

Nếu quy hoạch tốt vùng nguyên liệu mít và chuối phục vụ ngành công nghiệp chế biến trái cây khô xuất khẩu (XK) thì nhiều gia đình ở Nam Bộ có thể giàu lên nhờ hai loại cây trồng truyền thống này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên chế biến trái cây khô XK cho rằng, hiện nay các loại cây trồng trên chưa được đầu tư thoả đáng.

 
Chế biến chuối XK tại Cty TNHH M.T (Mỹ Tho-Tiền Giang)
Cung chưa đủ cầu
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, vùng nguyên liệu của công ty có thể tự chủ được trên 50% nguyên liệu. Hiện, nhà máy của Vinamit ở Bình Dương có công suất chế biến 6.000 tấn sản phẩm/năm. Sắp tới, công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy ở Đắk Lắk (công suất 10.000 tấn/năm) và dự kiến xây dựng một nhà máy tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công suất 3.000 tấn/năm, nên nhu cầu mít, chuối nguyên liệu là cực kỳ lớn. Ông Viên cho hay, do nguồn cung trong nước không đủ nên năm qua công ty phải nhập thêm 2.000 tấn khoai môn từ Trung Quốc. Vinamit dự kiến nhập mít từ Ấn Độ để có đủ nguyên liệu chế biến.
Ông Đinh Tiên Phong, đại diện Công ty TNHH Long Uyên (Long An) nhận định, nhiều mặt hàng quả chế biến sấy khô đang được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ông Phong dự báo, trong các tháng tới, nhu cầu sản phẩm loại này sẽ còn tăng mạnh, vì thế các DN sản xuất, kinh doanh, chế biến trái cây XK sẽ liên tục đẩy mạnh thu mua với số lượng lớn. Do chưa chủ động được vùng nguyên liệu nên nhiều DN vẫn phải chịu cảnh "ăn đong", khi vào vụ cao điểm thường phải nhập nguyên liệu với giá khá cao.
Phân tích nguyên nhân tại sao mít, chuối, khoai môn… những loại cây dễ trồng ở Việt Nam nhưng các DN không tích cực mở rộng vùng nguyên liệu, theo ông Viên, lý do chính là vì chúng ta thiếu những giống cây có chất lượng, năng suất cao. Chất lượng trái cây không đồng đều, sản lượng bấp bênh nên rất khó đưa vào sản xuất lớn. Chưa kể, dù đã rất cố gắng nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân vẫn còn lỏng lẻo do thói quen canh tác và buôn bán qua thương lái. Một lượng lớn nông sản chế biến của Vinamit vẫn phải mua qua thương lái dù công ty đã đặt trạm thu mua tại địa phương.
Nhu cầu sẽ tăng mạnh
Theo báo cáo của các DN, trong vòng vài năm trở lại đây, việc XK các mặt hàng hoa, quả sấy khô có mức tăng trưởng khá mạnh. Các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU rất ưa chuộng trái cây sấy khô của Việt Nam. Một số sản phẩm mang thương hiệu Vinamit, Deltafood đã có mặt ở các siêu thị của Trung Quốc và nhiều nước châu Âu. Tính đến hết tháng 5/2011, kim ngạch XK các mặt hàng rau quả tươi và chế biến của cả nước đạt 221,4 triệu USD. Trong đó các nhóm hàng trái cây sấy khô như mít, dứa, chuối và bí ngô thái lát đóng góp đáng kể do giá trị XK cao hơn nhiều so với trái cây tươi.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) cho hay, do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia tăng mạnh, nên có thể giá trị kim ngạch XK rau, hoa, quả trong năm 2011 sẽ đạt từ 500 - 510 triệu USD và 1,2 tỷ USD vào năm 2020. Theo ông Kỳ, thời gian tới, các mặt hàng như trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô, khoai lang sấy khô và dưa chuột đóng hộp vẫn là những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, một số loại trái cây như thanh long, bưởi, nhãn, sầu riêng, hồng xiêm, rau tươi và sấy khô cũng là những mặt hàng đạt mức tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc bảo quản và chế biến hoa quả tươi cũng như sấy khô để XK còn nhiều hạn chế. Có tới 90% lượng hoa quả sau khi thu hoạch được tiêu thụ bằng hình thức bán tươi bởi kỹ thuật bảo quản lạc hậu. Các tỉnh trồng vải thiều ở phía Bắc thường xuyên phải đối mặt với cảnh "được mùa mất giá" do đặc điểm của cây vải là chín tập trung và thời gian thu hoạch rộ rất ngắn (chỉ 20 ngày). "Với công nghệ chế biến như hiện nay thì khi rộ vụ, các nhà máy chế biến trái cây sấy khô, trái cây đóng hộp có làm việc 2- 3 ca/ngày cũng chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ sản lượng trái cây cho nông dân", ông Thông cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đang rất quan tâm đến trái cây của Việt Nam, tuy nhiên, để có thể biến thế mạnh đó thành những hợp đồng số lượng lớn và ổn định thì các DN cần phải có những chiến lược dài hơi. Đặc biệt, cần xây dựng một thương hiệu vững mạnh, có quy trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt để rau, quả mang thương hiệu Việt không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Năm 2011, Vinamit sẽ cần khoảng 132.000 tấn mít, 21.500 tấn chuối, 8.000 tấn khoai lang, 6.000 tấn khoai môn và 6.000 tấn dứa… Do vậy người nông dân và chủ trang trại có thể tham gia và ký hợp đồng cung ứng. Dự kiến với 5 nhóm sản phẩm này DN sẽ đầu tư khoảng 400 tỷ đồng - ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.
 
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28938.html


Tin khác