Đến thời điểm này, sắn vẫn là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, được nông dân nhiều địa phương lựa chọn, song theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bà con không nên trồng ồ ạt loại cây này. Ông Ngọc cho biết:
Vì thế, dù ở thời điểm này sắn đang cho giá trị kinh tế cao nhưng ngành Nông nghiệp và PTNT chưa một lần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích trồng sắn mấy năm nay tăng đến mức chóng mặt. Nếu như năm 2005, cả nước mới có 270.000ha sắn thì đến nay con số này đã tăng gấp 2 lần, vượt 135.000ha so với quy hoạch phát triển. Thực chất, đây là sự tăng trưởng không đáng khích lệ. Sự phát triển quá nhanh và tự phát diện tích sắn đã phá vỡ quy hoạch của nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Thời gian qua, thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua sắn nguyên liệu của nước ta với giá cao và có tới 90% sản lượng sắn được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông có cảnh báo gì đối với nông dân trước thực tế này?
Ai cũng biết Trung Quốc là thị trường "thất thường", khó dự báo chính xác. Nhu cầu của thị trường này có thể tăng đột biến nhưng cũng có thể giảm đột ngột khiến người trồng và nhà kinh doanh nông sản trong nước khốn đốn vì không bán được, bị ách ngay tại cửa khẩu như cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Vì vậy, bà con cần hết sức cảnh giác.
Nhu cầu thị trường lớn trong khi ngành Nông nghiệp và PTNT không có chủ trương mở rộng diện tích trồng sắn, vậy có cách nào đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân, thưa ông?
Trước mắt, cần quản lý tốt quy hoạch ở những địa phương có tập quán và diện tích trồng sắn nhiều. Mà nói đến quy hoạch thì phải nói tới chế tài, phải gắn vùng trồng sắn với vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp phải vào cuộc thực sự, giúp nông dân thực hiện được các giải pháp phát triển sắn bền vững.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong khi không phải mở rộng diện tích, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan của Bộ đã đưa vào sản xuất nhiều giống sắn có năng suất cao như KM94, KM 140..., đồng thời hướng dẫn bà con chuyển từ trồng quảng canh sang thâm canh, đưa năng suất từ 17 tấn/ha hiện nay lên trên 20 tấn/ha, thậm chí 30 tấn/ha. Có như vậy, cây sắn mới hy vọng phát triển bền vững và ổn định.
Vậy, những vùng nào nên được quy hoạch để trồng sắn?
Sắn là cây ngắn ngày, có tiềm năng về năng suất sinh học cao, lại dễ tính nên trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi đã quy hoạch một số vùng trồng sắn trọng điểm như Trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là những vùng sản xuất chính, hơn nữa xung quanh những vùng này có khoảng 20 tỉnh trồng sắn. Chúng tôi đã bàn bạc và sắp tới sẽ cùng các địa phương hình thành quy hoạch chung cho toàn quốc, gắn với các vùng nguyên liệu để chế biến ethanol và chế biến tinh bột sắn.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê, diện tích sắn của tỉnh Yên Bái tính đến cuối năm 2010 đạt khoảng 13.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ riêng tại huyện Văn Yên, diện tích sắn đã lên tới 15.000ha. UBND tỉnh Yên Bái đã phải "họp nóng" về vấn đề cây sắn, giao cho lực lượng kiểm lâm ráo riết ngăn không cho dân phá rừng trồng sắn.
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La dự báo, diện tích sắn của tỉnh năm 2011 ít nhất sẽ lên tới 32.000ha, tăng hơn 10.000ha so với năm 2010, trong khi đó, cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy chế biến bột sắn.
Theo Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 của Chính phủ thì đến năm 2015, nhu cầu sắn sẽ ở mức 1,3-1,5 triệu tấn sắn khô, tương đương gần 4 triệu tấn sắn tươi. Còn đến năm 2025, dự tính nhu cầu sắn sẽ lên tới 2,5 - 3 triệu tấn sắn khô, tương đương khoảng 8 triệu tấn sắn tươi. Điều đáng nói là trong tất cả các dự án xây dựng nhà máy sản xuất ethanol của Việt Nam, đến nay chưa có dự án nào có vùng nguyên liệu riêng của mình, mà chỉ hoàn toàn dựa vào việc thu gom sắn trôi nổi trên thị trường.
ÔNG NGUYỄN QUỐC HOÀI, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH HOÀI NAM: Nên quy hoạch sắn ở những vùng không trồng được loại cây khác
Công ty chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Lâm Đồng và Gia Lai. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, chúng tôi dự định sẽ liên kết với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng vùng nguyên liệu trồng sắn ở 3 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên. Tại đây chúng tôi sẽ cung cấp giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Sắn là cây trồng có tiềm năng rất lớn, ngoài việc dùng để sản xuất ethanol, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, tương lai sắn sẽ được dùng để làm nha, đường thay thế cây mía. Loại cây trồng này không kén đất, vì thế, Nhà nước nên cho quy hoạch ở những vùng không thể trồng được loại cây khác.
ÔNG LÊ BÁ LỊCH, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THỨC ĂN CHĂN NUÔI VIỆT NAM: Cần phải đánh thuế cao đối với sắn xuất khẩu
Tôi sang thăm các nhà máy của Trung Quốc thấy những bao tải sắn Việt Nam chất đầy trong kho. Điều đó cho thấy, mặt hàng sắn của nước ta chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, sắn là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, thế nhưng các doanh nghiệp trong nước lại không có hàng để mua. Điều này góp phần đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng liên tục, khiến nhiều trang trại, nhất là trang trại nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy cơ treo ao...
Trước đây, giá sắn chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 6.500-6.700 đồng/kg. Giá sắn lên cao, giúp nông dân tăng thu nhập, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sẽ có những tác động dây chuyền đến giá thực phẩm, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt. Tôi cho rằng giải pháp điều hành của các cơ quan quản lý là nên tùy tình hình mà đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Ví dụ chúng ta có thể đánh thuế xuất khẩu cao với các mặt hàng mà trong nước đang hạn chế xuất khẩu như sắn chẳng hạn...
ÔNG NGUYỄN MẠNH TIẾN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TÂY NINH: Cần sự vào cuộc của "4 nhà"
Có thể khẳng định, sắn là loại cây giảm nghèo ở Tây Ninh. Do vậy, tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân trồng sắn. Theo đó, việc mở rộng diện tích sắn cũng như thu mua sản phẩm từ sắn được coi là trách nhiệm của nhà quản lý các cấp và phải có đủ liên kết "4 nhà", các ngân hàng thương mại vào cuộc cung ứng vốn cho nông dân trồng sắn. Nhiều năm qua, các ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh cũng đã chuyển giao, cung ứng cho nông dân nhiều giống có năng suất cao, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế của người trồng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khuyến khích bà con đầu tư cho các giống KM 94, KM 101, KM 140 tai trắng, KM98-5 tai đỏ với năng suất bình quân 40 tấn/ha.
|
Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28943.html