Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 7, giá lợn đã ngừng tăng và có dấu hiệu giảm, nhất là ở miền Nam. Cụ thể: giá lợn hơi ở miền Bắc hiện từ 66.000- 67.000 đ/kg (giảm 1%), miền Nam 56.000- 57.000 đ/kg (giảm 4%), miền Trung từ 53.000- 56.000 đ/kg (giảm 2%). Giá gà bình quân trong tháng 7 cũng đã giảm so với tháng 6. Gà công nghiệp lông trắng: miền Bắc có giá bình quân 46.000 đkg (giảm 1,3%), miền Nam 32.300 đ/kg (giảm 29%). Gà thịt lông màu: miền Bắc 57.200 đ/kg (giảm 2,1%), miền Nam 38.800 đ/kg (giảm 30,4%).
Trong 6 tháng cuối năm nay, nhu cầu thịt các loại sẽ vào khoảng 1,7-1,8 triệu tấn (thịt xẻ). Nguồn cung thịt và trứng gia cầm trong nước được dự báo là sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thịt lợn sẽ có xu hướng giảm nhẹ từ cuối tháng 8, và trong 6 tháng cuối năm nay, sản phẩm chăn nuôi sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, tuy vẫn ở mức cao nhưng sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm nay từ 10-15%.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, thị trường thịt từ nay đến Tết Nguyên đán tới là rất khó lường. Bởi nhìn lại sự tăng giá các sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm nay, thấy rõ những yếu tố bất thường. Trong khi nhiều nhà chăn nuôi lớn cứ nhất mực cho rằng giá tăng là do giá thành chăn nuôi tăng, do đầu con giảm vì dịch bệnh …, thì một số DN đã thẳng thắn cho rằng đó không phải là những yếu tố chính.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT Proconco cho biết, giá thành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 20% so với đầu tháng 1/2011, nhưng giá thịt lợn hơi tăng tới 60- 70%. Như vậy có cả “bàn tay” của yếu tố cung – cầu. Ông Trần Tấn An, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho rằng giá thịt lợn hơi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu là sự tăng ảo. Sự tăng giá này chỉ có lợi cho những người có quyền chi phối, quyết định giá thịt lợn trên thị trường, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như chẳng được hưởng lợi lộc gì. Do giá tăng ảo nên công tác bình ổn giá thịt lợn bán lẻ mà Cty VISSAN đang thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi công ty phải giữ giá đầu ra trong khi giá đầu vào cứ tăng liên tục.
Ông An than “Người ta cứ trách chúng tôi rằng tại sao giá thịt heo bán lẻ lại cao thế. Nhưng khi chúng tôi phải mua heo hơi với giá 60.000 đ/kg, thì giá thành heo bán lẻ đã lên tới xấp xỉ 80.000 đ/kg rồi”. Ông Châu Nhật Trung, Chủ tịch HĐQT Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ, khẳng định “Giá tăng mạnh là do nhà giàu làm bậy”. Theo ông Trung, đó là các hoạt động đầu cơ, găm hàng, đẩy giá …, do một số DN vào hàng “đại gia” thực hiện trong thời gian qua.
Bên cạnh các yếu tố dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thì giá con giống cũng đang là một trở ngại lớn đối với việc thúc đẩy phát triên chăn nuôi trong những tháng cuối năm nay. Theo Cục Chăn nuôi, giá gà lông trắng 1 ngày tuổi hiện nay là 17.400 đ/con (giá miền Nam); gà lông màu 1 ngày tuổi có giá 8.800 đ/con (miền Bắc) và 10.200 đ/con (miền Nam); giá vịt siêu thịt thương phẩm 1 ngày tuổi là 24.000 đ/con (miền Bắc) và 19.000 đ/con (miền Nam); lợn giống loại 40 kg/con 78.300 đ/kg (miền Bắc) và 77.300 đ/kg (miền Nam), có thời điểm trong tháng 6, tháng 7, giá lợn giống ở miền Bắc lên tới 210.000- 250.000 đ/kg.
Theo ông Châu Nhật Trung, giá con giống hiện nay rất bất hợp lý, vì cao hơn giá thành sản xuất con giống tới 40%. Không chỉ các trại giống tư nhân mà các trai giống quốc gia do Nhà nước đầu tư, cũng đang bán con giống với giá quá cao. Ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty Thanh Bình (Đồng Nai) cũng cho biết giá con giống ở nước ta đang quá cao so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn ở Thái Lan, giá gà giống công nghiệp hiện chỉ khoảng 12.000- 13.000 đ/con. Vì thế, ông Bình đặt ra câu hỏi: Có nên cho NK con giống về để phá vỡ thế độc quyền về giá con giống mà các cơ sở sản xuất giống trong nước đang tạo nên?
Theo một số chuyên gia ngành chăn nuôi, hiện nay, người nuôi heo thường nhìn vào giá xuất chuồng của các “đại gia” như CP, San Miguel … để tính giá bán ra. Vì thế, nếu các “đại gia” này giảm giá lợn hơi, chắc chắn thị trường cũng sẽ giảm theo liền.
|
Lãi suất quá cao cũng đang là một trở lực lớn đối với ngành chăn nuôi. Ông Châu Nhật Trung cho biết, để có thể cung cấp mỗi ngày 20.000 con gia cầm cho thị trường TP HCM, ông phải đầu tư cho hệ thống chăn nuôi, giết mổ tới 600 tỷ đồng. Với lãi suất ngân hàng như hiện nay, đó là một cái “gánh” quá nặng. Ông Trần Tấn An cho hay đầu tư xây dựng một trại nuôi 1.000 con lợn nái, cần tới 100 tỷ đồng, với lãi suất ngân hàng 24% như hiện nay, DN không thể nào chịu nổi. Vì thế, để có thể thúc đẩy chăn nuôi trong thời gian tới, các DN cho rằng Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi về tín dụng cho người chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi từ nay đến cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới, Cục Chăn nuôi phải nắm chắc, theo sát tình hình chăn nuôi, nắm lại mảng sản xuất giống, nhu cầu giống, giá giống … qua đó có những tham mưa kịp thời cho Bộ. Các cơ sở sản xuất giống Nhà nước, vốn đã được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, thì phải làm gương về giá bán. Các DN lớn trong ngành chăn nuôi nên tổ chức vận chuyển kịp thời lợn từ miền Nam ra miền Bắc vì giá lợn giữa 2 miền hiện đang chênh lệch nhau quá cao, tới 10.000 đ/kg.
Đặc biệt, ông Tần kêu gọi các DN lớn trong ngành chăn nuôi xem xét giảm bớt một chút lợi nhuận bằng cách giảm giá bán xuống thêm nữa.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/82007/Default.aspx