Theo Bộ NN&PTNT, điều kiện thị trường trong và ngoài nước có những tín hiệu khả quan chính là những yếu tố để xuất khẩu nông sản tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất ước xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2010; thuỷ sản đạt 2,6 tỉ USD, tăng 28%; lâm sản đạt 1,9 tỉ USD, tăng 16,8%. Từ đầu năm đến nay xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng trưởng khá.
Mặt hàng đầu tiên phải kể đến đó là xuất khẩu gạo, ước tháng 6 xuất khẩu 610 ngàn tấn thu về 300 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên gần 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỉ USD, so với cùng kì năm trước tăng 15% về lượng và 13,1% về giá trị.
Mặc dù chính sách nhập khẩu gạo của thị trường truyền thống là Philippin thay đổi dẫn đến lượng xuất khẩu sang nước này giảm mạnh, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có thành tích xuất sắc nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của các thị trường như Inđônêxia, Cuba và Malaixia. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng ở mức 492 USD/T, giảm nhẹ so với cùng kỳ (-4,1%).
Mặt hàng thứ 2 phải kể đến đó là cà phê ước xuất khẩu tháng 6 đạt 115 ngàn tấn với trị giá 250 triệu USD. Như vậy tổng lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đạt 913 ngàn tấn với giá trị xấp xỉ 2 tỉ USD, tăng 38,6% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị.
Giá cà phê xuất khẩu đang trong xu hướng có lợi cho người trồng, đồng thời các thị trường tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu sang các thị trường gấp từ 2 – 6 lần so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn như Bỉ là thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ đạt giá trị 178,5 triệu USD và gấp 5,9 lần so với năm 2010.
Điều cũng là một trong những mặt hàng đã tạo được ấn tượng khá mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2011 bởi có cùng đà tăng giá như nhiều mặt hàng nông sản khác. Giá điều xuất khẩu bình quân đã đạt 7.445 USD/T tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Về kim ngạch xuất khẩu hạt điều, trong tháng 6, xuất khẩu hạt điều ước đạt 13 ngàn tấn thu về 100 triệu USD. Tổng khối lượng điều xuất khẩu 6 tháng đầu năm ở mức 67 ngàn tấn với trị giá 499 triệu USD, giảm 16,4% về lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Bên cạnh những mặt hàng có mức tăng trưởng kỷ lục trên, trong 6 tháng đầu năm 2011, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao, khẳng định vị thế của ngành nông sản với thế giới. Điển hình như mặt hàng hạt tiêu: Xuất khẩu tháng 6 ước đạt 15 ngàn tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng lên 70 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 368 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng giá trị tăng tới 64,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đạt 5.285 USD/T, tăng 70,7% so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù một số thị trường có sự sụt giảm mạnh về khối lượng như Đức, Ấn Độ, nhưng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường lớn đều tăng.
Được biết, hiện thị trường thế giới đang tạo thuận lợi lớn cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm trên thế giới tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 tới nay và chưa có dấu hiệu đảo ngược.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu nông sản được dự báo có nhiều thách thức, nguyên nhân là do những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông nghiệp gần như được bãi bỏ hết, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong năm 2011, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản để quảng bá trên thị trường thế giới. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới, kích cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, có định hướng phát triển cụ thể đối với từng mặt hàng chủ lực.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của ngành nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã nhấn mạnh kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ chuyển mạnh sang ưu tiên chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy tăng nhanh hơn giá trị gia tăng. Các đơn vị đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao. Đặc biệt, Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng tích cực và chủ động hưởng ứng cùng thế giới về “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” …
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=467383