Thành công của khai thác và nuôi trồng thủy sản
Khép lại 6 tháng đầu năm 2011, thủy sản Việt đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2011 là thời điểm thời tiết tương đối thuận lợi cho khai thác biển, bà con ngư dân đã tích cực triển khai đánh bắt hải sản.
Để góp phần kiềm chế lạm phát khắc phục khó khăn khi đánh bắt trên biển, ngành thuỷ sản đã phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình khuyến ngư năm 2011; động viên, khuyến khích ngư dân tích cực bám biển, triển khai kế hoạch xây dựng phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2011” ở các xã, phường ven đầm, ven biển; tiếp tục thực hiện phương án phối hợp với các lực lượng giao thông đường thủy, Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra kiểm soát tại các ngư trường. Nhìn chung sản lượng và hiệu quả khai thác thủy sản đạt khá, riêng các tàu công suất lớn làm nghề lưới vây, lưới cản, lưới cước, câu mực đạt sản lượng khá cao.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 6/2011 ước đạt 222 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng khai thác thuỷ sản 6 tháng đầu năm đạt 1.251,9 ngàn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1.170,3 ngàn tấn và khai thác nội địa đạt 81,6 ngàn tấn. Một số tỉnh có sản lượng đạt khá như Kiên Giang 197.527 tấn, Bà Rịa Vũng Tàu 133.215 tấn, Cà Mau 83.324 tấn, Bến Tre 61.5515 tấn, Bình Định đạt 61.000 tấn….
Về nuôi trồng thủy sản, ước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 6 đạt 300 ngàn tấn, đưa sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm lên 1.260 ngàn tấn, tăng 5,3% cùng kỳ năm 2010.
Đặc biệt, từ đầu năm 2011 đến nay, nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu luôn trong tình trạng thiếu hụt, các nhà máy chế biến thường phải hoạt động dưới công suất. Ngoài ra, nguồn cá giống không đủ đáp ứng nhu cầu nuôi, dẫn đến giá tăng; giá thức ăn nuôi cá cũng không ngừng leo thang, lãi suất ngân hàng ngày càng cao và nguồn vốn tín dụng rất khó tiếp cận. Những khó khăn ấy khiến người dân rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào mùa vụ nuôi mới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng cá tra nguyên liệu hằng năm vẫn tăng lên đáng kể trong 10 năm qua, từ 37.500 tấn năm 2001 lên 1,35 triệu tấn năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 40 lần, từ 40 triệu USD lên hơn 1,4 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 40% diện tích (trong 6.000ha) cá tra đã và đang được chứng nhận tiêu chuẩn bền vững.
Xuất khẩu tạo dấu ấn đậm nét
Lĩnh vực xuất khẩu được coi là khá thành công nhất trong bức tranh thủy sản 6 tháng đầu năm 2011. Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thuỷ sản tháng 6/2011 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2011 lên gần 2,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, nhưng các thị trường lớn vẫn tăng trưởng vượt bậc như Hoa Kỳ tăng tới 49,6%, Hàn Quốc tăng 33,3%, thị trường EU duy trì sức tiêu thụ khá. Trong các mặt hàng thuỷ sản thì cá tra là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn cả.
Được biết, hiện cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục. Kết quả này cho thấy, cá tra chiếm nhiều ưu thế hơn so với các loài thủy sản khác vì được thị trường thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu cũng như nhập khẩu thủy sản, cá tra cần phải đáp ứng nhiều quy chuẩn do nhà nhập khẩu yêu cầu. Nhằm phát triển thị trường hơn nữa, ngành thủy sản cũng đưa ra phương pháp đa dạng hóa thị trường và các sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia, thực hiện các yêu cầu nuôi nghiêm ngặt và tiêu chuẩn nuôi bền vững.
Đẩy mạnh giải pháp để hoàn thành mục tiêu năm 2011
6 tháng đầu năm 2011, ngành thủy sản đã gặt hái được nhiều thành công từ sự nỗ lực, để hoàn thành mục tiêu cả năm 2011, ngành thuỷ sản đang tiếp tục đồng lòng hiệp sức để vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu đề ra là phấn đấu mức tăng trưởng chung là 7% so với năm 2010. Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 phấn đấu đạt khoảng 5,3 triệu tấn, trong đó khai thác là 2,3 triệu tấn và nuôi trồng là 3 triệu tấn.
Được biết, hiện ngành thuỷ sản đang tiếp tục đầu tư cho sản xuất , ưu tiên đầu tư các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể…; đồng thời, tiếp tục tăng cường cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tín dụng, kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm….
Bên cạnh đó, ngành cũng đang đẩy mạnh việc tìm thị trường và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết tốt vấn đề nguyên liệu cho chế biến. Đây là những vấn đề được xác định là việc làm cấp bách và thường xuyên của ngành. Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thuỷ sản tại nước ngoài để tăng cường đầu ra ổn định cho sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian và chủ động điều phối hàng hoá tại các thị trường lớn….
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản