Theo các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn còn khá cao, khoảng 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Bên cạnh đó, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo vào khoảng 50%…
|
Tại Hội thảo về bảo quản lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, các đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng, thời gian vừa qua tổn thất sau thu hoạch lúa gạo của khu vực này vẫn còn cao. Từ đó, nhiều đại biểu đã kiến nghị phải công hiệp hóa phương pháp bảo quản, tồn trữ lúa gạo bằng silo, đây là khâu quan trọng trong chuỗi làm giảm thiệt hại sau thu hoạch và gia tăng trong chuỗi hình thành giá trị hạt gạo. Các đại biểu dự Hội thảo đã đề xuất việc đầu tư phát triển hệ thống silo bảo quản, tồn trữ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các cụm silo hiện đại được trang bị hệ thống lấy mẫu để kiểm định chất lượng đầu vào, thiết bị làm sạch, sấy khô lúa, hệ thống nạp vào và tháo lúa ra bằng cơ giới, theo dõi tự động nhiệt độ của lúa trong quá trình bảo quản… Từ đó, chất lượng lúa gạo được bảo đảm trong thời gian khá dài và thuận lợi trong vấn đề chủ động nguồn hàng, chờ giá cao, kéo dài thời gian tiêu thụ, đảm bảo an ninh lương thực…
Tồn trữ lúa gạo bằng silo, hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên viên Công ty Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây sản xuất lúa gạo chủ yếu với quy mô nhỏ, phục vụ cho nhu cầu lương thực của nông hộ và tiêu thụ trên thị trường nội địa. Quy mô nhà máy xay xát lúa gạo nhỏ có công suất từ 0,5 tấn lúa đến 2 tấn lúa/giờ. Hầu hết, lúa tồn trữ tại hộ nông dân bằng bồ lúa, hoặc bao lúa truyền thống. Lúa chứa trong bồ được nông dân thường phơi khô, độ ẩm thấp hơn 15% . Nông dân thường phơi lúa lại cho giảm độ ẩm trước khi xay xát. Phương pháp này giúp máy xay dễ tách trấu ra khỏi vỏ lúa, hạt gạo cứng hơn, qua công đoạn xát trăng ít gãy vỡ hơn và tồn trữ gạo được lâu hơn. Việc làm này chỉ thích nghi với nền sản xuất nhỏ, tự túc tự cấp của nông hộ, nông dân chủ động có thể làm khô lúa nhiều lần, mỗi bồ lúa chứa một giống lúa. Nếu lúa phơi không đảm bảo độ khô, đáy bồ không lót trấu đủ, lúa chứa trong bồ có thể bị ẩm, hạt lúa ẩm gạo đổi màu vàng, còn nếu dùng bao chứa lúa, chất tại các nhà máy xay xát gạo, sẽ phải sử dụng nhiều lao động, công việc này thích nghi với các nhà máy xay xát lúa gạo quy mô nhỏ, với phương châm sản xuất lấy công làm lời. Hiện nay, việc tồn trữ bằng silo gắn với phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo, từng bước đưa thùng chứa thay thế tồn trữ lúa bằng bao tại các nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu. Có thể nói, ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa hàng hóa là chính, lượng gạo xuất khẩu yêu cầu số lượng lớn, giao hàng đúng hẹn, công suất nhà máy xay xát lúa gạo ngày càng lớn, từ 12 tấn đến 24 tấn lúa/giờ, đòi hỏi cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu. Việc cơ giới hóa, tự động hóa thay thế lao động thủ công trong công nghiệp xay xát lúa gạo phát triển rất nhanh ở khu vực này. Các nhà máy xay xát từ lúa và đánh bóng gạo có công suất từ 12 tấn/giờ đến 48 tấn/giờ trong từng công đoạn thường bố trí thùng chứa nguyên liệu đầu vào và thùng chứa thành phẩm đầu ra tối thiểu tương đương với công suất 2 ca máy. Trước đây nhà máy xay lúa thương phẩm có công suất cơ bản là 2 tấn lúa/giờ. Các nhà máy có công suất lớn hơn do ghép nối tiếp của các hệ 2 tấn lúa/giờ. Trong toàn bộ các khâu nạp liệu, chất cây lúa, gác hộc lúa chờ xay, may bao, chất cây gạo, xuất hàng đều do lao động thủ công thực hiện. Lượng nguyên liệu nhập hằng ngày khoảng từ 20 – 40 tấn lúa, một đội bốc xếp từ 5 đến 10 người có thể đáp ứng được nhu cầu của 1 hệ thống xay xát
Hiện nay, tại các nhà máy xay lúa và đánh bóng gạo công suất trung bình từ 12 đến 40 tấn/giờ. Lượng nguyên liệu xuất nhập hàng ngày lên đến hàng trăm hoặc ngàn tấn. Lao động thủ công với phương thức bốc xếp truyền thống không đáp ứng được nhu cầu chủ động xuất nhập của nhà máy xay xát công nghiệp có công suất cơ bản cho từng đơn vị máy 12 tấn/giờ. Theo các doanh nghiệp, bốc xếp thủ công gắn với tồn trữ lúa bằng bao chất thành cây ở các nhà máy xay xát, tuy nhiên, trong tất cả các công đoạn giá thành bốc xếp và công lao động thủ công là mối lo lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu với quy mô lớn, có khi lên đến hàng nghìn tấn/ngày. Thay thế lao động thủ công sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu do giảm chi phí bốc xếp và hao phí bao chứa cho từng khâu. Chính vì vậy, tồn trữ lúa trong 1 silo, cùng 1 giống, được thu hoạch cùng một thời điểm và do một chủ mua sẽ gắn với quy mô sản xuất, hạng điền, cải tiến hệ thống canh tác, thu mua tồn trữ, đầu tư hệ thống chế biến, kinh doanh lúa gạo. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học cho thấy, tồn trữ lúa bằng silo giảm chi phí 8.000 đồng 1 tấn. Thực tiển cho thấy rằng việc bố trí thùng chứa nguyên liệu đầu vào và thùng chứa thành phẩm đầu ra cho từng bước công nghệ trong quy trình chế biến lúa gạo xuất khẩu, giúp cho việc chế biến lúa gạo chủ động hơn, không những giảm công bốc xếp cho từng công đoạn chế biến bình quân 15.000 đồng/tấn,chi phí bao bí 20.000 đồng/tấn, mà chất lượng thành phẩm tốt hơn, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao hơn.
Thay thế dần tồn trữ bằng bao sang tồn trữ bằng silo
Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tồn trữ lúa gạo bằng bao thay thế bằng silo nên thực hiện từng bước với phương châm thích nghi và hiệu quả, hiện nay các nhà máy cơ khí nhỏ và vừa trong nước đang cung cấp cho các nhà máy xay lúa các silo, thùng chứa lúa gạo thiết diện dạng vuông, lắp đặt trong nhà kho được bao che chống mưa nắng. Sự đồng nhất về giống lúa trong cùng một silo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng tồn trữ cũng như chất lượng xay xát sau tồn trữ. Trong một silo không nên chứa nhiều giống lúa khác nhau vì không thể xay xát ra gạo chất lượng cao từ lô lúa này. Đầu vào của silo là lúa sấy cũng vậy, mỗi mẻ sấy phải từ một loại giống lúa. Như vậy, vấn đề đã chuyển từ thiết bị cơ khí sang lĩnh vực sản xuất nông học; sản xuất lớn không phải chỉ là mỗi silo 3000 tấn, mà còn làm sao cho lô lúa 3000 tấn đó chở về phải từ một giống. Bảo quản với số lượng lớn, năng suất cao và ít tốn mặt bằng xây dựng. Cùng với đó, việc bảo quản lúa gạo bằng silo sẽ kiểm soát tốt môi trường nên giảm thiểu thất thoát trong bảo quản. Đảm bảo được chất lượng bảo quản trong thời gian dài, từ 6 tháng đến 1 năm với kỹ thuật thông thoáng và theo dõi phù hợp; trong lúc bảo quản trong bao không quá 4 tháng do điều kiện khí hậu nóng ẩm. Giảm chi phí bao bì và lao động thủ công do cơ giới hóa cao và giảm chi phí chung so với bảo quản trong bao. Tuy nhiên bảo quản theo công nghệ này cũng sẽ gặp phải những khó khăn như: Chi phí đầu tư và sử dụng cao, đặc biệt là tiền lãi trả cho mua lúa bảo quản chiếm hơn 50% chi phí bảo quản, đây là gánh nặng cho người muốn đầu tư và sử dụng silo. Kỹ thuật chưa được phổ biến rộng, đầu ra hạn chế cho sản phẩm của silo, thậm chí không có với chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay. Nguyên liệu chưa đủ đồng đều cho một silo do sản xuất manh mún phân tán. Khi sản xuất chưa tập trung để đồng nhất về giống lúa, việc kiểm tra các lô hàng để khỏi lẫn lộn giống lúa rất khó. Hiện nay làm gạo cấp thấp nên chưa lo về việc này, mà việc này cũng chưa cần vì không có trữ lúa. Do cách làm ăn lâu nay chỉ quan tâm đến việc mua bán và lợi nhuận, các công ty lương thực thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật am hiểu về các công nghệ và thiết bị sau thu hoạch lúa gạo.
Nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới là xu hướng tất yếu phải đạt được. Muốn vậy, phải thay đổi chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng sản xuất hiện đại, trong đó sử dụng silo bảo quản là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng này. Mặc dù vậy, tự thân silo một mình không giải quyết được vấn đề, như đã không thành công trong 2 thập kỷ qua mà cần phải thay đổi cả một quy trình công nghệ sau thu hoạch lúa. Bên cạnh đó, để một giải pháp công nghệ có thể đi vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực trong đời sống cũng cần có các giải pháp kinh tế và quản lý khác để hỗ trợ. Theo các nhà khoa học thuộc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học An Giang, con đường chuyển đổi thành nông nghiệp hiện đại với lúa chất lượng cao và tăng lợi nhuận cho nông dân nhờ cây lúa còn nhiều giai đoạn gập ghềnh và trở ngại. Nhưng nếu không khởi đầu, cứ đợi và đợi thì biết bao giờ mới đạt đích. Vì vậy, khởi động với silo cùng với các tiến bộ khác về sản xuất nông học và công nghệ sau thu hoạch là cần thiết cho mục đích đó. Hi vọng nhà nước và doanh nghiệp sẽ kéo nông dân và các nhà khoa học vào cuộc để cùng giải quyết vấn đề./..
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=467786