Xây dựng các mô hình sản xuất chè, cây ăn quả đặc sản theo hướng VietGAP

29/06/2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện hai dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2011 - 2013 là: Xây dựng mô hình sản xuất chè và Phát triển trồng mới cây ăn quả đặc sản theo hướng VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Dự án Phát triển trồng mới cây ăn quả đặc sản do Hiệp hội làm vườn Việt Nam chủ trì, thực hiện tại các tỉnh: Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Mục tiêu của dự án là xây dựng 490 ha theo mô hình cây ăn quả đặc sản, tập huấn cho gần 2.100 lượt nông dân nhằm góp phần mở rộng diện tích các giống cây ăn quả đặc sản bản địa và các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, cạnh tranh với hàng hóa nhập và xuất khẩu. Kinh phí thực hiện cho dự án là gần 7,3 tỷ đồng.
Đối với mô hình sản xuất chè, mục tiêu trồng mới 50 ha chè giống mới với tỷ lệ sống trên 85%; xây dựng 100 ha chè thâm canh, năng suất vườn chè thâm canh tăng 20 – 25% so với sản xuất đại trà; tập huấn cho 1.115 lượt nông dân. Sản xuất chè theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; đưa nhanh các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt thay thế dần những nương chè cũ, hiệu quả đầu tư không cao để cung cấp nguyên liệu cho chế biến công nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Dự án này do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì thực hiện tại 5 tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Nội và Lâm Đồng. Kinh phí thực hiện dự án là 4,5 tỷ đồng.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Trí Ngọc, việc tập trung xây dựng các mô hình theo quy trình VietGAP là điều cần thiết tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Có như vậy mới tăng được giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp và nâng cao được sức cạnh tranh thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, dù VietGAP mới chỉ triển khai trên diện hẹp ở một số đối tượng như lúa, chè, rau, cà phê…, nhưng bước đầu cần kiên trì thực hiện để từ đó nhân rộng các mô hình tốt ra cả nước./.
Theo TTXVN

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=466350


Tin khác