Điện Biên: Còn nhiều khó khăn trong việc triển khai làm nhà ở cho hộ nghèo

12/07/2011

Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người nghèo làm nhà ở theo tiêu chí “3 cứng” (nền, khung, mái) được đánh giá là một trong những chính sách đem lại nhiều giá trị và lợi ích “sát sườn” cho hàng chục ngàn hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Song, thực tế sau hơn 2 năm triển khai quyết định này tỉnh Điện Biên đã gặp những khó khăn nhất định.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, những “rào cản” khó khăn trong việc triển khai Quyết định 167 mà tỉnh này gặp phải, đó là: Phần lớn các hộ thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, lại ở địa bàn giao thông chia cắt mạnh (vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa…). Với điều kiện này thì khoản tiền hỗ trợ 8,4 triệu đồng/hộ để người dân làm nhà ở trong thời điểm giá cả vật liệu thị trường biến động, cước chi phí vận chuyển cao thì mức hỗ trợ đó là rất thấp đối với nhu cầu người được hỗ trợ. Trong khi đó, nhu cầu về gỗ làm nhà của đồng bào dân tộc phải vừa đáp ứng tiêu chí “3 cứng”, vừa phù hợp với tập quán sinh hoạt, văn hoá bản địa, khí hậu vùng miền của người dân tại mỗi địa phương rất hạn chế. Ngoài ra, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nội dung triển khai thực hiện nhà ở cho người dân của cán bộ cấp xã còn yếu kém. Có nhiều chương trình, dự án, chính sách, chính cán bộ không nắm bắt được nên không thể tuyên truyền đến người dân. Tồn tại này đã gây nên sức ỳ trong việc thực hiện Quyết định và là bài toán chưa có lời giải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua. Một nghịch lý trong quá trình triển khai thực hiện quyết định trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đó là: Không ít hộ dân dù nằm trong diện được hưởng lợi nhưng lại không muốn thụ hưởng chương trình vì còn mang nặng tập quán du canh, du cư. Đặc biệt hơn, đã xảy ra trường hợp có hộ thuộc diện hỗ trợ, rất có nhu cầu về nhà ở nhưng khi được giao tiền vay ưu đãi thì không nhận vì không có khả năng trả nợ. Có hộ nhận tiền thì không làm nhà mà lại sử dụng sai mục đích, cá biệt có một số hộ đã xây dựng xong nhà ở nhưng không sử dụng, bỏ đi nơi khác…
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ cho các hộ nghèo tại địa phương, nhằm hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo vào năm 2011. Đồng thời kêu gọi, huy động nguồn vốn hỗ trợ từ sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tăng thêm nguồn vốn thực hiện chương trình. Yêu cầu UBND các cấp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân xoá bỏ tập quán du canh, du cư, xây dựng nhà ở. Đối với các hộ dân đã nhận tiền mà không làm nhà, UBND các cấp huyện, thị xã, thành phố cần phải thu hồi nguồn kinh phí đã cấp, đồng thời vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể địa phương vận động cộng đồng ở địa phương chung tay giúp đỡ các hỗ nghèo xây dựng nhà ở; hình thành các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở (dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã) để hỗ trợ nhân lực xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự xây dựng nhà. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị các địa phương đạt tỷ lệ thấp trong việc làm nhà ở cho hộ nghèo cần nghiêm chỉnh xem xét, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở trên địa bàn; tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành chương trình đúng tiến độ đề ra.
Theo số liệu thống kê, tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh sau khi tiến hành rà soát còn lại 13 nghìn hộ. Cho đến thời điểm này, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ mà tỉnh Điện Biên đã giải ngân được để triển khai thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ là gần 300 tỷ đồng (đạt hơn 98% tổng số vốn hỗ trợ). Đã có trên 10 nghìn ngôi nhà làm xong, trong đó, địa phương hoàn thành việc xây nhà cho hộ nghèo ở địa phương chiếm tỷ lệ cao nhất là huyện Điện Biên Đông (trên 99%), thấp nhất là thành phố Điện Biên Phủ (25%)... Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn gần 3 nghìn hộ chưa hoàn thành được nhà ở. Trong đó, địa phương có số lượng nhà chưa hoàn thành cao nhất là huyện Tuần Giáo, thấp nhất là huyện Mường Chà… Khoảng thời gian còn lại của năm nay, để hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho tổng số hộ này quả là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh Điện Biên theo lộ trình của Quyết định 167./.
Theo TTXVN

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30179&cn_id=468054


Tin khác