Có thể trồng ngô biến đổi gen ngay trong vụ đông

05/08/2011

Có thể ngay trong vụ đông năm nay sẽ tiến hành làm mô hình trình diễn ngô biến đổi gen ở Vĩnh Phúc và nếu thành công thì năm 2012 mới có thể đảm bảo cây trồng này chính thức được trồng đại trà, đó là khẳng định của ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại buổi Hội nghị đầu bờ về khảo nghiệm trên diện rộng ngô biến đổi gen vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc.

Trong tuần này, hơn 1ha ngô biến đổi gen trồng thử nghiệm là MON 89034, NK603, MON 89034 x NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc Công ty Monsanto Thái Lan) ở xã Mai Nham (Tam Dương - Vĩnh Phúc) sẽ được thu hoạch.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, kết quả khảo nghiệm đều cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng và độ kháng sâu đục thân của loại cây trồng này hơn hẳn cây ngô được trồng đối chứng trong cùng 1 điều kiện như nhau. Cụ thể, năng suất ngô biến đổi gen ở đây cao hơn từ 30-40%...
Theo PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, đây sẽ là lần khảo nghiệm cuối cùng của Viện để đánh giá độ an toàn của loại cây trồng này đối với môi trường, sức khỏe, cũng như đặc tính kháng sâu...
Giải thích vì sao sau nhiều lần “chốt” thời gian đưa ngô biến đổi gen vào thương mại thì đến thời điểm này mức thời gian được đề ra lại là năm 2012, ông Hàm cho biết, hiện, các nước đang phát triển ngày càng bị lôi cuốn vào công nghệ này. Nước ta cũng đã thực hiện đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất theo 1 quy trình nghiêm ngặt của thế giới. Trước hết là phải chọn được cơ thể cho gen phải an toàn, tức là đảm bảo môi trường, sức khỏe... Sau đó, chọn phương pháp chuyển gen làm sao đảm bảo hiệu quả, an toàn cao nhất. Sau khi tạo cây biến đổi gen được đánh giá nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối trong phòng thí nghiệm, rồi đưa ra khảo nghiệm diện hẹp, sau khi đánh giá kết quả an toàn và trình lên Hội đồng An toàn sinh học và Hội đồng này kết luận là an toàn thì khảo nghiệm ở diện rộng tại 4 vùng sinh thái đại diện.
“Trong khoảng 1-2 tháng tới, chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả ở diện hẹp, rộng... thành 1 bộ hồ sơ an toàn sinh học và đưa lên Hội đồng An toàn sinh học Quốc gia trước khi được đưa vào thương mại. Để đưa 1 sản phẩm công nghệ sinh học đến được với người nông dân, lâu nay chúng tôi phải làm hết sức cẩn thận. Và vì thế việc đưa cây trồng biến đổi gen mà cụ thể ở đây là cây ngô mới lâu và trải qua nhiều giai đoạn như vậy”, ông Hàm nói.
Ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc, cho biết, sử dụng giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân nên nông dân sẽ không phải tốn quá nhiều tiền vào việc mua thuốc bảo vệ thực vật, giảm rất nhiều chi phí. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 6.000ha đất cấy được lúa 2 vụ; vụ đông vào khoảng 20.000ha. Nếu tính chi phí thuốc trừ sâu 1ha mất 2 triệu đồng thì 10.000ha sẽ giảm được 20 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị ngành cần sớm triển khai và đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp. Vĩnh Phúc là nơi đi đầu trong nhiều phong trào sản xuất nông nghiệp như khoán 10... do đó, hy vọng đây cũng là địa phương sẽ tiên phong để nông dân trồng ngô biến đổi gen. Nếu có thể đưa luôn vào vụ đông này thì rất tốt.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình băn khoăn, liệu đến năm 2012 có thể đi vào sản xuất được hay không khi có quá nhiều “thủ tục” sau đó. Nếu không triển khai sớm cây đỗ tương thì vụ đông của chúng ta chắc chắn là đi xuống và thực tế nó đang đi xuống thật. Vì vậy, đối với đậu tương biến đổi gen chúng ta cũng nên làm sớm. Đặc biệt, một tiến bộ phải được đưa vào mô hình để thuyết phục nông dân và nếu được nông dân chấp nhận thì phải mất tới 3-4 năm. Và như vậy, đối với cây ngô biến đổi gen, đến năm 2012 liệu nó có thể được đưa vào trồng hay không cũng là vấn đề mà địa phương cần phải có câu trả lời sớm để còn đưa vào kế hoạch sản xuất. Còn nếu không làm sớm, thì việc đưa cây trồng này vào sản xuất sẽ tiếp tục mất nhiều thời gian hơn nữa, chứ không dừng lại ở năm 2012”.
Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, thừa nhận, kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen đã cho thấy kết quả tốt cũng như độ an toàn sinh học cao. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản nhưng hàng năm lượng ngô, đậu tương phải nhập khẩu rất lớn từ các nước sử dụng cây trồng biến đổi gen này. Đề nghị, Viện Di truyền Nông nghiệp nhanh chóng tổng hợp kết quả báo cáo, Vụ Khoa học Công nghệ báo cáo để ngay trong vụ đông này sẽ làm mô hình trình diễn ngô biến đổi gen ở Vĩnh Phúc và như thế nếu thành công mới có thể đảm bảo thương mại hóa loại cây trồng này vào năm 2012.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/8/29507.html


Tin khác