Thương mại hóa cây trồng biến đổi gen: Cần quy chế rõ ràng

05/08/2011

Cây trồng biến đổi gen được coi là thành tựu lớn của công nghệ sinh học, giúp các quốc gia giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu và khảo nghiệm loại cây trồng này đều khá tốt nhưng đến nay, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa được đưa vào canh tác đại trà do còn nhiều ý kiến lo ngại.

Nghi ngại nhưng nhiều tiềm năng
Thừa nhận những mặt tích cực của cây trồng biến đổi gen, song ông Phạm Văn Lâm, Viện Bảo vệ thực vật cho rằng, tiến bộ kỹ thuật bao giờ cũng có 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận mặt tiêu cực đó như thế nào để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục. Cây trồng biến đổi gen cũng vậy, ngoài năng suất cao, lợi nhuận kinh tế lớn…, nó cũng khiến sâu hại hình thành nòi mới kháng độc tố Bt trong cây chuyển gen, rủi ro tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học, gia tăng tính trầm trọng của sâu hại không chủ đích...
Ông Ngô Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đặt vấn đề, cây trồng biến đổi gen có ảnh hưởng gì tới các vi sinh vật trong đất? Các kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động tới đồng ruộng mới thực hiện ở nước ngoài trên quy mô nông trại, còn khi áp dụng tại Việt Nam sẽ thế nào? Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu từng bước thật chắc chắn, từ đó mới đưa vào ứng dụng đại trà, do đặc thù đồng ruộng của nước ta manh mún, nhỏ lẻ.
PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp lại nhìn nhận ở khía cạnh khác. Tại Hội thảo Triển vọng cây trồng biến đổi gen, ông Hàm đặt vấn đề: Việt Nam là nước xuất khẩu hay nhập khẩu lương thực? Năm 2010, nước ta sản xuất được 48 triệu tấn lương thực, trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo nhưng phải nhập tới 2,5 triệu tấn đậu tương, 1,6 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn gạo chất lượng. Mỗi năm lại sinh ra thêm 1 triệu miệng ăn, đồng nghĩa với việc ngành Nông nghiệp phải làm ra thêm 1 triệu tấn lương thực. Đến năm 2050, dân số Việt Nam khoảng 130 triệu người, liệu chúng ta có thể sản xuất được 80 triệu tấn lương thực hay không? Do đó, một trong những giải pháp quan trọng là phải đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất.
TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, nếu chúng ta sớm đưa giống ngô biến đổi gen vào trồng sẽ phần nào giải được bài toán thiếu hụt nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, một trong những "thủ phạm" gây ra giá thịt heo tăng cao trong thời gian qua.
Cần quy chế rõ ràng
Theo Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, giai đoạn 2011-2015 sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; đến năm 2020 có 30-50% diện tích canh tác trồng cây biến đổi gen. Tuy nhiên, tới thời điểm này, mọi việc vẫn dừng ở khảo nghiệm.
Vậy, khi nào nông dân được hưởng các thành tựu của công nghệ sinh học hiện đại? Theo ông Hàm, đầu tiên là phải có một hệ thống quy chế cho cây trồng biến đổi gen hoàn thiện; thứ hai là quy chế an toàn thức ăn chăn nuôi, thực phẩm cho con người; thứ ba là quy chế về dán nhãn sản phẩm; thứ tư là thương mại hóa, xuất nhập khẩu và cuối cùng là phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người hiểu về vai trò của cây trồng biến đổi gen.
TS.Leonardo Gonzale, nhà kinh tế nông nghiệp hàng đầu của Philippines cho biết, 9 năm qua, ngô biến đổi gen ở Philippines đã được cấp phép sản xuất và sử dụng trong thực phẩm, thức ăn gia súc và chế biến. Kết quả này là nhờ vào việc thiết lập hệ thống hành lang pháp lý để cấp phép, theo dõi và quản lý các loại cây trồng công nghệ sinh học, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, đa dạng sinh học, bản quyền công nghệ trong sử dụng và thương mại hóa các cây trồng công nghệ sinh học…
Đối với Việt Nam, TS.Leonardo Gonzale đưa ra lời khuyên, để tối đa hóa các lợi ích tiềm năng của cây trồng biến đổi gen cần có chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn sinh học. Trong quá trình thương mại hóa, cần liên tục đánh giá lợi ích và rủi ro từ việc sản xuất loại cây này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống an toàn sinh học dựa trên kết quả của các mô hình trình diễn và thử nghiệm trong thực tế.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Giám đốc đối ngoại Công ty Dekalb (Tập đoàn Monsanto, 1 trong 4 đơn vị được phép tiến hành khảo nghiệm ngô biến đổi gen ở Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất muốn đầu tư, nhưng họ cũng mong Chính phủ có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch bởi nó liên quan đến kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Dự kiến, nếu không có gì thay đổi thì bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam chính thức có cây trồng biến đổi gen và ngô là cây trồng đầu tiên.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/7/29371.html


Tin khác