Thanh Hóa: NM giấy “thối” trên giấy

05/08/2011

Gần 10 năm nay, cụ Nguyễn Thị Đắc ở thôn 2 xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ngày ngày đi chăn bò trên bãi đất hoang rộng 58ha. Nơi đây đã được cấp phép cho xây dựng một NM giấy có quy mô hoành tráng nhất tỉnh Thanh Hóa vào năm 2002. Tiếc thay, sau lễ động thổ, với cờ hoa, xe cộ kéo dài hơn 2km từ QL1A đi vào vị trí xây dựng, cho đến nay nơi đó cũng chỉ là một bãi đất hoang.

Động thổ rồi...để đấy!
Ngồi trên mô đất để trông bò, cụ Đắc móm mém nhai trầu và thở dài khi kể cho chúng tôi nghe những gì cụ biết về cái dự án mà người dân nơi đây ví von rằng nó đã “thối” khi chưa đi vào sản xuất. Cụ bảo: “Ngày nào tôi cũng chăn bò ở đây, bán được bao nhiêu lứa bò rồi mà vẫn chưa thấy người ta xây dựng NM. Nhìn khu đất mà tôi thấy xót xa cho một khu rừng bị cày lên, lật tung ra để san lấp rồi bỏ hoang cả gần chục năm nay. Chỉ khổ cho mấy gia đình bị thu hồi đất, phải ra khu TĐC vài trăm mét vuông làm nhà ở, ngoài ra không có đất để sản xuất, ngành nghề chẳng có gì nữa, nghèo đói, vất vả triền miên”.
Đúng như cụ Đắc nói, khốn khổ nhất là những hộ dân bị thu hồi đất để làm NM. Chị Nguyễn Thị Lưu (SN 1982) hiện đang ở khu TĐC từ DA NM giấy cho hay: Thời điểm đó giá đền bù rất thấp, đất ở được đền bù 6.500đ/m2, còn đất rừng sản xuất thì được đền bù 1.100đ/m2. Chính vì thế, các gia đình bị thu hồi đất, khi ra khu TĐC chỉ làm nhà xong là hết tiền. Đất sản xuất không có nên nhiều nhà rơi vào cảnh túng bấn. Đàn ông thanh niên trai tráng phiêu bạt vào Nam làm ăn, ở nhà chỉ có phụ nữ và con nhỏ”.
Được biết, tháng 10/2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho TCty Giấy Việt Nam đầu tư xây dựng NM giấy và bột giấy Thanh Hóa tại xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) và đã phê duyệt DA đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho NM này. Theo đó, tổng mức đầu tư của DA này gần 1.600 tỷ đồng, được thực hiện làm hai giai đoạn, bắt đầu từ năm 2003. Dự kiến từ năm 2006- 2009, NM sẽ sản xuất 50.000 tấn bột và 60.000 tấn giấy/năm, đến năm 2010 công suất NM tăng gấp 3 lần.
Để thực hiện DA này, năm 2003 TCty Giấy Việt Nam thực hiện giải phóng mặt bằng 58 hecta đất vườn rừng của hàng trăm hộ dân xã Châu Lộc. Các gia đình phải thu dọn nhà cửa, vật dụng, sản phẩm cây trồng trên đất để việc GPMB của DA nhanh chóng được hoàn thành. Thế nhưng, dự án đã có trục trặc và lộ rõ nguy cơ "treo"  khi tháng 3/2006, TCty giấy đã xin Chính phủ điều chỉnh lại DA. Theo đó xin điều chỉnh tăng vốn và điều chỉnh mục tiêu sản xuất từ 30.000 tấn giấy carton duplex và 30.000 tấn giấy bao gói/năm sang sản xuất lên 60.000 tấn giấy bao gói xi măng và kraff line/năm.
Đến năm 2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2000/VP-CN đồng ý cho TCty Giấy Việt Nam thành lập Cty CP Giấy Thanh Hóa để tiếp tục thực hiện DA này. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ là phương án trên giấy, còn tiến độ thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Dân khổ trăm bề
Nhân dân xã Châu Lộc cho hay, trước khi làm lễ động thổ NM này, chủ đầu tư có cam kết là sẽ ưu tiên cho con em địa phương vào làm việc trong NM nếu được học nghề giấy. Chính vì thế thời điểm đó đã có nhiều người xin được đi học nghề này ở Phú Thọ, tất nhiên là có sự bắt mối của chủ đầu tư. Chị Nguyễn Thị Lưu- thôn 2 xã Châu Lộc lúc đó mới tốt nghiệp THPT nên được tuyển đi học. Chị Lưu cho hay, có 50 người trong xã đã học hết trình độ trung cấp ở Phú Thọ, tính bình quân hết 13 triệu đồng/người cho cả khóa học. Để có số tiền đó, bố mẹ chị Lưu đã phải vay  ngân hàng 10 triệu đồng. Vậy nhưng, học xong, có bằng rồi mà về quê vẫn chưa thấy NM xây dựng.
Đưa những vấn đề này trao đổi với ông La Văn Dũng- PCT UBND xã Châu Lộc, ông Dũng cho hay:
“Địa phương chúng tôi thuần túy là làm nông nghiệp nên đời sống nhân dân rất khó khăn. Cũng nghĩ rằng phát triển được một dây chuyền sản xuất thì tạo ra diện mạo mới và bộ mặt cho thôn quê nhưng có ngờ đâu, hy vọng bao nhiêu thì nay thất vọng bấy nhiêu. Trong khi dân thiếu đất sản xuất mà 58ha của DA thì cứ treo mãi đó gần chục năm. Chúng tôi đề nghị cấp trên cần sớm xử lý vấn đề này để tạo niềm tin trong nhân dân và giúp địa phương giải quyêt được những tồn tại, khó khăn từ hệ lụy này”.
Lưu và các bạn đợi 1 năm, 2 năm rồi 4 năm, 5 năm vẫn không thấy xây dựng NM trong khi lãi suất ngân hàng vay tiền đi học ngày một tăng lên. Chính vì thế đã có rất nhiều người buộc phải bỏ quê hương phiêu bạt khắp nơi kiếm tiền về trả nợ.
Trong số những người đi học ngày đó, đến nay rất nhiều người đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Như chị Lưu đã có hai người con trai, cháu đầu đã vào học lớp 1, cháu thứ hai học mầm non. “Chắc là đời mẹ không vào làm công nhân của NM thì đợi thêm mười mấy năm nữa cho các con vào làm việc vậy?” - chị Lưu hài hước nói.
Cả một vùng đất dự án bây giờ hoang phí, nham nhở. Mỗi khi trời mưa, đất đá, nước bẩn tuôn trào xuống làm ngập đường, ngập úng lúa và hoa màu, chảy băng qua các chuồng trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Lực sống cạnh khu vực dự án bức xúc nói: “Nếu DN không còn khả năng đầu tư, Nhà nước nên sớm thu hồi đất trả cho dân hay cho DN khác thuê chứ cứ để hoang như này vừa khó coi mà lại gây ra bao phiền toái cho dân trong vùng”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/48/48/48/82047/Default.aspx


Tin khác