|
Lãnh đạo Cục Trồng trọt khảo sát ngô BĐG ở Vĩnh Phúc |
Theo đánh giá kết quả ban đầu của đợt khảo nghiệm cây ngô biến đổi gen được trồng tại 2 trại giống Vũ Di và Mai Nham (tỉnh Vĩnh Phúc), do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam; Công ty Mosanto Thái Lan; Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred trồng thử nghiệm cho thấy, ngô BĐG có thể kháng được một số loại sâu bệnh, thuốc diệt cỏ và cho năng suất từ 8 - 9 tạ/sào (gấp 2 lần ngô thường).
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến năm 2010, nước ta có khoảng 2 triệu ha ngô, sản lượng là 5,031 triệu tấn. Đây là một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn ngô.
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: "Những năm gần đây, chúng tôi đã đưa vào trồng các giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao như: VN8960, LVN61, LVN66… tuy nhiên cũng chỉ đạt 4,5tạ/ha, trong khi đó giống ngô BĐG của Mỹ, Philippines đạt tới 8 - 11 tạ/ha, nên việc phải nhập khẩu là điều dễ hiểu".
Vẫn theo Cục Trồng trọt, do biến đổi khí hậu nên mỗi năm nước ta sẽ giảm khoảng 70.000ha đất nông nghiệp, trong khi đó dân số tăng khoảng 1 triệu người/năm. Như vậy dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 50 triệu tấn ngũ cốc, tương đương với diện tích đất canh tác từ 3,8 - 4 triệu ha. Nên bài toán về an ninh lương thực cần được tháo gỡ, trong đó việc sử dụng cây cây trồng BĐG là một biện pháp tối ưu.
Về cây BĐG, PGS - TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đánh giá: "Lợi ích mà cây BĐG đem lại là rất lớn. Trồng ngô, đậu tương… BĐG năng suất sẽ tăng bền vững từ 45 - 50% và giảm khoảng 60% các chi phí khác và ngô có hàm lượng protein cao, hoàn toàn an toàn với con người".
Tuy nhiên, việc đưa cây BĐG vào trồng đại trà còn rất khó khăn, bởi đa số người dân vẫn còn mơ hồ, e ngại sợ ảnh hưởng đến con người. Vả lại hiện Bộ NNPTNT vẫn chưa cấp phép cho trồng đại trà cây BĐG.
Ông Nguyễn Trí Ngọc cho hay: "Hiện chúng tôi đã đánh giá hiệu quả và các tác động rủi ro kết quả đều rất tốt và sẽ đề xuất đưa ngô BĐG vào trồng trong năm nay. Nếu được Bộ NNPTNT cấp phép, có thể vụ đông này, hoặc sang năm 2012 sẽ tiến hành trồng đại trà ngô BĐG. Chỉ có trồng cây BĐG cho năng suất cao, chúng ta mới tăng được sản lượng cây lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu!".
“Trên thế giới có khoảng 25 nước đã cho phép trồng cây BĐG, với diện tích khoảng 134 triệu ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất trồng với 49% bông, 77% đậu nành và 26% tổng sản lượng ngô thế giới. Dự kiến đến năm 2015, trên thế giới sẽ có khoảng 40 nước trồng cây BĐG, với diện tích khoảng 200 triệu ha.” - Ông Nguyễn Trí Ngọc
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/52763p1c34/vu-dong-2011-trong-dai-tra-ngo-bien-doi-gen.htm