Các tỉnh ĐBSCL đang định hình CĐML để sản xuất hàng hóa và tăng lợi ích cho nông dân, từ đó, nhân rộng mô hình, tiến lên sản xuất lớn.
|
Tham quan CĐML tại Bạc Liêu vụ đông xuân 2010-2011. |
Đồng thuận, đồng bộ, nhân rộng
CĐML là cách sản xuất mới. Có thể hiểu đơn giản là nông dân cùng liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Điều này giúp nông dân có thể tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp đầu vào với giá rẻ, quản lý tốt dịch hại, dinh dưỡng, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập. Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai thành công mô hình CĐML, có tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Như ở Bạc Liêu, từ năm 2008, đã thực nghiệm CĐML trên diện tích hơn 30ha với sự liên kết vài chục hộ. Và vụ đông xuân vừa qua, tỉnh này nhân rộng CĐML lên 4 điểm thuộc huyện Hòa Bình và Hồng Dân, rồi mở rộng thêm 3 điểm mới tại huyện Phước Long và Vĩnh Lợi. Đến vụ hè thu này, tổng cộng có 300 nông hộ liên kết với 150ha trong vụ hè thu này.
Nông dân Nguyễn Thanh Tùng ở ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tôi tham gia mô hình từ năm 2010 với 1,7ha. Nhờ vậy, mỗi vụ giảm chi phí hơn 10%, còn năng suất tăng trên 4 giạ lúa (80kg)/công đất ruộng.
Do vậy, năm nay dù nhà nước không đầu tư, tôi và các nông hộ lân cận vẫn quyết định hợp tác, tự xây dựng CĐML trên cơ sở mô hình đã thực hiện trước, kết quả rất thành công”. Ở tiểu vùng Ninh Qưới, chị Lê Thị Loan (ấp Ninh Chài, xã Ninh Qưới A, huyện Hồng Dân) cho hay đã quen với cách làm của mô hình CĐML nên bây giờ ai làm ruộng không theo quy tắc VietGAP là thấy… khó chịu lắm. Hộ này làm tốt, hộ khác học tập nên cả làng, cả ấp có đến vài điểm tự giác liên kết làm theo CĐML.
Làm 7.000ha trong vụ hè thu 2011
Cách làm này cũng đã nở rộ tại tỉnh An Giang khi triển khai thành công 1.200ha tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành trong vụ đông xuân năm ngoái.
Khi đó, lúa cho năng suất tăng vượt trội, từ 8-10 tấn/ha. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, kỹ sư Dương Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xác nhận: Mô hình CĐML đã thành công trên 60ha tại xã Trường Khánh, huyện Long Phú và hiện đang triển khai hơn 1.000ha tại xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Tại Cà Mau, kỹ sư Nguyễn Thanh Hoàng - Trưởng phòng Kỹ thuật Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh đang ráo riết hoàn tất công việc chuẩn bị để tổ chức sản xuất theo CĐML cho trên 300ha tại huyện Trần Thời trong trà lúa vụ 2 năm nay.
Hiện Đồng Tháp, Long An cũng đang triển khai quy mô từ 1.000-1.500ha/tỉnh, Trà Vinh sẽ làm gần 400ha… Qua đó, nâng diện tích sản xuất theo CĐML ở ĐBSCL lên hơn 7.000ha trong vụ hè thu 2011 này.
Mục tiêu phát triển diện tích CĐML tại các tỉnh Nam Bộ, theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), dự kiến sẽ đạt trên 20.000ha vào năm 2012 và trên 50.000ha vào năm 2013.
Cần nhiều định chế
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Mô hình CĐML giải quyết được vấn đề sản xuất manh mún vốn là rào cản ảnh hưởng quá trình cơ giới hóa trong thời gian quá dài. Bởi muốn sản xuất lớn, nông dân phải liên kết lại, góp đất với các hộ lân cận thành cánh đồng lớn để xây dựng vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao cho xuất khẩu.
Mô hình CĐML ở An Giang do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, gồm 1.200ha vụ đông xuân 2010-2011. Công ty tổ chức ký hợp đồng hợp tác sản xuất lúa hàng hóa với nông dân, đầu tư lúa giống, vật tư nông nghiệp; đầu tư hệ thống kho, khu vực sấy và nhà máy chế biến gạo tại Vĩnh Bình với công suất lớn, phục vụ bao tiêu cho từ 13.000-15.000ha diện tích canh tác lúa/năm.
|
Tuy nhiên, quá trình nhân nhanh CĐML rất cần nhiều loại dịch vụ ở hầu hết các khâu, như: Giống, làm đất, gieo sạ, điều tiết nước, chăm sóc, thu hoạch, quản lý, chế biến, tồn trữ… vốn đang còn hạn chế mặt này, mặt khác tại các địa phương. Do vậy, muốn tiến lên xây dựng và hoàn thiện CĐML chắc chắn vẫn cần nhiều định chế thiết thực hỗ trợ đắc lực cho tiến trình phát triển CĐML.
Thạc sĩ Phạm Giang Nam (Trường ĐH Bạc Liêu) nhận định: CĐML rất hay, nếu phát huy định chế tín dụng-dịch vụ thì sự liên kết sẽ hoàn hảo hơn. Theo thạc sĩ Nam, việc đầu tư tín dụng lớn cho phát triển nhanh các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo điều kiện giải quyết năng động và rốt ráo các yêu cầu ở tất cả các khâu trong từng công đoạn sản xuất và đồng bộ cho cả cánh đồng lớn, được tiến hành sản xuất theo quy tắc chung.
Từ thực tế đó, vấn đề liên kết 4 nhà trở nên bức xúc hơn, bởi nhà nông đồng thuận liên kết nhau sản xuất, nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, nhà nước quan tâm đầu tư mô hình, còn doanh nghiệp đầu tư/bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo định chế mới có ý nghĩa quan trọng trong giành thắng lợi mục tiêu xây dựng CĐML tại ĐBSCL.
Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/49004p1c34/bung-no-nhung-canh-dong-mau.htm