3 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông": Nhiều chính sách chậm vào cuộc sống

13/07/2011

Hôm 11.7, phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 26 của BCH T.Ư Đảng khóa X, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thực hiện thắng lợi NQ này sẽ tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN, NT), nâng cao đời sống nông dân.

Hoàn thành 31/45 đề án phát triển NN, NT
Sau khi NQ 26 ra đời, Chính phủ đã ban hành NQ 24 về chương trình hành động thực hiện NQ 26. Đến nay 14/15 mục tiêu mà NQ đề ra đến năm 2010 đã cơ bản đạt được, trong đó kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn được cải thiện với 97,8% số xã được sử dụng điện lưới; năng lực tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi cũng tăng thêm 489.000ha; nâng cấp xây mới hơn 37.000 km đường giao thông nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm còn 11,3%... Tính chung 3 năm, tổng vốn đầu tư cho NN, NT đạt 290.000 tỷ đồng.
Nhờ các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thiết thực, sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
 
Đến nay, trong tổng số 45 đề án của Chính phủ thực hiện NQ 26, đã hoàn thành được 31 đề án (đạt 69%). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có các Quyết định về 3 chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt quan trọng: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và Chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông thôn.
Chính phủ cũng đã ban hành được hàng loạt chính sách phục vụ phát triển NN, NT như: Nghị định 41 về chính sách tín dụng NN, NT; Nghị định 61 về khuyến khích đầu tư vào NN, NT; NQ 63 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; NQ 30a về hỗ trợ phát triển cho 62 huyện nghèo...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiều cơ chế chính sách đã ban hành nhưng chậm vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyến biến trên thực tế. Mặc dù các chính sách về NN, NT trong 3 năm thực hiện NQ 26 ban hành nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng đa số mới chỉ dưới dạng văn bản, việc chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể còn hạn chế.
Một số chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng thực hiện còn ít do thiếu nguồn lực tài chính như: Chương trình phát triển hệ thống cảng cá, bến cá; Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông ...
Đô thị làm nông thôn mới
Báo cáo tổng hợp của Bộ NNPTNT đã chỉ rõ một điểm đáng quan ngại là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 1,63% tổng vốn FDI vào Việt Nam và theo chiều hướng giảm dần, từ 5,37% năm 2007 xuống còn xấp xỉ 1% vào năm 2010. Ngay các doanh nghiệp trong nước cũng ngại đầu tư vào NN, NT. Hiện nay trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chỉ có 1.454 doanh nghiệp, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 32.100 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp cả nước.
Để thực hiện NQ 26, từ nay đến năm 2015, cả nước phấn đấu có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Trước mắt, ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu: giáo dục, y tế, giao thông, điện, nước sinh hoạt. Các mục tiêu quan trọng khác là hàng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; tăng thu nhập của người dân nông thôn từ 1,8 - 2 lần so với năm 2010. Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm….
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để xây dựng được nông thôn mới phải quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi… cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; trồng, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh và lợi thế trên thị trường…
Ông Vũ Đức Đam - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho rằng: "Chúng ta cần thay đổi quan điểm, không chỉ nông thôn làm nông thôn, mà cần huy động thành thị góp sức, chung tay xây dựng NTM. Bù lại, nông thôn phải giữ vững trật tự, đảm bảo an toàn xã hội, hạn chế khiếu kiện để tỉnh tập trung phát triển kinh tế ở đô thị".
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục một số khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhất là năng lực của cán bộ cơ sở cấp xã vừa thiếu, vừa yếu; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo còn thấp; chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân còn nhiều bất cập; đặc biệt là việc hướng dẫn cụ thể hóa NQ, quyết định của T.Ư còn chậm, thiếu đồng bộ khiến địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện...
Chính phủ sẽ kiểm điểm, đánh giá hàng năm
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Cùng với tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho cho NN, NT, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài mà trước hết là tập trung thực hiện Chương trình Đào tạo nghề 1 triệu lao động nông thôn....
Để khắc phục tình trạng các chủ trương, chính sách còn chậm đi vào cuộc sống, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng, đó là khâu tổ chức thực hiện các mục tiêu của NQ. "Mục tiêu của NQ phải cụ thể từ các cấp ủy, chính quyền đến các ngành chức năng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đồng thời phát hiện, động viên và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong xây dựng NTM. Chính phủ cũng sẽ họp kiểm điểm hàng năm việc triển khai NQ 26" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
 
Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/49548p1c34/nhieu-chinh-sach-cham-vao-cuoc-song.htm


Tin khác