Giá thực phẩm tăng chóng mặt
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục QLCL Nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến thương mại NLTS và nghề muối báo cáo nhanh thực tế tình hình xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm, XNK gia súc và thịt gia súc, tình hình chuẩn bị triển khai Luật ATTP, công tác quản lý chất lượng NLTS và VTNN nhằm mổ xẻ nguyên nhân chính xác nhất vấn đề giá thực phẩm gây chấn động thời gian qua là gì.
Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân thực phẩm đội giá không phải do phía Trung Quốc thu mua bởi nguồn tin từ mạng lưới kiểm soát các cửa khẩu báo về không có thực trạng này. Mặt khác, theo số liệu của Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu tổng số thịt lợn sang các nước là gần 2.600 tấn, trong đó chủ yếu là Malaysia và Hồng Kông. Lượng thịt xuất sang Trung Quốc chỉ có 96 tấn (chiếm 3,7%) và trong 3 tháng gần đây, hầu như thịt lợn cũng không được xuất đi Trung Quốc.
Giá thực phẩm của ngành chăn nuôi là vấn đề nóng bỏng nhất tại cuộc họp. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia vấn đề giá đối với ngành này thành hai nhóm: Nhóm giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nhóm giá các loại thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm... Về giá TĂCN, theo thống kê từ tháng 7/2010 đến nay đã tăng từ 30-40%. Riêng giá thịt lợn tăng kinh khủng, tới 70-100%, giá gia cầm tăng 40-60%. Đặc biệt, trong 3 tháng trở lại đây, giá đã tăng với chiều hướng rất nhanh, giá thịt lợn hơi ở miền Nam 62.000 đồng/kg, còn ở miền Bắc dao động 65.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn Thái Lan một chút và ngang bằng với giá của Trung Quốc nhưng cao hơn Mỹ tới… 30.000 đồng.
Nguyên nhân đẩy giá thực phẩm “lên đỉnh”, ông Dương khẳng định do sự mất cân đối cung- cầu. Lý do, trong một thời gian dài là chăn nuôi gặp bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, đầu vào…. dẫn đến việc người dân không coi trọng chăn nuôi nên tổng đàn bị giảm. Nguyên nhân nữa là do đa số người chăn nuôi không vay được vốn ngân hàng vì đây là ngành đầu tư có nhiều rủi ro. Còn nếu vay được, với mức lãi suất đang ở mức 22-25% thì người chăn nuôi cũng chịu không nổi.
Vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định sẽ trực tiếp làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cung cấp tín dụng cho người chăn nuôi, bởi vì dù có áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, nhưng Chính phủ đã có chỉ đạo riêng với ngành nông nghiệp phải cấp đủ vốn và ưu đãi về lãi suất. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng yêu cầu phải xem lại các con số thống kê bởi trong khi giá cả thực phẩm, trọng tâm là thịt lợn liên tục tăng giá, thì Cục Chăn nuôi vẫn cho rằng sản lượng thịt tăng và đủ cúng ứng cho thị trường. "Phải nắm rõ tình hình để cung cấp thông tin chuẩn xác cho người nông dân và người tiêu dùng, không được đưa ra những con số phán đoán, làm nhiễu loạn tình hình" - Bộ trưởng yêu cầu. Ngoài ra Bộ trưởng chỉ đạo ngành chăn nuôi phải có biện pháp tăng nguồn cung thông qua việc đẩy mạnh tái đàn.
Về vấn đề giá rau nhiều loại đã tăng với tỷ lệ “ngấp nghé” giá thịt như một kg su su có giá 22 ngàn đồng ở Hà Nội, các đại biểu phân tích nguyên nhân chính là do hệ lụy từ bão số 2 khiến một diện tích lớn trồng rau bị thiệt hại. Mặt khác việc nhập khẩu mặt hàng rau củ quả từ Trung Quốc giảm 10% cũng là nguyên nhân khiến giá rau tăng tốc.
Phải rà soát thật chính xác
Giá thực phẩm tăng đột biến chắc chắn tác động tiêu cực đến xã hội. Điều cấp thiết hiện nay là xử lý sao cho phù hợp giữa lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã “vời” đại diện ngành nông nghiệp một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… đến cuộc họp để lý giải: Tại sao giá thực phẩm lên chóng mặt như vậy? Khó khăn vướng mắc ở đâu và trước mắt cần phải làm gì?
Như NNVN đã thông tin, trước thực trạng giá thực phẩm tăng nhanh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh có đường biên giới khẩn trương kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang các nước có chung đường biên giới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước và nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tránh tình trạng đẩy giá lên cao, gây tác động bất lợi đến chỉ số CPI.
|
Ý kiến của đại diện những địa phương tham dự phản ánh thực trạng tương tự nhau. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc thông báo tăng trưởng NLTS giảm 4,68%. Tổng đàn gia cầm năm ngoái 7,4 triệu con năm nay chỉ còn 6,8 triệu. Về chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có trên 10% chăn nuôi trang trại và công nghiệp. 49 khu chăn nuôi tập trung chiếm mất gần 300ha đất nhưng tỉ lệ vào đàn rất ít. Nguyên nhân vẫn là đầu vào quá cao khiến người chăn nuôi nản.
Còn thực trạng “một mớ rau muống 3 ngàn”, theo đại diện của tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân là do tư thương ở các chợ buôn bán lẻ tự ý nâng giá vì có thông tin nâng giá lương dù nguồn cung mặt hàng này vẫn đảm bảo so với cùng kỳ năm trước. Tương tự Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Nam giá con giống, thức ăn chăn nuôi cao khiến chăn nuôi nhỏ lẻ giảm kinh khủng. Riêng nuôi trồng thủy hải sản 6 tháng đầu năm sản xuất âm tới 7%. Nhiều khu chăn nuôi tập trung bỏ hoang vì thiếu vốn đầu tư.
Trước tình hình nước sôi lửa bỏng và thông tin từ các địa phương đang ở mức chung chung, Bộ trưởng yêu cầu các Cục của Bộ phối hợp với địa phương đến sáng thứ 6 phải báo cáo tình hình cụ thể nhất, chính xác nhất. “Cục Chăn nuôi đóng hết cửa phòng mà ra “mặt trận”. Lội xuống tận đồng, tận trại khảo sát xem vì sao người chăn nuôi không thả? Muốn thả họ cần cái gì. Đừng đi địa phương kiểu chỉ đến tỉnh rồi về. Cục QLCL nông lâm sản và thủy sản phải tìm hiểu bằng được giá rau tăng mạnh có đích xác do bão hệ lụy bão số 2 hay không? Có phải do nhập khẩu giảm hay không? Hay chỉ vì cung – cầu trong nước có vấn đề”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/81114/Default.aspx