Việc giá thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, liên tục tăng theo chiều thẳng đứng trong thời gian gần đây được nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề là do nguồn cung bị thiếu hụt.
Những ngày gần đây, giá thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tăng đột biến. Theo khảo sát của NNVN, tại các chợ ở Hà Nội, giá các loại thịt lợn, bò, cá đều tăng 10 - 20% so với cuối tháng 6. Thịt lợn thăn hiện được bán với giá 140.000 đồng/kg, tăng 10% so với một tuần trước và tăng 30% so với hồi cuối tháng 6. Cùng đó, các loại thịt bò có mức bán 180.000-220.000 đồng/kg tùy loại, trong khi cá chép, cá quả được bán từ 50.000 - 75.000 đồng/kg…
Theo lý giải của những người bán hàng, giá các loại thực phẩm tăng là do lượng người đổ về các TP lớn dự thi đại học, cung không đáp ứng cầu. Cũng có người nói giá tăng do sắp tới người lao động tại các DN sẽ được tăng lương, cán bộ công chức được nhận thêm phụ cấp công vụ…
Tuy nhiên, theo ý kiến của các cơ quan chức năng quản lý thị trường, giá cả và khảo sát của chúng tôi, nhiều lý do khiến giá cả tăng mà người bán hàng đưa ra còn thiếu cơ sở. Qua hai đợt thi đại học, số lượng khá đông thí sinh và người nhà của thí sinh về các TP lớn là có thật, nhưng cũng không thể gây “mất cân bằng cung cầu thị trường” bởi số người tăng thêm có tỷ lệ quá nhỏ so với dân số của TP.
Về tác động tâm lý của việc điều chỉnh lương tối thiểu ở các DN và chi trả phụ cấp công vụ cho cán bộ công chức, theo đại diện Bộ Tài chính, cũng sẽ tác động rất ít đến thị trường giá cả. Bởi lẽ việc điều chỉnh lương tối thiểu trong các DN và trả phụ cấp công vụ chưa diễn ra (dự kiến khoảng 1/10/2011 mới điều chỉnh lương tối thiểu trong các DN và đầu tháng 8 tới mới có thể chi trả phụ cấp công vụ). Việc điều chỉnh lương, phụ cấp công vụ cũng không nhiều, số người được hưởng ít.
Việc tăng thêm lương tối thiểu do các DN đảm nhiệm trên cơ sở tăng năng suất lao động. Việc tăng thêm phụ cấp công vụ đã nằm trong lộ trình. Chính phủ không phát hành thêm tiền để chi trả. Như vậy, yếu tố tăng giá, theo nhiều chuyên gia phân tích, có thể do tác động tâm lý.
Mất cân bằng cung – cầu
Việc giá thực phẩm, đặc biệt là lợn, gà và nhóm hàng tươi sống tăng giá chóng mặt trong thời gian gần đây được cho là có nguyên nhân từ phía các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom. Tuy nhiên, như NNVN số ra hôm qua đã phản ánh, tại cửa khẩu chuyên xuất hàng thực phẩm tươi sống sang Trung Quốc là Móng Cái- Quảng Ninh không hề có chuyện xuất lợn với số lượng lớn sang bên kia biên giới.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá một số mặt hàng thực phẩm những ngày gần đây, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, quán tính lạm phát của những tháng trước là lý do quan trọng. Bên cạnh đó, việc mất cân đối cung cầu do ảnh hưởng của thời tiết, thời vụ đã gây áp lực tăng giá lên các loại hàng hóa nói chung.
Để khôi phục lại nguồn cung, theo TS Phong, từ trung ương đến địa phương đều cần phải có hoạt động chỉ đạo gia tăng sản xuất, nuôi trồng hoặc thay thế. Thêm nữa, khâu bán lẻ cần được tổ chức lại, phát triển hệ thống phân phối.
|
Trao đổi với NNVN chiều qua, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Theo thống kê của Hải quan cửa khẩu Móng Cái, nơi làm thủ tục xuất lợn sang biên giới chủ yếu của cả nước, số lượng xuất khẩu so với thời gian trước là hầu như không đáng kể. “Tổng cục không tổng hợp chi tiết xử lý hoạt động XK thịt lợn vì đây là mặt hàng có ưu đãi thuế là 0%. Tuy nhiên, về mặt quản lý, loại hàng này ít bị can thiệp. Thương lái vẫn xuất lợn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng số lượng không nhiều”, ông Thái cho hay.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu KH thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam với số lượng lớn sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với các mặt hàng. Hàng nông sản XK của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng nay đem XK sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, nếu khảo sát củaNNVN cho kết quả như phản ánh, thì việc thiếu hụt nguồn cung ngay tại thị trường nội địa là dễ lý giải.
Còn ở góc độ thị trường, theo TS Ánh, Việt Nam không phải một thị trường lệ thuộc của Trung Quốc, mỗi thị trường đều có đường biên giới của nó. Nếu phía Trung Quốc cần hàng, thì đương nhiên họ sẽ tìm nguồn cung tại các thị trường khác, đặc biệt là Việt Nam. Còn ngay trong nước Việt Nam, giá thịt cao hơn phía họ, thì không bao giờ thương nhân đi buôn ngược, đó là nguyên tắc bất di bất dịch của kinh doanh.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/81042/Default.aspx