Hà Nội tìm giải pháp giảm sức nóng nhóm hàng thực phẩm

08/08/2011

Liên tục trong nhiều tháng qua, giá mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội tăng mạnh và hiện đang đứng ở mức cao khiến thị trường đầy nhạy cảm này luôn nóng. Đời sống dân sinh bị ảnh hưởng. Trong lúc này, cùng với sự vào cuộc của các bộ ngành Trung ương, thành phố Hà Nội đang gấp sức thực hiện các giải pháp kiềm chế sức nóng của giá cả hàng hóa mà trọng tâm là nhóm hàng thực phẩm.

* Tăng với tốc độ “phi mã” 
Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn hiện đứng ở mức cao do nguồn cung không đáp ứng đủ cầu mà nguyên nhân được giải thích là hậu quả dịch bệnh từ năm 2010 kéo dài sang những tháng đầu năm 2011. Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, nhiều yếu tố đầu vào giá tăng cao như: giá xăng, giá điện, giá thức ăn gia súc..., các trang trại thiếu hụt giống và tiếp cận nguồn vốn khó khăn do lãi suất ngân hàng quá cao đã làm số lượng đàn lợn giảm sút. 
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, nếu ở thời điểm tháng 7 năm 2010, giá các loại thịt lợn chỉ 45.000-70.000 đồng/kg thì tính đến tháng 7 năm 2011, mức giá này bị đẩy lên đến 110.000-140.000 đồng. Như vậy, trong vòng một năm, giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng hơn 100%. Các loại thịt bò, gà, cá cũng tăng giá trên 50% trong vòng một năm qua. Giữa tháng 7 năm nay, giá mỗi cân thịt gà ta làm sẵn là 190.000 đồng, bò thăn là 200.000 đồng, cá chép loại to có giá 85.000 đồng. Trong khi đó, thời điểm này một năm về trước, giá thịt gà chỉ là 100.000 đồng, bò thăn được bán với 150.000 đồng và cá chép cũng chỉ 55.000 đồng cho mỗi kg.
Gần đây giá cả rau xanh tăng mạnh là do nguồn cung tăng chậm hơn so với nhu cầu nên có những thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm. Thời gian qua, giá rau xanh tăng đột biến tăng là do nguồn cung bị giảm sút vì giáp vụ và mưa bão cùng với giá đầu vào như giống và thuốc bảo vệ thực vật tăng, giá nhân công lao động tăng. Trong vòng một năm qua, nhiều loại rau, củ quả còn tăng giá gấp vài lần như rau thơm, mùi, rau muống, đậu đỗ, chuối tây. Giá các loại rau củ tại Hà Nội trong tháng 7 tiếp tục tăng từ 6 – 40%, giá rau xà lách búp tăng 25%, giá rau mồng tơi tăng 14%, giá bắp cải trắng tăng từ 17 – 22%, giá su hào tăng 17 – 40%, giá rau ngót tăng 17 – 20%, giá khoai tây tăng 7 – 13%, giá rau muống tăng 8%, giá cà chua tăng 14%. 
Với mức tăng giá mặt hàng thực phẩm như hiện nay, các bà nội trợ buộc phải “thắt lưng buộc bụng” khi tính toán khẩu phần ăn trong gia đình. Người ta phải cơ cấu lại bữa ăn, giảm bớt thịt tăng cường sang các mặt hàng thực phẩm khác có giá rẻ hơn. Bà Đặng Thị Thục, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy phàn nàn: “Nếu năm trước, chi phí cho một ngày ăn của gia đình tôi mất hơn 100 nghìn nay phải gần 200 nghìn. Với giá cả tăng cao như hiện nay thì mấy ai chịu được”. 
* Lượng hàng vẫn dồi dào 
Qua khảo sát tại các chợ dân sinh và các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mặc dù giá hàng thực phẩm leo thang cao ngất ngưởng nhưng lượng hàng cung cấp ra thị trường vẫn dồi dào. Có chăng, việc khan hiếm hàng chỉ diễn ra ở cục bộ một số vùng nhưng thực tế chưa có công bố chính xác khu vực nào thiếu. Ngay đến ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận: “Lượng hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn không thiếu hụt lớn mà chỉ thiếu cục bộ. Chính vì vậy, tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, lượng hàng vẫn dồi dào và không có cảnh xếp hàng mua thịt”.
Siêu thị Big C, một địa chỉ kinh doanh hàng thực phẩm gồm cả thịt tươi sống và rau của quả khá lớn ở Hà Nội, trong thời gian này vẫn đảm bảo lượng bán ra với các chủng loại phong phú. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông khu vực miền Bắc và miền Trung cũng khẳng định: “Thời điểm này, Big C vẫn đảm bảo số lượng thực phẩm để cung cấp cho thị trường và chưa khi nào nguồn nhập vào siêu thị bị khan hiếm. Mặc dù, việc thương thảo, ký hợp đồng giữa Big C với các nhà cung ứng chỉ diễn ra cách thời điểm nhập hàng vài tháng”. 
Còn nhà cung cấp thực phẩm, Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh, đơn vị chuyên sản xuất, chế biến gia súc súc, gia cầm vẫn thường xuyên cung cấp từ 10 – 12 tấn thịt lợn đã giết mổ ra thị trường. Bà Nguyễn Thị Phi Anh, Giám đốc công ty khẳng định: “Không biết nơi nào thiếu lợn nhưng Hà Nội không thiếu. Các đơn vị được công ty ký hợp đồng vẫn cung cấp đủ số lượng lợn vào cho công ty giết mổ”. Bà Phi Anh cũng cho biết, hiện nay việc tái tạo đàn lợn cũng bắt đầu tăng nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn đứng ở mức cao.
Như vậy, việc thiếu hụt đàn lợn sau dịch bệnh chưa đến mức trầm trọng và cũng không phải là lý do duy nhất để đẩy giá thịt lợn trên thị trường lên cao. Bởi ngoài giá thịt lợn tăng, các loại thực phẩm tươi sống khác như thịt gà, thịt bò, thủy hải sản cũng đồng loạt tăng cao. Chính bởi thế, người ta tin rằng, việc tăng giá thực phẩm trong thời gian qua còn nhiều căn nguyên khác mà các nhà kinh tế chưa đề cập hết. 
* Giảm sức nóng giá hàng thực phẩm
Sức nóng giá cả hàng thực phẩm thời gian qua ảnh hưởng nặng nề tới an sinh xã hội và là mối quan ngại không chỉ người tiêu dùng mà các nhà quản lý cũng “đau đầu”. Bởi nhóm hàng này còn ảnh hưởng lớn tới chỉ số giá tiêu dùng mà người ta đang cố công kiềm chế. Với chức năng là cơ quan quản lý thương mại và thị trường giá cả nói riêng, Sở Công Thương Hà Nội đang ráo riết thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bình ổn giá hàng thực phẩm. 
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là tạo nguồn hàng đầy đủ về chất lượng và số lượng để kịp thời cung ứng cho thị trường thành phố. Mấy tháng trở lại đây, Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp thương mại tích cực khai thác thị trường hàng tại các tỉnh lân cận Hà Nội theo mối liên kết vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh để thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa hai chiều; thu mua những mặt hàng thị trường Hà Nội đang có nhu cầu, tập trung vào hàng thực phẩm. Sở Công Thương đã làm việc với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Nội để phát triển đàn lợn và các vùng trồng rau vừa tăng trưởng sản lượng, vừa tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ. Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thu mua mặt hàng rau, thịt, trứng theo đúng cam kết, cân đối cung cầu đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua lợn từ thị trường phía Nam. Theo đó, Sở cũng phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Theo TTXVN

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=472244


Tin khác