Khi đến xã Mễ Sở, huyện Văn Giang của Hưng Yên, không ít người phải ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của vùng quê nằm dọc theo đê sông Hồng này.
|
Niềm vui của người nông dân bên “cánh đồng trăm triệu”.
|
Nông thôn giàu như thành thị
Vừa từ đường đê đi xuống, xe của chúng tôi bon bon chạy trên con đường đôi trải nhựa thẳng tắp với hàng cột điện thắp sáng dọc hai bên đường và dải phân cách ở giữa trồng cây xanh rờn. Cách đó không xa là khu phố Mễ, nhà cửa cao tầng mọc san sát bên nhau với đầy đủ các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Vượt qua khu trung tâm xã sầm uất, sáng sủa và khang trang ấy là bạt ngàn những mảnh vườn, thửa ruộng trồng quất, cam và cây cảnh.
Giờ đây, trong số các loại cây thì quất cảnh và cam Canh đã trở thành cây đặc sản mũi nhọn của nông dân xã Mễ Sở. Từ chỗ chỉ thu được vài tấn lúa trên 1ha với giá trị trên dưới 10 triệu đồng, thì nay bình quân mỗi ha canh tác đã cho giá trị tới trên 200 triệu đồng. Cá biệt, có gia đình chuyên tạo thế, chăm sóc và bán cây cảnh đã thu được hàng tỷ đồng/ha. Đến nay, xã Mễ Sở có 28 trang trại, vườn trại với diện tích hơn 400ha.
Ông Trần Văn Bính- Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Mễ Sở hào hứng: "Trong năm 2011, xã Mễ Sở cố gắng hoàn thành xây dựng nhà truyền thống; đầu tư xây dựng, sửa sang lại khu trung tâm văn hóa của xã; nâng cấp các trục đường giao thông chính liên xã, liên thôn; quy hoạch, mở rộng khu trung tâm thương mại của xã với diện tích khoảng 10ha”. Cũng theo ông Bính, trong năm nay xã sẽ quy hoạch diện tích đất để xây dựng trường mầm non của xã; xây dựng 4km đường giao thông nội đồng...
Quyết tâm bứt phá
Theo kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu về thực trạng nông thôn (tại 145 xã) của tỉnh Hưng Yên, hiện có 3 xã cơ bản đạt từ 15 tiêu chí NTM trở lên, chiếm khoảng 2% số xã; 31 xã cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí NTM, chiếm 21,4%; còn 111 xã đạt dưới 10 tiêu chí NTM, chiếm 76,56%. Trước thực trạng này, Hưng Yên đã quyết định chọn 20 xã thuộc địa bàn 10 huyện, thành phố để tiến hành làm điểm về xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2013.
Ông Đặng Văn Sỹ- Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp Hưng Yên khẳng định: "Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo xây dựng NTM vào 2 hướng chính: Nâng cấp hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp". Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM Hưng Yên, cơ sở vật chất của cấp xã nhiều năm nay đã được đầu tư nâng cấp, nhưng để đạt chuẩn theo các tiêu chí vẫn cần một lượng vốn lớn để đầu tư, nâng cấp; trong khi nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM được giao năm 2011 quá ít so với yêu cầu.
Về sản xuất, trong khi đất nông nghiệp ngày một giảm thì nhu cầu nâng cao đời sống của người dân lại đặt ra khá bức thiết. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Hưng Yên đang chủ trương đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất để mang tính đồng bộ, hàng hóa cao; quy hoạch làng nghề, tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối nhất đối với Hưng Yên bây giờ chính là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Sỹ cho biết: "Hiện có 15 thôn bị ô nhiễm bởi chất thải khu công nghiệp, có 21 thôn bị ô nhiễm bởi chất thải từ làng nghề và có tới 226 thôn bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt của con người và chăn nuôi. Đây chính là những vấn đề cần giải quyết của Hưng Yên song song với quá trình xây dựng NTM".
Kế hoạch của Hưng Yên là sẽ phấn đấu đến năm 2015 có 44 xã và đến năm 2020 có 87 xã đạt tiêu chuẩn NTM. Dự kiến tới 30.8 này sẽ hoàn thành quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM ở 20 xã điểm.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/52867p1c34/but-pha-tu-nhungcanh-dong-tram-trieu.htm