FLEGT/VPA là Hiệp định đối tác song phương mang tính pháp lý giữa EU và quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ. Khi tham gia Hiệp định này, các quốc gia đối tác thống nhất chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp. Dự kiến, tháng 3/2013, EU sẽ áp dụng việc kiểm tra Chứng chỉ Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (FLEGT) khi nhập các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Theo chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 – 2020 đặt mục tiêu sẽ trồng được 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cung cấp ổn định 45 triệu m3 gỗ/năm.
Theo đó, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015, phát triển ổn định đến 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp từ 3,5 đến 4%/năm, đóng góp vào GDP từ 2 đến 3%; kim ngạch xuất khẩu 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Nhưng theo tính toán của Hiệp hội gỗ, còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn trong tương lai gần, không có cách nào khác là phải tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay nhập khẩu từ nhiều quốc gia nên khó kiểm soát tính hợp pháp. Điều này khiến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu có rủi ro cao trước những thay đổi của thị trường. Nếu không thay đổi để có biện pháp thích ứng, thì doanh nghiệp ngành chế biến gỗ sẽ gặp khó khăn.
Bà Suzanne Morgan, đại diện các nhà mua hàng châu Âu cho biết, xu hướng mua hàng của châu Âu trong thời gian tới là tìm kiếm những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường, có chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu cần có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc gỗ để tránh rủi ro.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cần tuân thủ quy định FLEGT và Đạo luật Lacey về quản lý nguồn gốc lâm sản (Mỹ). Theo đó, sản phẩm xuất khẩu phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được xác minh và các sản phẩm chưa được xác minh. Còn gỗ trong nước phải được khai thác đúng theo quy định luật pháp Việt Nam hoặc được cấp chứng chỉ quản lý rừng của bên thứ ba đáng tin cậy (như FSC hoặc PEFC) và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Theo các chuyên gia Việt Nam nên đàm phán FLEGT/VPA với EU nhằm duy trì và mở rộng thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Tránh suy thoái ngành công nghiệp với 300.000 việc làm với hơn 3.000 doanh nghiệp. Nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Tăng cường quá trình cải cách thể chế ngành lâm nghiệp và thực thi pháp luật. Góp phần quản lý rừng bền vững, thực hiện các sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu (REDD+ ), tín chỉ các bon.
Hiện cả nước có hơn 3.400 doanh nghiệp (có công suất 200m3 gỗ tròn thành phẩm/năm) với 600 xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; thu hút hơn 300.000 lao động; Hình thành và phát triển 5 Trung tâm chế biến gỗ lớn nhất ở Việt Nam gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định và Quảng Nam – Đà Nẵng. Với cơ cấu sở hữu doanh nghiệp cụ thể:Doanh nghiệp nhà nước 5%; Doanh nghiệp tư nhân chiếm 81%; Doanh nghiệp liên doanh, FDI có 450 doanh nghiệp khoảng 14%, chủ yếu là doanh nghiệp lớn và vừa, chiếm 40 % tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
|
Bà Giuliana Torta – Tổng cục Môi trường, Ủy ban châu Âu, Phái đoàn EU tại Bỉ bổ sung thêm: Chứng chỉ FLEGT là chứng chỉ do các quốc gia tự nguyện tham gia ký kết. Tuy nhiên, khi Việt Nam và EU đã đàm phán song, buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Được cấp Chứng chỉ này, tức là cam kết về tính hợp pháp, tính bền vững của sản phẩm gỗ. 27 nước thành viên của EU đều công nhận Chứng chỉ này, tức là các sản phẩm gỗ của Việt Nam được cấp chứng chỉ này sẽ được công nhận ở 27 quốc gia thành viên của EU.
“Mặc dù, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào EU có thể tham gia hoặc không tham xin cấp chứng chỉ này. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không tham gia xin cấp Chứng chỉ sẽ có thể bị nhiều rủi ro như: khi các sản phẩm gỗ vào thị trường này khi bị EU kiểm tra, các doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc của gỗ; nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ sẽ bị xử phạt …”, bà Giuliana Torta khuyến cáo.
Ông Hà Công Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đàm phán với EU: Định nghĩa về gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp (gỗ từ rừng tự nhiên, rừng trồng trong nước, gỗ nhập khẩu); Kiểm soát chuỗi cung cấp; Xác minh tính hợp pháp của gỗ; Cấp phép FLEGT; Cơ chế giám sát độc lập, để phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ cấp miễn phí Chứng chỉ này cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào EU. Các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng rất nhanh, các doanh nghiệp của chúng ta đã xuất khẩu vào được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản thì cũng sẽ nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu của Chứng chỉ này. Kế hoạch thích ứng của Việt Nam sẽ sớm triển khai tăng cường hiểu biết, nhận thức của các doanh nghiệp; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; Thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ rừng - CoC; Xây dựng qui trình chặt chẽ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; Đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT/VPA) với EU./.
Theo VOVNEWS
Nguồn:http://vov.vn/Home/Hiep-dinh-FLEGTVPA-Go-Viet-Nam-vao-EU-se-de-hon/20118/182528.vov