Bảo vệ thực vật - Tay phải chặt tay trái

08/08/2011

Bộ máy tổ chức Cục BVTV có 9 phòng và tương đương, trong đó có 2 “siêu phòng” là Phòng Bảo vệ thực vật (BVTV) và Phòng Quản lý thuốc BVTV. Phòng BVTV thì lo dạy dỗ người dân hạn chế dùng thuốc bằng kiến thức IPM, 4 đúng, 3 giảm 3 tăng … Phòng Quản lý thuốc BVTV thì chuyên lo đóng mở van điều tiết dòng thuốc BVTV chảy vào đồng ruộng Việt Nam. Mặc dù cùng chung mục đích là bảo vệ mùa màng nhưng trong công tác của 2 phòng được ví như tay phải tay trái này không phải lúc nào cũng đồng thuận...

MỞ CỬA CHO HÀNG GIẢ
Hàng không đạt chất lượng lan tràn
Việt Nam chúng ta chưa có ngành công nghiệp hóa chất cơ bản nói chung và thuốc BVTV nói riêng. Mặc dù không ít công ty tự loa lên rằng “được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất” nhưng thực chất đấy cũng chỉ là công việc pha loãng, sang chiết hoạt chất nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm 41,3%. Hóa chất của Trung Quốc cũng như bao hàng hóa khác – “Giá nào cũng có” và “Tiền nào của nấy”, có hàng thật nhưng cũng không ít hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và tiếc thay, Cục BVTV lại chính thức hợp thức hóa cho không ít lô hàng hóa chất giả nhập vào Việt Nam. 
Nông dân trước mê hồn trận thuốc BVTV
 
Năm 2010, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phát hiện 19 lô hàng hoạt chất thuốc BVTV kém chất lượng, trong đó có 9 lô hàng kém chất lượng do phụ gia không đạt và 10 lô có hàm lượng hoạt chất không đủ như tờ khai. Kiểm tra thuốc đang lưu thông trên thị trường, thanh tra BVTV cũng phát hiện 8 mẫu thuốc không đạt chất lượng, trong đó có 6 mẫu không đạt về chỉ số độ bền nhũ tương và tỷ suất lơ lửng, còn 2 mẫu không đạt về hàm lượng hoạt chất.
Trong nhóm mẫu liệt vào loại không đạt về hàm lượng hoạt chất, có những con số giật mình vì sai số quá lớn, thuốc trừ bệnh Vietteam 98WP của Cty CP Thuốc BVTV Việt Trung chỉ có hàm lượng hoạt chất Tricyclazole 61% thay vì 98% như đăng ký, 2 mẫu thuốc trừ sâu Hifi 3,6 EC và 5,4 EC của Cty TNHH TM ACP chỉ có hàm lượng Abamectin 3% và 4,5% thay vì 3,6% và 5,4% như đăng ký, mẫu thuốc trừ sâu Agtemex 5EC của Cty BVTV An Hưng Phát chỉ có hàm lượng hoạt chất Emamectin benzoate 4,2% thay vì 5% như đăng ký.
Tương tự hàm lượng Emamectin benzoate trong thuốc trừ sâu Tikemectin của Cty XNK Thọ Khang chỉ có 3% trong đó đăng ký là 4%. Tuy nhiên kinh hãi nhất vẫn phải kể đến 2 mẫu, thuốc trừ sâu Mectinstar 50WSG của Cty CP VTNN Hoàng Nông, không hiểu do máy móc của Trung tâm 3 hỏng hay sao mà thử đi thử lại nhiều lần vẫn không phát hiện ra dấu vết của dầu Matrine, tương tự thuốc trừ cỏ Push 330EC của Cty TNHH Tân Thành cũng không hề có hoạt chất Ethoxysulfuron…..
Hàng giả được hợp thức hóa
Trong 27 mẫu thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2010 chỉ có 9 mẫu là thuốc thật và có đến 18 mẫu là thuốc giả. Trong 12 mẫu thuốc không đạt hàm lượng về hoạt chất thì có đến 11 mẫu là thuốc giả.
Tại sao thuốc giả lại có thể tràn lan đến vậy? Từ năm 2005 trở về trước, hồ sơ nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV, ngoài chứng chỉ xuất xứ (c/o) còn buộc phải có giấy đăng ký hoặc ủy quyền của nhà sản xuất nguyên liệu tại nước sở tại, nếu hàng nhập khẩu không đúng như hồ sơ thì Hải quan sẽ từ chối thông quan ngay. Thế nhưng từ năm 2006, Cục BVTV cho rằng mục này không còn cần thiết nữa, vậy là tình trạng “treo dê bán chó” bắt đầu, mẫu thuốc trừ sâu Wavesuper 15%SC của Cty TNHH Nam Bộ trong hồ sơ có nhà đăng ký sản xuất hoạt chất là Nongwa Agrochem Ltd nhưng lại có chứng chỉ xuất xứ (c/o) là Essence Fine Chemical China, hồ sơ khảo nghiệm thuốc trừ sâu Hifi đăng ký nhà sản xuất hoạt chất là Halex (M) Sdn Bhd nhưng nhà phân phối là Công ty TNHH TM ACP lại nhập khẩu từ Essence Fine Chemical China, hồ sơ khảo nghiệm thuốc trừ sâu Oneplaw 10WP, Agtemex 5EC có đăng ký nhà sản xuất hoạt chất là Agforepax Industry Co Ltd nhưng lại được Cty BVTV An Hưng Phát nhập từ High Hope Int Group China, thuồc trừ sâu Shertox của An Hưng Nông có nhà sản xuất nguyên liệu là HK Pesticide Enterprises của Hồng Kong lại chuyển c/o sang Heraba Industries của Ấn Độ …
Bán hàng giả - Ai được lợi?
Tại sao Cục BVTV lại đồng ý cho doanh nghiệp đưa hàng giả vào VN? Có lý sự rằng nhập khẩu hàng giả thì rẻ hơn, chính vì vậy mà nông dân được lợi hơn vì không phải trả tiền đăng ký.
Để có được một bộ hồ sơ đăng ký sản xuất trình lên cho nhà nước sở tại, các hãng thuốc BVTV phải rất tốn kém thời gian và tiền bạc vì phải tiến hành rất nhiều thí nghiệm để xác định độ độc trên nhiều loại động vật, thử tính bền, khả năng phân hủy trong nhiều điều kiện, môi trường khác nhau … những yêu cầu khắt khe này vượt quá sức của những hãng sản xuất thuốc BVTV nhỏ, hoặc những hãng làm ăn chụp giựt. Trung Quốc nổi tiếng về hàng giả vì luật pháp chưa hoàn thiện, khoảng cách giữa luật pháp và chấp pháp còn lớn.
Nông dân có thực sự được lợi khi cơ quan BVTV nhất trí cho hàng giả vào Việt Nam? Một điều tra bỏ túi về giá cả các loại thuốc cùng hoạt chất, cùng hàm lượng, cùng khối lượng  cho thấy thuốc có nguyên liệu từ Trung Quốc rẻ hơn nhập từ nước khác khoảng 10- 15%, tuy nhiên so với thuốc cùng loại do các công ty Trung Quốc bán ra tại VN lại đắt hơn nhiều, ví dụ 3 tên thương mại Asusu 25WP của Cty TNHH Thái Nông, Vk.sukucin 25WP của Cty TNHH Viễn Khang và Sasa 25WP của Cty Thương mại Zhongyue Quý Châu Trung Quốc đều có hoạt chất là Bismerthiazol và đều có hàm lượng là 25%, cùng dạng thuốc WP, cùng khối lượng 100gr nhưng giá bán của Thái Nông là 8.000 đ, giá của Viễn Khang là 16.000 đ và giá của Quý Châu Trung Quốc chỉ 7.000 đ….
Điều tai hại hơn là mức độ sạch của nguyên liệu, sản phẩm của các hãng hóa chất lớn bao giờ cũng có độ tinh khiết cao, còn những nhà sản xuất nhỏ thì hoặc công nghệ lạc hậu không thể làm sạch, hoặc cố tình không làm sạch để giảm giá thành. Mọi người đều biết rằng chất độc da cam dioxin chỉ là tạp chất của quá trình sản xuất thuốc khai hoang. Tạp chất trong nguyên liệu thuốc BVTV không được kiểm soát mới chính là tác nhân chính gây bệnh ung thư.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/82163/Default.aspx


Tin khác