“Chè bẩn” – tác động xấu đến thương hiệu chè Việt Nam

17/08/2011

Theo ông Đoàn Anh Tuân, nguyên nhân chính của tình trạng “chè bẩn” là do các nhà quản lý chưa nhận thức đúng về ngành sản xuất, kinh doanh chè hiện nay.

Gần đây, việc người dân ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… cho tạp chất (phân lân, bùn, bột quặng, bột sắn…) vào để chế biến chè đã gây ra sự lo ngại trong dư luận.
Sau khi có sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đến thời điểm này, việc chế biến “chè bẩn” ở một số địa phương về cơ bản đã chấm dứt. Nhưng, đằng sau vụ việc này vẫn còn không ít vấn đề chưa được giải quyết.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) về vấn đề này.
PV: Theo ghi nhận từ VITAS, thông tin về việc sản xuất “chè bẩn” đã ảnh hưởng như thế nào đến uy tín và xuất khẩu chè của Việt Nam, thưa ông?
Ông Đoàn Anh Tuân: Hiện nay, tuy các doanh nghiệp chưa có báo cáo cụ thể về việc thông tin “chè bẩn” có ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu chè của Việt Nam, nhưng với sản phẩm của các công ty có uy tín trong ngành chè thì khách hàng vẫn nhập khẩu bình thường. Còn đối với các doanh nghiệp từng có “vấn đề” cũng đã gặp phải những “cự nự” từ phía khách hàng.
Trên thực tế, việc làm “chè bẩn” chỉ xảy ra ở một nhóm người và sản phẩm này chỉ đi vào thị trường Trung Quốc. Trong khi khách hàng của ngành chè Việt Nam là khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến thời gian qua tình trạng làm “chè bẩn” có “đất” để phát triển?
Ông Đoàn Anh Tuân: Theo tôi, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các nhà quản lý chưa nhận thức được chế biến chè phải là một ngành kinh doanh có điều kiện, phải thoả mãn được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, vùng nguyên liệu… Nếu có quy định đó, các nhà máy sẽ phải có hợp đồng chặt chẽ với người trồng chè thì đã không có hiện tượng người nông dân tự do chế biến sản phẩm của mình như hiện nay.
PV: Như vậy, ông cho rằng việc tiếp tục để người dân chế biến chè tại gia đình như hiện nay là không ổn?
Ông Đoàn Anh Tuân: Trên thực tế, cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế đều coi chế biến chè là công việc đơn giản và các hộ đều có thể tự làm tại nhà. Trong khi chè lại là thực phẩm, chỉ cần đổ nước sôi vào là có thể dùng ngay, nên quá trình chế biến phải tuân thủ theo các quy trình hết sức nghiêm ngặt nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, thậm chí có thể gây ung thư. Do đó, cơ quan chức năng cũng nên có các quy định đối với các hộ chế biến mặt hàng này.
Không chỉ vậy, suốt thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bỏ qua khâu kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm chè tiêu thụ trong nước. Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng chè đựng trong các túi nylon không hề có nhãn mác, hạn sử dụng, cơ sở sản xuất. Điều này khiến không ai có thể dám chắc, các sản phẩm “chè bẩn” được sản xuất thời gian qua sau khi được xuất khẩu không quay ngược trở lại Việt Nam.
Việc buông lỏng quản lý cũng dẫn đến có hiện tượng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… còn tồn dư trên nhiều sản phẩm chè cao hơn so với mức cho phép. Hậu quả là Nhà nước không chỉ thất thu thuế mà vô hình chung đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp đầu tư có bài bản với các cơ sở chế biến thủ công, thô sơ. Điều này còn khiến cho việc xây dựng thương hiệu của ngành chè Việt Nam càng thêm khó.
PV: Phải chăng tình trạng làm “chè bẩn” xảy ra là do cuộc sống người nông dân trồng chè không được đảm bảo?
Ông Đoàn Anh Tuân: Có thể nói, ở miền núi phía Bắc không có cây công nghiệp nào có thể cạnh tranh với cây chè. Theo đánh giá của Hiệp hội Chè, những hộ gia đình nào đã có hợp đồng và gắn bó lâu năm đối với các nhà máy chế biến đều có cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng để biến cây chè thành cây có thể làm giàu thì đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn.
PV: Vậy tới đây, để xây dựng thương hiệu của ngành chè Việt Nam, theo ông cần phải tập trung vào những vấn đề gì?
Ông Đoàn Anh Tuân: Cách đây 7 - 8 năm, Việt Nam đã có cả một chương trình lớn hỗ trợ cho ngành chè xây dựng thương hiệu. Trên thực tế ngành chè cũng đã có nhiều chuyến “xuất ngoại” để quảng bá tại các quốc gia lớn như Anh, Đức… Song do còn có nhiều hạn chế nên hiệu quả của chương trình mang lại chưa cao.
Kinh nghiệm của một số nước xuất khẩu chè lớn trên thế giới như Ấn Độ, Srilanka thì họ đều có Uỷ ban Chè. Cơ quan này có vai trò thành lập các văn phòng đại diện ở các nước lớn trên thế giới để quảng bá sản phẩm. Cách làm này mang lại hiệu quả không nhỏ.
Với đặc thù riêng của ngành chè Việt Nam, tôi cho rằng, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành chè, Nhà nước chỉ nên chọn ra 1 - 2 doanh nghiệp lớn trong ngành để hỗ trợ họ xây dựng thương hiệu. Khi các thương hiệu này đủ mạnh, nó sẽ trở thành thương hiệu của cả quốc gia, như khi nói tới Sam Sung, LG, ngay lập tức người tiêu dùng nghĩ tới đất nước Hàn Quốc.
Xin cảm ơn ông!./.
Theo Báo TNVN

Nguồn:http://vov.vn/Home/Che-ban--tac-dong-xau-den-thuong-hieu-che-Viet-Nam/20118/183493.vov


Tin khác