Sóc Trăng: Chuẩn bị tốt cho Festival Lúa gạo lần 2

17/08/2011

Hôm 16/8, tại Tp.HCM, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp báo giới thiệu về Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 do tỉnh này đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 - 14/11 tại Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, TP. Sóc Trăng với chủ đề “Môi trường xanh cho cánh đồng vàng” và “Vinh danh hạt ngọc Việt”.

Theo ban tổ chức, Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 năm 2011 sẽ có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế và người dân trong nước các tư liệu lịch sử của nền văn minh lúa nước; những nông cụ, vật dụng sinh hoạt trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp thị truyền thông hàng hóa nông sản của tỉnh Sóc Trăng và Việt Nam với khách hàng quốc tế...
Các hoạt động chính trong tuần lễ Festival Lúa gạo Sóc Trăng 2011 gồm có các nội dung chính như: Hội chợ triển lãm “Tái hiện mô hình công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại”; “Mô hình phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ”; triển lãm “Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”; giới thiệu triển lãm của các bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán, tổng lãnh sự quán của một số nước...
Tại Festival còn có chuỗi các cuộc hội thảo như: “Đặc sản gạo Sóc Trăng - con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”; “Gạo Việt Nam, ai bán ai mua?”; Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam...
Các giống lúa thơm đặc sản thuộc nhóm ST được lai tạo và sản xuất thành công ở Sóc Trăng hiện đang có giá trị thương mại cao trên thị trường như: ST3, ST5, ST10, ST13…
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 năm 2011 tại Sóc Trăng không chỉ mang ý nghĩa ngày hội tôn vinh tri ân công lao đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam, những người đã công hiến sức lao động và trí tuệ để làm ra hạt lúa, hạt gạo để đưa ra thế giới, mà còn nhằm tổ chức các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam bền vững, hiện đại…
Các chương trình hội diễn, hội thi dự kiến tổ chức cùng Festival như: Chương trình bắn pháo hoa chào mừng, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc; dân ca 3 miền; đêm hội tôn vinh và trao tặng danh hiệu cúp vàng xuất khẩu gạo; Hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”; hội thi đờn ca tài tử; hội thi “người đẹp miệt vườn”; hội thi nhiếp ảnh Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu…
Đặc biệt, chương trình Festival Lúa gạo diễn ra cùng với thời điểm lễ hội đua ghe ngo Oóc-om-boc của đồng bào Khmer Nam Bộ nên có thêm chương trình đua ghe ngo trên sông Maspero. Bên cạnh đó, lễ hội đâm cốm dẹp sẽ tái hiện làng nghề làm cốm dẹp tại Sóc Trăng, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Khmer.
Đây là cơ hội để đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng quảng bá hình ảnh của địa phương mình đến với bạn bè thế giới.
Theo Kinh tế nông thôn
 

Tin khác