Quảng Ninh ưu tiên xã đảo, huyện nghèo

17/08/2011

Cùng lúc triệu tập toàn bộ Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, xã về tỉnh để bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM là cách làm quyết liệt, thống nhất của Quảng Ninh. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kì nên không lãnh đạo địa phương nào vắng mặt…

Gần 870 tỉ đã về nông thôn
Không thí điểm xây dựng NTM mà tổ chức triển khai trên diện rộng và vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn nên vừa qua Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp xây dựng NTM trong hai ngày giữa tháng 8/2011.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ 867,8 tỉ đồng để đầu tư cho khu vực nông thôn với 53 trường học, 322 nhà văn hóa thôn bản, 13 công trình cấp nước tập trung và hàng trăm công trình nhỏ lẻ về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 39 công trình thủy lợi, 41 công trình giao thông nông thôn.
Trong đó, tỉnh cũng phân bổ xấp xỉ 200 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hiện nhiều địa phương đang triển khai đồng loạt 14 dự án và hơn 40 mô hình sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, huyện Đông Triều được bố trí 4,9 tỉ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; huyện Yên Hưng 7,8 tỉ đồng để xây dựng vùng hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung; hỗ trợ vùng sản xuất rau, hoa tập trung tại xã Quảng La (Hoành Bồ)….
Với quan điểm không sử dụng ngân sách đầu tư dàn trải cho tất cả các tiêu chí chuẩn NTM mà sẽ tập trung nguồn vốn vào những công trình phục vụ sinh hoạt, phục vụ sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xã vùng sâu nên ngay từ bước đầu triển khai tỉnh đã ưu tiên hàng trăm tỉ để xây dựng thêm 6 hồ trữ nước trên đảo Cô Tô đồng thời tỉnh cũng khẩn trương kí kết với Tổng Cty Điện lực miền Bắc dự án cấp điện bằng máy phát Diezen cho Cô Tô.
Dự kiến, người dân huyện Cô Tô sẽ có điện sử dụng trong năm 2012 và được cung ứng 90% nhu cầu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Quy hoạch và sản xuất là trọng tâm
Thực hiện xây dựng NTM là một chương trình vận động toàn xã hội tham gia, trong đó Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ vậy nên bên cạnh việc huy động đóng góp bằng tài chính, vật chất các địa phương đã biết huy động sự đóng góp bằng ngày công của người dân trong phong trào làm thủy lợi, xây dựng công trình giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao của xã. Ở một số địa phương có sự thống nhất cao, bước đầu cho kết quả khá tốt như Đông Triều, Hải Hà… người dân đã đóng góp tới 94.000 m2 đất để làm đường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các địa phương không thể tránh khỏi khó khăn, vướng mắc do cán bộ còn chưa nhận thức sâu sắc, đúng bản chất của chương trình. Công tác điều tra, nắm thực trạng từ cơ sở chưa chính xác dẫn đến xây dựng đề án chưa chuẩn, không bám sát mục tiêu, nội dung chưa xác định cụ thể. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Quảng Ninh đã gấp rút triệu tập toàn bộ hệ thống chính trị về họp bàn, rút kinh nghiệm.
Lần đầu tiên, sau gần một năm thực hiện, lãnh đạo của 125 xã có cơ hội cùng ngồi lại, bàn thảo cách thức xây dựng NTM. Theo ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, thông qua công tác xây dựng quy hoạch mà các xã trình lên có thể thấy vẫn còn nhiều cán bộ xã hiểu chưa đầy đủ, thậm chí chưa mường tượng ra cách làm NTM.
Trong tháng 9/2011, Ban xây dựng NTM sẽ phối hợp với các ngành Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng NN- PTNT… tham mưu cho tỉnh tổng kết việc thực hiện các chính sách tín dụng những năm trước đây để rút kinh nghiệm và triển khai các chính sách phục vụ chương trình NTM.
 Để giúp các xã sớm nắm bắt tinh thần xây dựng NTM của tỉnh, Ban xây dựng NTM đã giới thiệu đề án quy hoạch NTM chi tiết tại xã Quảng La, huyện Hoành Bồ làm mẫu. Đề án mẫu định hướng cho các xã lập kế hoạch để huy động vốn thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, cũng như kế hoạch chuyển đổi cơ cấu lao động. Tùy theo từng điều kiện của địa phương các xã sẽ lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện riêng, tuy nhiên có thể học tập phương pháp xây dựng đề án, cũng như phương pháp bảo vệ đề án trước Hội đồng thẩm định. Từ quy hoạch mẫu, các xã cũng sẽ so sánh với quy hoạch của địa phương xem những điểm nào đạt, chưa đạt để hiệu chỉnh.
Ông Đồng Duyên Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Việt Dân, huyện Đông Triều, tâm sự: “Tôi sẽ yêu cầu làm quy hoạch chi tiết hơn nữa sao cho người dân nhìn vào có thể hiểu được từng ô, từng thửa trong vùng sản xuất lúa. Phải phân khai được từ đường nội đồng này đến đường nội đồng kia. Quy hoạch càng rõ, dân càng hiểu thì mình mới huy động được nguồn lực trong dân”.
Khó khăn nhất trong xây dựng NTM ở Quảng Ninh vẫn là tìm hướng đi cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Lâu nay người dân sản xuất nông nghiệp vẫn theo hướng tự phát, giá cao thì sản xuất ồ ạt, giá thấp lại đồng loạt phá bỏ nên luôn ở trong vòng luẩn quẩn đói nghèo. Xây dựng NTM, Quảng Ninh xác định phải khắc phục triệt để tình trạng sản xuất tự phát ở cơ sở.
Tỉnh chỉ đạo tổng kết các mô hình sản xuất nếu mô hình nào có hiệu quả đủ điều kiện để nhân rộng thì sẽ xây dựng thành đề án, dự án phát triển các vùng sản xuất tập trung, kết hợp với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, lạm phát liên tục tăng cao, tín dụng thắt chặt nên việc huy động nguồn lực phát triển nông thôn gặp trở ngại lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Ban xây dựng NTM đã nghiên cứu xây dựng “Quỹ phát triển nông thôn” giúp nông dân, ngư dân tiếp cận với nguồn vốn.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/82553/Default.aspx


Tin khác