Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các làng nghề

17/08/2011

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề, Việt Nam hiện có khoảng 2.790 làng nghề;hơn 1.000 doanh nghiệp tại các làng nghề. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu từ các làng nghề vẫn còn chiếm một tỷ trọng nhỏ so với tiềm năng.

Khó khăn tại các làng nghề
Thực tiễn cho thấy, làng nghề truyền thống đã được coi là một giải pháp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm của làng nghề được đánh giá là chiếm một phần lớn trong các sản phẩm xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên các làng hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm của mình. Để có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, các làng nghề phải vượt qua được những trở ngại không nhỏ.
 
Những vấn đề hiện đang gặp phải tại các làng nghề đó là: nguồn kinh phí cho hoạt động làng nghề còn hạn chế, nhất là trong hoạt động thu mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị nhằm tăng năng suất lao động hạ giá thành sản phẩm; thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, với sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin về thị trường nên việc mở rộng tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ nước ta còn phát triển chậm. Năng lực, kinh nghiệm quản lý sản kinh doanh của các chủ hộ, cơ sở sản xuất, trình độ kiến thức và tay nghề của người lao động trong các làng nghề còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đây thực sự là khó khăn lớn để sản xuất ở các làng nghề đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế. 

Theo Trung tâm hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề, có khoảng 8% doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không tiếp cận được vốn và có tới 70% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc làng nghề không đủ điều điều kiện vay. 

Tính đến nay, có tới 50% làng nghề trên cả nước bị giải thể. Tại Đồng Kỵ, Bắc Ninh, nơi có 120 doanh nghiệp làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ, trong hơn một năm qua, các doanh nghiệp hầu hết phải ngừng sản xuất do thiếu vốn. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp làng nghề đều tự phải xoay sở để có vốn. 

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu tự nhiên những năm gần đây bị suy giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp tại các làng nghề phải phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do đó không chủ động được trong sản xuất. 

Tìm lối đi cho các làng nghề 

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và lạm phát đang hiện hữu, việc vay vốn của doanh nghiệp làng nghề rất khó khăn, do đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc vay vốn với chế độ ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làng nghề mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đào tạo cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho doanh nghiệp cũng rất thiết thực giúp doanh nghiệp làng nghề thực hiện mục tiêu lớn. Đặc biệt, Nhà nước cần đầu tư xây dựng những đơn vị nghiên cứu, phát triển nguồn nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm và xây dựng chiến lược phát triển dài hơi cho ngành tiểu thủ công nghiệp 

Tuy vậy, trong tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay bản thân các doanh nghiệp làng nghề cũng cần chủ động khắc phục những hạn chế về thông tin, thương mại điện tử, đầu tư cho nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực sản xuất và nhân lực quản lý. Việc phát triển thương mại điện tử sẽ giảm được rất nhiều chi phí trong quá trình tìm kiếm bạn hàng và trao đổi sản phẩm. Cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu hiện nay đã thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và lúc này, Internet trở thành một môi trường lý tưởng để tìm kiếm đối tác mới. 

Đặc biệt các doanh nghiệp làng nghề hiện nay phải xây dựng, phát triển được sản phẩm chuyên biệt, sản phẩm tinh, qua đó tạo được sự khác biệt và xây dựng được thương hiệu cho mình. Về điều này chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, song song với việc phát triển sản phẩm chuyên biệt Nhật Bản còn mang cả yếu tố văn hóa, yếu tố dân tộc vào sản phẩm, do đó sản phẩm của Nhật Bản có giá trị kinh tế rất cao. 

Mặc dù các làng nghề có nhiều sản phẩm truyền thống nhưng hầu như mới chỉ được biết tới qua truyền miệng. Trong khi đó để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp làng nghề cần tạo dựng được thương hiệu và đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay nếu sản phẩm truyền thống Việt Nam không xây dựng được những thương hiệu tốt, nổi bật, thì sẽ khó cạnh tranh được với những nước có nền văn hoá và các nước có nghề thủ công truyền thống lâu đời ở châu Á, châu Phi. Vì vậy việc xây dựng thương hiệu cũng cần được coi trọng để sản phẩm tại các làng nghề có thể vươn xa./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=473647


Tin khác