Xung quanh việc thương nhân TQ thu gom nông sản: Đi tìm nguyên nhân

17/08/2011

Vì sao thương nhân Trung Quốc (TQ) thường thu mua nông sản của nước ta với giá cao và khá thành công? Đây là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra và là dịp đánh giá lại cách thu mua của thương lái Việt.

Thu mua ồ ạt do biến đổi khí hậu?
Ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại TP. Đà Nẵng cho rằng: "Thời gian qua, nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trên thị trường TQ gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết bất lợi liên tục xảy ra. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Ủy ban Quốc gia về giảm thiểu thiên tai của TQ cũng đã xác nhận, các loại thiên tai chủ yếu là lũ lụt, hạn hán, dư chấn và sạt lở đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khoảng 6 triệu hecta đất nông nghiệp của nước này. Việc thiếu hụt nguồn cung thực phẩm nội địa chính là nguyên nhân khiến thương nhân TQ phải tích cực tiếp cận thị trường các nước lân cận để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra".
Một nguyên nhân khác có thể kể đến là lạm phát tại TQ đã tăng tới 6,5%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, dẫn đến giá lương thực tăng tới 11,7%. Vấn đề thiếu hụt nguồn hàng cộng với giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tăng cao đang trở thành vấn đề nóng bỏng tại quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân này. Các nhà phân tích thị trường cảnh báo, giá cả mọi thứ tại TQ sẽ còn tăng cao hơn nữa, trong khi đó, chất lượng hàng hóa của Việt Nam tương đối tốt và có mức giá ổn định, cũng góp phần khiến thương nhân TQ tập trung thu mua, tích trữ hàng hóa ồ ạt như vừa qua.
Ngoài ra, giá lao động tại TQ cũng đang tăng rất nhanh. Theo ông Charles Hubbs, Giám đốc Công ty Fortunique (Quảng Châu), giá lao động của công nhân TQ trung bình khoảng 3,1 USD/giờ. Đặc biệt, giá tiền lương lao động ở đây tăng lên gần 50% chỉ trong 2 năm qua. Nếu so sánh với giá nhân công lao động ở Việt Nam thì việc thương nhân TQ sang thu mua thành phẩm, nguyên liệu, sau đó giao cho các DN của Việt Nam gia công chế biến và xuất sang TQ là điều rất thuận lợi.
Trước thực trạng thương lái TQ thu mua càphê với giá cao, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam, sản xuất của chúng ta vẫn phân tán, vai trò của các hiệp hội chưa cao, liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ còn thấp... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng: Khi giá tốt người ta "nhảy" vào mua, bất chấp chất lượng, tạo cho nông dân thói quen sản xuất hàng hóa mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Mà chất lượng hàng hóa không được chú trọng, lúc người ta không mua nữa, bán cho ai?
"Để giải quyết hiệu quả, cần phải đi vào từng ngành, từng lĩnh vực, để có được chiến lược, chiến thuật cho sản xuất - kinh doanh lâu dài. Riêng với ngành càphê, chúng tôi đang kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa càphê vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện như một số nước đang làm. Theo đó, không hạn chế, nhưng kinh doanh phải có chuẩn mực, không để tự do, tản mạn như hiện nay. Vì kinh doanh tự do, có thể được một chút, nhưng cái mất nhiều hơn cái được!", ông Tự nói.
Cũng cần nói thêm rằng, không phải thời gian gần đây thương nhân TQ mới đẩy mạnh thu mua nông sản Việt Nam. Trước đó, họ đã từng ồ ạt thu mua chè, khiến nông dân thu hái chè chẳng khác nào cắt cỏ vì ham bán cho TQ; rồi thu mua móng trâu, râu ngô và gần đây là đỉa, "chè bẩn". Trước những kiểu thu mua "tréo ngoe" như thế, người ta có quyền đặt câu hỏi, việc làm này không đơn thuần vì mục đích kinh tế?
Cơ quan quản lý chưa nhạy bén?
Nhìn lại việc trồng khoai lang tím Nhật Bản ở Vĩnh Long, theo người dân ở đây, loại khoai lang này chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang TQ, còn thị trường trong nước không chuộng lắm. Do đó, nếu bị thương nhân TQ ép giá hay ngừng tiêu thụ thì thiệt hại đến với những người trồng loại khoai này là điều hiển nhiên. Qua đó, để thấy rằng, nông dân Việt Nam đang rất bị động trong việc chọn giống, loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nói cách khác, những "trái đắng" mà gần đây bà con phải gánh chịu là do họ hoàn toàn phụ thuộc và chạy theo nhu cầu từ phía TQ.
Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, lỗi không phải hoàn toàn do nông dân, bởi ai cũng muốn nuôi, trồng những thứ mang lại thu nhập cao, ai cũng muốn bán cho những người trả giá cao, tiền tươi thóc thật. Trách nhiệm một phần thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước đã "chậm chân" trong khâu dự báo, nhận định thị trường, và điều quan trong là, cho đến nay, chưa đưa ra được một quy hoạch rõ ràng, chi tiết về từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của từng vùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường o ép về giá đối với nông dân, khi cần thì mua với giá cao, còn khi đã đủ nhu cầu thì tìm mọi cách ép cấp, ép giá. Chính cách làm ăn chộp giật của các doanh nghiệp Việt Nam đã khiến bà con quay lưng lại với họ khi gặp những đối tác khác sẵn sàng trả giá cao hơn.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cảnh báo, chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận định việc tư thương TQ vào tận vườn lùng mua nông sản. Thực tế, nước ta sát TQ, nên xác định đây là thị trường tốt để tiêu thụ nông sản. Và khi họ có nhu cầu thì sẽ là cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam, nông dân được lợi. Tuy nhiên, nếu họ thay đổi chích sách, việc tiêu thụ hàng nông sản sẽ gặp rủi ro và thực tế là nhiều bài học đã xảy ra với một số hàng nông sản của ta như hoa quả, rau, cao su, càphê, hồ tiêu, vải thiều…
"Việc họ mua giá cao có tính tức thời sẽ phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta, sắn là một bài học. Khi giá sắn lên cao, diện tích sắn sẽ lấn những cây trồng khác, mà chủ trương của ta thì không thể phát triển cây sắn một cách tùy tiện được, nhất là quảng canh, dễ dẫn đến phá rừng, lấn đất ruộng, đất mía…, tức là phá vỡ quy hoạch sản xuất", ông Ngọc nói.
Về lâu dài, cách làm ăn xổi ở thì của các doanh nghiệp và cả nông dân như hiện nay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tính bền vững của nền nông nghiệp và lợi ích của người dân.
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS): Vấn nạn "chè bẩn" cần sớm được ngăn chặn
Theo ước tính của VITAS, vấn nạn "chè bẩn" đã bắt đầu ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam. Lượng chè xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nhiều tỉnh đang thất thu thuế do hàng xuất tiểu ngạch không phải chịu sự kiểm soát như hàng xuất chính ngạch.
Việc làm "chè bẩn" đang phá vỡ tất cả tập quán sản xuất và trồng chè từ trước đến nay ở nước ta. Chúng tôi đã khảo sát những vùng nguyên liệu chè ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên... và ghi lại được những hình ảnh rất ghê rợn. Nói thật, người tiêu dùng nếu nhìn thấy chắc chắn không dám uống chè nữa. Nhưng người sản xuất vẫn đổ xô đi làm "chè bẩn", bất chấp mọi thứ bởi mang lại siêu lợi nhuận.
Việc sản xuất "chè bẩn" diễn ra phổ biến chỉ chừng 2-3 tháng trở lại đây, làm nhiều doanh nghiệp, nhà máy đứng trước nguy cơ phá sản bởi nguồn nguyên liệu chè giờ đang bị thương lái mua gom. Nhưng điều chúng tôi muốn cảnh báo về sự nguy hiểm khi người dân đổ xô đi làm "chè bẩn" theo đơn đặt hàng từ "bên ngoài" mà không biết được mục đích, ý đồ sâu xa của họ là, chúng ta đã tự làm xấu hình ảnh chè Việt Nam, bởi, hiện các phuơng tiện truyền thông, TQ đã đưa tin lên mạng internet việc tiêu hủy hàng chục tấn "chè bẩn" xuất xứ từ Việt Nam.
Hiện tại, thị trường Việt Nam chưa có loại "chè bẩn" bởi tất cả chè làm ra đều được xuất theo đường tiểu ngạch sang TQ. Vì lý do gì mà thương lái TQ lại sẵn sàng nhập loại chè độc hại này là điều chính chúng tôi cũng chưa lý giải được. Nhưng có một điều đã thấy nhãn tiền, nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia chè Việt đang đổ xuống sông xuống biển.
Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Người dân đang sản xuất "chè bẩn" chỉ để phục vụ một thị trường mà cũng không biết mục đích của họ là gì. Chúng ta đang xuất chè đi 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu 69 thị trường còn lại biết được chuyện "chè bẩn" đang sản xuất ồ ạt tại Việt Nam thì liệu họ còn dám nhập chè của ta nữa không? Khi những thị trường khác đã mất, chúng ta lại phải tập trung sản xuất cho TQ. Đến khi họ đột ngột dừng việc nhập khẩu thì ngành chè Việt Nam sẽ điêu đứng thực sự.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/8/29738.html


Tin khác