Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân (Thái Bình)

17/08/2011

Đảng bộ Thanh Tân xây dựng NTM với chủ trương là phải thực hiện hai biện pháp song hành. Đó là về cơ bản phải thực hiện xây dựng phát triển địa phương theo đúng 19 tiều chí; vấn đề thứ hai là tiến tới hoàn thiện dần việc thực hiện 19 tiêu chí và nâng cấp phát triển cao hơn.

Xã Thanh Tân nằm ở phía Bắc huyện Kiến Xương, tổng diện tích tự nhiên 512,12ha; trong đó đất nông nghiệp chiếm 30,71ha. Toàn xã có 1.886 hộ, dân số 6.278 khẩu; phân bố thành 7 thôn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 14.967.000 đồng/người/năm. Tổng km kênh mương đã cứng hóa là 8,2km/11,5km kênh cấp I. Đường dân sinh trong xã, thôn được rải đá láng nhựa chạy tới từng làng, từng xóm. Sân vận động của xã chiều chiều có hàng trăm thanh thiếu niên tới tập luyện, nhà văn hóa truyền thống thu hút rất đông người ở mọi lứa tuổi tới đọc sách. Sáng sáng loa truyền thanh truyền đi 5 ca khúc do người trong xã sáng tác ca ngợi quê hương đổi mới. Câu lạc bộ hát chèo, câu lạc bộ thơ tối tối chật ních người tới nghe hát, nghe đọc thơ, ánh đèn điện chiếu sáng lẫn trong ánh trăng vằng vặc soi tỏ khắp nơi, dòng sông Hoàng Giang chảy qua làng rì rầm sóng vỗ, tiếng chuông chùa ngân vang, tạo nên không khí thanh bình, đầm ấm hạnh phúc và no đủ ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.
 
Đi thăm các thôn làng trong xã, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Thanh Tân, nhiều câu hỏi bật lên trong đầu chúng tôi: Cũng là thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM ở Thái Bình nhưng tại sao có những xã làm tốt, như Trọng Quan - Đông Hưng; Nguyên Xá - Vũ Thư; An Ninh - Tiền Hải; Hồng Minh - Hưng Hà... nhưng vẫn còn có những xã làm chưa tốt. Ngay cả những xã nêu ở trên vẫn có những điểm, những điều cần phải cân nhắc, đánh giá đúng với thực tế. Mô hình NTM có cả nông nghiệp, công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đó là những nền tảng tạo ra cơ cấu kinh tế mới, từ đó tạo ra nguồn thu nhập mới ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân trong cuộc sống. Nhưng muốn xây dựng được NTM thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, cụ thể là người nông dân. Không ai có thể thay thế được họ trong nhiệm vụ này, đặc biệt là thế hệ trẻ - lớp người tiếp thu rất nhanh khoa học kỹ thuật. Nhưng có một điều đáng lo ngại đó là hiện nay các vùng nông thôn ở trong tỉnh Thái Bình hầu như vắng bóng thanh niên, họ đi làm ăn xa, ngày giỗ, Tết mới về. Gây ra tình trạng thiếu lực lượng lao động trực tiếp. Xây dựng NTM theo 19 tiêu chí là việc làm đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng vấn đề quan trọng nhất đó là thực hiện giải pháp như thế nào để các địa phương trong tỉnh, trong nước làm tốt. Khi trao đổi với lãnh đạo ở địa phương đã giúp chúng tôi dần dần tìm được câu trả lời cho thắc mắc trên.
Đảng bộ Thanh Tân xây dựng NTM với chủ trương là phải thực hiện hai biện pháp song hành. Đó là về cơ bản phải thực hiện xây dựng phát triển địa phương theo đúng 19 tiều chí; vấn đề thứ hai là tiến tới hoàn thiện dần việc thực hiện 19 tiêu chí và nâng cấp phát triển cao hơn. Trong xây dựng NTM ở Thanh Tân, quan điểm được vạch ra là không được cầu toàn, không xây dựng theo kiểu "bong bóng xà phòng" mà phải thực hiện tốt tư tưởng tập trung dân chủ, lắng nghe ý kiến của dân và các tổ chức xã hội ở địa phương. Đảng bộ xã vẫn chú trọng tới yếu tố con người trong xây dựng NTM. Nói như Chủ tịch xã Bùi Mạnh Hà: Con người là chủ thể xã hội, là trung tâm của chính trị, xã hội; vì thế cần làm rõ và tuyên truyền sâu rộng tới từng làng, từng thôn, từng gia đình để người dân có nhận thức tư duy mới về xây dựng phát triển theo mô hình NTM. Tư tưởng có thông, ý chí có quyết thì sự nghiệp xây dựng, thực hiện xây dựng NTM mới thành công được.
 
Ở các địa phương mà chúng tôi đã tới tìm hiểu cho thấy rõ một vấn đề rất quan trọng đó là cần làm chuyển biến nhận thức tư tưởng, suy nghĩ của người dân. Thực tế cho thấy khi hiến đất trên các thửa ruộng được Nhà nước cấp cho (theo thời hạn) để tiến hành xây dựng hệ thống cứng hóa kênh mương, thủy lợi, giao thông nội đồng thì nhân dân rất ủng hộ, thậm chí có hộ còn hiến tới 50m2, hầu như hộ dân nào cũng hiến từ 10 - 20m2; có lẽ vì công việc này gắn liền với lợi ích thiết thực của nông dân là đưa công cụ sản xuất ra đồng, phân bón, vận chuyển lúa và hoa màu về làng, dẫn nước hoặc tiêu lũ khi úng lũ... Nhưng khi vận động làm đường giao thông liên xóm, liên thôn hoặc trục đường chính trong xã thì lại gặp nhiều trở ngại? Vì đây là tài sản cố định (đất đai nhà cửa...) đa phần nhân dân đều yêu cầu bồi thường thiệt hại, chính vì thế khi được hỏi để xây dựng NTM thành công cần phải bao nhiêu tiền thì có những đồng chí lãnh đạo ở một số địa phương nói: Chúng tôi cần 200 tỷ đồng. Có xã nói cần 300 tỷ hoặc 350 tỷ đồng. Vì sao lại cần nhiều tiền như thế? Chúng tôi được nghe câu trả lời "ngọt lịm": Để bồi thường tài sản cố định cho dân khi mở đường và tiền thuê khoán, mua nguyên vật liệu, tiền trả công làm đường. Quả thật đây là vấn đề nan giải mà bất cứ một địa phương nào khi xây dựng NTM cũng gặp phải. Tiếp xúc một số người nông dân, tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi được nghe câu trả lời, có lẽ đây là nếp nghĩ của bao đời: Đất đai, nhà cửa của tôi, tôi phải giữ, có bồi thường thỏa đáng chúng tôi mới chuyển chỗ.
Rõ ràng công tác tuyên truyền vận động nhân dân có tư duy, nhận thức mới chưa được làm triệt để. Chưa có những giải pháp đồng bộ giúp cho nhân dân hiểu rõ, hiểu sâu và sẵn sàng hiến đất, tiền của vật chất, đồng tâm nhất trí cao trong việc xây dựng NTM. Nhưng ở Thanh Tân công tác xây dựng NTM lại tiến hành rất thuận lợi. Đặc biệt là việc vận động nhân dân giải tỏa các công trình nằm trong lộ giới quy hoạch làm đường giao thông. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất dẫn tới thành công ở Thanh Tân đó là đường lối, phương hướng chỉ đạo và các giải pháp hợp lý. Đường giao thông nông thôn xã Thanh Tân có 27 km, xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và đang tiến hành cải tạo làm đường có rải nhựa, rải đá, đường xi măng v.v... Thực tế cho thấy từ năm 1994 - 1995 đến nay, xã đã tổ chức cắm mốc lộ giới đường giao thông trong xã theo Nghị định 36. Chính vì thế đến nay quan điểm của lãnh đạo xã là tuyên truyền vận động hiến đất, hiến vườn, ao... để làm đường giao thông với tinh thần "Mình vì mọi người, mọi người vì mình".
 
Một vấn đề không kém phần nan giải cho xây dựng NTM đó là giữ vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống nước sạch cho từng hộ dân trong xã, sản xuất mặt hàng gì? Cấy trồng loại cây nào và ai là người bao tiêu một khi sản phẩm được làm ra? Giải quyết vấn đề lao động thừa hoặc thiếu ở từng địa phương như thế nào? Đây là những bức xúc không phải một sớm một chiều giải quyết được. Có không ít xã khi xây dựng NTM đều lúng túng về những vấn đề trên. Thực tế khi tìm hiểu ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải cho thấy địa phương có hàng chục ha dưa hấu, nhưng sản phẩm làm ra lại không tiêu thụ được. Ở nhiều nơi việc dồn điền đổi thửa tuy có thực hiện nhưng vẫn còn manh mún dàn trải vì còn tùy thuộc vào sự canh tác của các hộ dân ở từng cánh đồng, từng khu vực sản xuất. Quả thật đến nay chưa có nhà doanh nghiệp nào dám đầu tư vào ruộng đất nông nghiệp ở nông thôn.
Điểm đáng nói của Thanh Tân trong sản xuất lao động đó là việc đẩy mạnh thu hút lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có địa phương thừa lao động, nhưng ở Thanh Tân lại thiếu lao động. Toàn xã có 8 cơ sở sản xuất hàng công nghiệp và thủ công nghiệp. Để giải quyết tốt việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp làm ra, lãnh đạo xã, HTX chủ động ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Mỗi năm xã trồng cấy 150 ha lúa BC15 và lúa giống TBR-1. Đồng thời còn sản xuất 10 ha lúa giống cho Nhật Bản. Thanh Tân triển khai thực hiện đề án sản xuất trên cả 4 vùng đất của xã. Luân canh cây màu, cây vụ đông như đỗ tương, dưa chuột xuất khẩu, khoai tây. Xây mới trạm bơm điện, làm tốt việc dồn điền đổi thửa. Toàn xã hiện có 3 máy gặt đập liên hợp, 4 máy làm đất cỡ trung và 72 máy làm đất cỡ nhỏ. HTX nông nghiệp tổ chức tốt dịch vụ làm đất và dịch vụ thu hoạch đã tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm kịp thời vụ để có điều kiện sản xuất cây vụ đông; tăng trưởng kinh tế năm 2010 của toàn xã là 15,14%. 
Qua thực tế cho thấy số hộ dân cư được sử dụng nước sạch ở Thanh Tân đã lên tới 95% (1.786 hộ/1.886 hộ). Việc xử lý rác thải giữ vệ sinh môi trường được thực hiện tương đối triệt để và đồng bộ. Các hộ trong xã tự xử lý rác thải tại chỗ, bên cạnh đó xã tổ chức ở các thôn xóm những tổ gom rác sau đó đem đến địa điểm tập trung của địa phương để xử lý. Hiện Thanh Tân đang xây dựng dự án xử lý rác thải nông thôn thí điểm của tỉnh với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho 63 trang trại, gia trại chăn nuôi ở địa phương, xây hầm khí biôga, xử lý rác thải tại chỗ. Về Thanh Tân, với cảnh quan đẹp, môi trường trong sạch, các gia đình đều thực hiện ngõ sạch, nhà sạch, vườn cây đẹp. Thanh Tân vốn có truyền thống hiếu học trải qua hàng chục năm đầu tư cơ bản cho việc xây dựng cơ sở trường học từ trường mầm non tới THCS, đến nay toàn xã có 602 gia đình hiếu học, 28 dòng họ khuyến học, 42 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Năm 2009 trường Mầm non của xã đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trường THCS hàng năm có 40 học sinh đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi cấp huyện. Trải qua bao năm tháng, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, nhân dân Thanh Tân luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của mình. Không chỉ huy động sức người sức của trong xã mà lãnh đạo địa phương còn chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng quê hương. Vận động những người con xa quê, các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà truyền thống, nghĩa trang liệt sĩ, nhà tình nghĩa.
Như vậy đến hết năm 2011 Thanh Tân sẽ đạt được 14/19 tiêu chí. Nhưng Thanh Tân từ một vùng quê nghèo khổ xa xưa, nay đang tìm cách làm giàu. Thanh Tân xứng đáng là điểm sáng xây dựng phong trào NTM của tỉnh Thái Bình.
Tác giả: Đặng Hùng
Theo Báo Tin tức

 


Tin khác