Ưu đãi hơn mới mong thành công

17/08/2011

Xung quanh câu chuyện dài kỳ về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, chính sự chênh lệch ưu đãi đầu tư giữa đô thị và nông thôn là rào cản dòng vốn chảy vào nông nghiệp.

QUY LUẬT KINH TẾ
Thưa TS, trong vài năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp ngày càng chảy chậm. Ông có thể lý giải nguyên nhân?
Không chỉ riêng ở Việt Nam, bất cứ quốc gia nào có xuất phát điểm kinh tế từ nền nông nghiệp đều chú trọng đầu tư ban đầu cho nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên đến giai đoạn nhất định, theo tính toán của chúng tôi, khi tổng sản phẩm quốc nội GDP của nông nghiệp trong cơ cấu GDP của cả nước chưa giảm tới 15% thì tốc độ đầu tư của cả khu vực công và tư dành cho nông nghiệp chưa tăng lên được.
Sau đó, khi kinh tế phát triển, tức là công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt giá trị gia tăng lớn, gấp nhiều lần nông nghiệp, thì nguồn vốn thặng dư này sẽ được các quốc gia chú trọng đầu tư lại cho nông nghiệp. Thực ra đây là thời điểm bảo hộ cho nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn là chính. Tuy nhiên cũng có những nền kinh tế chú trọng đầu tư cho nông nghiệp để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực và tạo giá trị gia tăng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp của họ.
Việt Nam tại thời điểm này, theo tôi đang nằm trong giai đoạn đầu tư cho nông nghiệp thấp. Nhưng ngoài những nguyên nhân nằm trong quy luật chung thì nước ta chính sách vẫn chưa ưu đãi đúng mức cho các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
 
Ông có thể nói cụ thể hơn những bất hợp lý về chính sách đầu tư như thế nào?
Nói riêng về đầu tư công, tức là nguồn tiền từ ngân sách cho nông nghiệp, chúng ta hiện chú trọng đầu tư vào hạ tầng, nhất là thủy lợi cho cây lúa. Mà phần lớn nguồn tiền chỉ tập trung vào xây dựng mới công trình, chứ chưa chú trọng đến nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống, Ngoài ra hệ thống giao thông, hạ tầng nông thôn như điện, nước sạch vẫn chưa được đầu tư đạt chất lượng mong đợi. Đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp ít và cơ cấu chưa hợp lý, mục tiêu con người là trung tâm chưa được thể hiện đúng trong lương bổng, chi phí cho nghiên cứu, nghiên cứu chưa gắn với đào tạo và khuyến công. Vai trò giám sát, đánh giá thưởng phạt của nông dân, doanh nhân là những người hưởng thụ kết quả khoa học công nghệ chưa thể hiện trong đầu tư.
SÂN CHƠI KHÔNG CÔNG BẰNG
Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã có quá nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp nhưng chính sách chưa đủ mạnh. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng ý kiến này đúng. Nhìn lại chính sách của nước ta, thấy có nhiều văn bản quy định ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nhưng đầu tư công cho nông nghiệp hiệu quả chưa cao, do đó đầu tư lĩnh vực tư nhân, lĩnh vực vốn nước ngoài cho khu vực này cũng yếu kém. Một doanh nghiệp muốn đầu tư một nhà máy chế biến nông sản đương nhiên sẽ chọn thành thị, hoặc chí ít về vùng ven đô để xây dựng nhà máy. Bởi lẽ các chính sách ưu đãi như nhau, trong khi hạ tầng ở thành thị tốt hơn, điện nước ổn định hơn, giao thông thuận lợi hơn. Và quan trọng nhất, thị trường rộng mở hơn và có sẵn lao động tay nghề cao. Như vậy, rõ ràng là sân chơi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp là chưa công bằng.
Nói thế để thấy rằng, khi hoạch định chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, muốn khuyến khích được đầu tư vào nông nghiệp thì mặt bằng giải pháp phải công bằng, hoặc ưu đãi hơn, so với các lĩnh vực phi nông nghiệp. Nếu chính sách không tạo được sự khác biệt đáng kể, hạ tầng nông thôn lại thấp kém, thì đương nhiên sự chênh lệch trong quyết định của nhà đầu tư giữa nông nghiệp và đô thị, chính sách hiện hành chưa đủ kê bằng.
Nhưng mới đây Chính phủ đã có Nghị quyết 61 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, thưa ông?
Nói đúng ra là Nghị quyết 61 cũng chưa đủ mức mong đợi. Cụ thể là Nghị định này ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… chưa xử lý được nhiều chênh lệch về hạ tầng nông thôn, điện nước, hệ thống giao thông. Tôi nói riêng về lĩnh vực lao động, tiếng là khu vực nông thôn lao động rẻ hơn thành thị, nhưng doanh nghiệp sẽ phải chi phí nhiều hơn để đào tạo, quản lý và sử dụng. Như vậy, vô hình trung, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn sẽ bị đội lên, làm mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
CẦN CÓ CÁC DOANH NGHIỆP “ĐẦU RỒNG”
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
Nói như ông thì chúng ta cần phải “mạnh tay” thay đổi khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp?
Đúng là như vậy. Tôi nêu ra 2 điển hình là Nhật Bản và Đài Loan, đây là 2 nền kinh tế trước đây cũng xuất phát từ nông nghiệp. Trong giai đoạn công nghiệp hóa họ vẫn chú ý đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Những cơ sở nghiên cứu được đặt tại nông thôn, vùng nguyên liệu được quy hoạch, lao động nông thôn cũng đươc tập trung đào tạo tay nghề… Ngay cả trong lĩnh vực công nghiệp, họ cũng ưu đãi các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Như vậy, suốt trong thời công nghiệp hóa, nông nghiệp của họ rất phát triển, giá dịch vụ, hạ tầng của nông nghiệp cạnh tranh không kém so với đô thị. Lúc đó đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm về khu vực này để đầu tư.
Như vậy, chúng ta phải học hỏi những gì ở họ thưa ông?
Phải mạnh dạn thay đổi cung cách đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Tôi cho rằng sẽ khó nhưng chắc chắn làm được. Việc đầu tiên là phải tăng đầu tư công, tập trung phát triển các ngành công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để đưa trí thức, lao động có tay nghề cao về khu vực này như có chính sách ưu đãi về thu nhập, nhà ở và hàng loạt các tiện ích cuộc sống cho họ. Ngoài ra, chính sách ưu đãi cần cụ thể hóa thông qua tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức nông dân sản xuất các sản phẩm theo thế mạnh của từng vùng. Chính sách “nông nghiệp đầu rồng” mà Trung Quốc đang thực hiện tỏ ra rất thành công. Mỗi địa phương hoặc mỗi vùng nguyên liệu trọng điểm, họ đều có những doanh nghiệp đầu mối đẻ tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ. Đương nhiên, Nhà nước sẽ thể hiện vai trò “bà đỡ” một cách hiệu quả cho họ hoạt động.
Theo tôi, hiện Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, có nhiều tập đoàn nước ngoài đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nhưng cần phải đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, lao động, thương mại, chính sách vĩ mô cho nhà đầu tư yên tâm đổ tiền vào nông nghiệp. Đương nhiên là khi thay đổi thì chính sách phải tạo được sự công bằng về lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.
Xin cảm ơn ông!
“Theo tôi, phải thay đổi về tư tưởng trước đã, tức là không phải đầu tư cho nông nghiệp để lấy sự ổn định. Nếu ổn định bây giờ sẽ bất ổn ở tương lai, vì nông nghiệp “dậm chân tại chỗ”, trong khi thành thị lại phát triển hơn nhiều sẽ dẫn tới mất cân bằng xã hội. Chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chính là để kéo gần khoảng cách về thu nhập, về hạ tầng và dịch vụ ở nông thôn cho gần với thành thị, để tạo lực cho công nghiệp hóa. Đó mới là mục tiêu lâu dài.” – TS Đặng Kim Sơn
 
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 11-08-2011

Tin khác