Ông Phạm Văn Lợi – Chủ tịch Chi hội nghề cá Lộc Bình - 1 cho biết: Trước đây các xung đột thường xuyên xảy ra trên khu vực đầm phá giữa các ngư dân vì sự xâm chiếm đánh bắt của nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, dẫn tới gia tăng nhu cầu mưu sinh của các hộ dân tại khu vực đầm phá, các ngư dân đánh bắt tuỳ tiện, với các phương tiện đánh bắt thô sơ và tận diệt như: đánh điện, đánh lừ với kích thước lưới quá nhỏ, tạo ra nguy cơ đánh bắt cạn kiệt, hiệu quả kinh tế giảm sút.
|
Ngư dân địa phương ra khơi đánh cá tại phá Tam Giang
|
Cũng phải nói thêm rằng dân trí của ngư dân sống xung quanh khu vực đầm phá nhìn chung là thấp, đa phần là nghèo, họ đánh bắt theo thói quen và với mục đích kiếm được càng nhiều càng tốt. Khi không được hướng dẫn triệt để hay được tiếp cận những phương pháp đánh bắt mới hiệu quả hơn, ngư dân đánh bắt không đi đôi với duy trì bảo vệ tài nguyên, đe doạ trực tiếp đến đời sống của họ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra được những quy hoạch cụ thể cho các tiểu vùng, các chi hội nghề cá chưa được trao quyền quản lý và khai thác khu vực mặt nước, kinh phí đầu tư cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đánh bắt hạn hẹp. Đã dẫn tới tình trạng tài nguyên và môi trường của đầm phá bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đời sống người dân ngày càng khó khăn hơn.
Hướng đi từ liên kết cộng đồng
Trước thực tế đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được sự hỗ trợ của Chính phủ Italia cùng tổ chức Nông - lương thế giới (FAO) đã phối hợp tổ chức thực hiện dự án Quản lý tổng hợp hoạt động đầm phá (IMOLA). Mục tiêu của dự án là: “Xây dựng và thực hiện một kế hoạch tổng hợp quản lý cùng đầm phá thông qua sự đồng thuận của các bên có liên quan, qua đó cân bằng việc sử dụng bền vững các tài nguyên đầm phá với sinh kế và nhu cầu của người sử dụng tài nguyên”.
Quá trình này được thực hiện với mục đích thành lập các chi hội nghề cá đề gắn kết người dân vào một tổ chức có cách thức khai thác, phân chia quyền lợi và khu vực khai thác một cách có quy củ và quy định rõ ràng. Quá trình này được diễn ra trong 11 bước chính với một quá trình trao đổi nghiên cứu lấy ý kiến đồng thuận của toàn bộ người dân trong khu vực thành lập chi hội, chính quyền địa phương và cán bộ dự án. Chỉ khi nào người dân thực sự hiểu và thấy sự cần thiết thành lập và gia nhập chi hội nghề cá thì lúc đó mới thực sự tiến hành phương pháp giao quyền mặt nước.
Tiến hành việc cải thiện và quản lý đầm phá với cách tiếp cận “đồng quản lý”. Cơ sở của phương án này là sự gắn kết, phân quyền quản lý giữa các chi hội nghề cá, chính quyền địa phương và những đơn vị liên quan tại địa phương. Lấy sự đồng thuận của người dân làm gốc, trên cơ sở đó đưa ra bàn bạc giữa các bên và đi đến thống nhất đưa thành thể chế hoạt động cụ thể từ Tỉnh cho đến các chi hội.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh Thừa thiên Huế cũng như trong khuôn khổ của dự án, các cơ quan nhà nước đã ngày càng nâng cao trách nhiệm quản lý và đóng vai trò trong việc tạo ra môi trường pháp lý cho hoạt động đầm phá. Sự gia tăng của các hình thức khai thác hủy diệt trên khu vực đầm phá đã giảm, do thông qua cơ quan dịch vụ công địa phương hỗ trợ cộng đồng quản lý bằng cách xây dựng và ban bố các quy định và quy chế trong tiếp cận, sử dụng tài nguyên.
Các địa phương được giúp đỡ xây dựng những cơ chế mới, thể chế mới để giúp người sử dụng nguồn lợi được tham gia nhiều hơn trong quá trình quản lý, được nâng cao vai trò trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm sử dụng nguồn lợi và đưa ra các quyết định quản lý liên quan.
Một cách làm cần được nhân rộng
Qua 5 năm thực hiện, mô hình quản lý và quy hoạch này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó đặc biệt phải kể đến việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào đánh giá thực trạng đầm phá, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các cam kết của cộng đồng trong khai thác nguồn lợi trong phá Tam Giang.
Cho đến thời điểm hiện tại đã có được những kết quả quan trọng như: Hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh liên quan đến các mặt kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường tại khu vực đầm phá phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch. Xây dựng thêm được 22 chi hội nghề cá ở 8 xã với quy chế hoạt động đầy đủ. Khoanh vùng và quy hoạch khai thác trên thực địa với tọa độ được định vị bằng vệ tinh cho các chi hội này, định vị được các vị trí đặt nò sáo trên thực địa cho từng thành việc trong chi hội để đảm bảo dòng chảy lưu thông tốt hơn, định vị được các vùng hạn chế khai thác (bãi đẻ), các vùng khác cho từng nhóm ngành nghề.
Các hoạt động trên đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện tình trạng của đầm phá. Chất lượng môi trường nước được cải thiện đáng kể; giao thông đường thủy thông thoáng hơn trước; nguồn lợi thủy sản bước đầu được khôi phục; tranh chấp xung đột giữa các nhóm lợi ích, nhóm ngành nghề giảm so với trước khi chưa có chi hội lên tới 80% đến 90 %; ý thức người dân trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường và nguồn lợi thủy sản được nâng cao; chính quyền địa phương đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng qui hoạch.
Anh Nguyễn Văn Trung, một ngư dân cho biết: Vợ chồng tui làm nghề đánh điện được 15 năm. Từ khi có sự tạo điều kiện và đầu tư của nhà nước, của chi hội và Imola, mình chuyển sang nghề lưới và nò sáo, gia đình khấm khá hơn. Tui cũng biết được là chỉ đánh cá to, còn cá nhỏ, cá giống thả đi để sau còn có cái mà đánh bắt.
Vai trò của cộng đồng đã được phát huy tối đa, tạo ra được sự dân chủ, phấn khởi và đời sống của người dân được tăng đáng kể. Những người ngư dân như đã hiểu phải sử dụng những khoản đầu từ vào đúng mục đích để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường trên đầm phá để đảm bảo và nâng cao chính đời sống của họ, chứ không chỉ đơn thuần cứ có tiền là đi mua rượu uống nữa.
Bài và ảnh: Trọng Khánh - AGROINFO