Xuất khẩu gạo tăng cao
Theo VFA, tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,619 triệu tấn, tăng 16,72% về lượng và tăng 26,07% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân đạt 473,37 USD/tấn; tăng 35,11 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 7, giá gạo Việt Nam tăng do ảnh hưởng tâm lý từ thị trường Thái Lan (tăng 50 – 70 USD/tấn).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sắp tới, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng, do ảnh hưởng từ giá gạo Thái Lan, sẽ tăng lên mức 850 USD/tấn, gạo thơm sẽ tăng lên 1.400 USD/tấn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cũng tăng cao, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, trong tháng 7 số lượng đăng ký hợp đồng đạt gần mức kỷ lục là trên 1 triệu tấn, gồm có hợp đồng thương mại chiếm trên 500.000 tấn. Tính chung 7 tháng, kết quả đăng ký hợp đồng gạo xuất khẩu là 6,183 triệu tấn, tăng 14,12% so với cùng kỳ năm 2010 và đây là mức cao nhất từ trước tới nay do hợp đồng thương mại tăng mạnh, chiếm 58%, tăng trên 20% trong khi hợp đồng tập trung chỉ chiếm 42%, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Số lượng hợp đồng còn lại chưa giao hàng trên 1,5 triệu tấn và phần lớn sẽ giao trong tháng 8 và tháng 9/2011.
Được biết, năm nay, giá lúa Hè Thu năm 2011 so với giá vụ này năm 2010 tăng 54%, so với vụ Đông Xuân 2011 tăng hơn 22%. Chính nhờ giá lúa tốt, nông dân nhiều địa phương vụ Thu Đông đã xuống giống với diện tích cao hơn so với kế hoạch. Ông Trương Thanh Phong cho rằng, đây là tín hiệu tốt, vì vậy người dân nên tăng diện tích lúa thu đông vì lúa vụ này chất lượng tốt, giá bao giờ cũng cao hơn so với các vụ khác.
Hiệp Hội lương thực Việt Nam đã đưa ra dự báo, trong tháng 8 các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất 700.000 tấn gạo; tháng 9 là 700.000 tấn. Nếu đạt được con số này thì tính chung xuất khẩu quý 3 sẽ đạt 2,1 triệu tấn và tính chung 9 tháng năm 2011 đạt 6 triệu tấn gạo xuất khẩu. Như vậy, nếu theo kế hoạch xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra, để đạt 7-7,3 triệu tấn gạo thì quý 4 chỉ còn xuất từ 1-1,3 triệu tấn gạo.
Vẫn còn nhiều thách thức
Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo trong nước nói riêng và trên thế giới sẽ tiếp tục tăng cao. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam vì bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá bán sẽ có nhiều rủi ro do thị trường biến động thường xuyên, giá tăng cao ngoài dự kiến, nhất là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không kịp chuẩn bị hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, khả năng xuất khẩu của Việt Nam cũng có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.
Trước thực tế này, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần rất thận trọng để không vượt qua giá gạo Thái nếu không sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Được biết, hiện giá gạo hạt dài của Mỹ đã lên tới 600 USD/tấn gạo cũ và 650 USD/tấn gạo mới, vượt qua cả giá gạo Thái Lan.
Cũng theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc ký tiếp các hợp đồng, bởi lẽ hiện nay là hợp đồng còn của tháng trước rất lớn và hợp đồng phải ký trong những tháng tiếp theo cũng rất lớn. Cụ thể, số hợp đồng đăng ký đến ngày 31-7 là 6,183 triệu tấn, tăng 14,12% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp hiện nay thấp hơn số lượng hợp đồng chưa giao hàng, với khoảng hơn 1,3 triệu tấn nhưng vụ hè thu không còn nhiều mà nhu cầu xuất khẩu lại tiếp tục tăng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp phải thận trọng khi bán ra thị trường, còn gạo trong kho thì mới tiếp tục bán ra, nếu hết thì nên ngừng bán.
Được biết, đến này 4/8/2011 cả nước đã có 39 doanh nghiệp và 4 thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Dự kiến, đến tháng 10 sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận này.
Với khoảng 80 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo và lượng gạo xuất khẩu nhiều sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo đã đề ra trong năm 2011. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của thị trường thế giới, Hiệp Hội lương thực Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, nên chủ động lường trước những rủi ro và nên chắc chắn còn gạo tạm trữ lưu thông (dự trữ lưu thông nội địa) thì mới xuất khẩu bình thường, còn không thì nên dừng việc xuất khẩu vì phải đảm bảo ổn định thị trường trong nước.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=473235