Quy hoạch nhiều KCN xong để bỏ hoang
Theo số liệu của Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, khu vực ĐBSCL hiện có 214 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch với diện tích 18.658 ha. Tuy nhiên, chỉ có 119 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích 12.913 ha và hiện chỉ có 41 cụm đã xây dựng kết cấu hạ tầng và có doanh nghiệp đăng ký đầu tư…. Mặc dù các KCN vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng nhiều địa phương vẫn đua nhau lập quy hoạch phát triển thêm KCN.
Đơn cử, hơn 10 năm trước, tỉnh Vĩnh Long đã giải tỏa trên 400 hộ dân cùng nhiều vườn cây ăn trái để lấy đất làm KCN Mỹ Thuận, xây Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long và Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao. Song dự án Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia thì đến cuối năm 2009, chủ đầu tư mới làm lễ khởi công và sau đó bỏ đất trống cho đến nay.
Dù vậy, sau này UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn tiếp tục xin xây thêm 5 KCN với tổng diện tích hơn 1.900 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỉ đồng. Cuối tháng 3/2010, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long khởi công xây dựng hạ tầng KCN Hòa Phú 2 rộng hơn 137 ha thuộc xã Hòa Phú, huyện Long Hồ. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn còn là những ruộng lúa xanh mướt.
Tại Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730 ha (trong đó xây mới 4 KCN với tổng diện tích khoảng 1.750 ha). Tỉnh Bến Tre cũng đang quy hoạch xây dựng thêm KCN Phú Thuận (230 ha), mở rộng KCN An Hiệp; thành lập năm KCN mới. Tại Hậu Giang, hai KCN Sông Hậu - Tân Phú Thạnh (400 ha) đang bỏ trống nhưng tỉnh vẫn tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn hai thêm 540 ha. Trong khi đó, tại Long An, Tiền Giang, hàng ngàn hecta đất rừng phòng hộ ven biển Đông và sông Soài Rạp cũng được mạnh tay phá bỏ để làm KCN.
Một trong những nguyên nhân khiến các KCN tại ĐBSCL lâm vào cảnh hoang phí, chưa thu hút được đầu tư là do vốn đầu tư cao cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém. Đơn cử, việc xây dựng hạ tầng các KCN ở ĐBSCL thường phải mất thêm 30% chi phí vì nền đất nơi đây quá yếu, qua đó khiến các nhà đầu tư còn e ngại.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chạy theo xu thế chạy đua xây dựng KCN, ĐBSCL cần tìm cách tăng cường phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Một nhà máy chế biến thực phẩm cao cấp hay các nông trường áp dụng công nghệ sinh học hiện đại có thể trở thành những địa chỉ đích thực cho các nhà đầu tư, trong khi các KCN vắng hoe chỉ làm hao tâm, tốn của mà không mang lại lợi ích cho địa phương.
Nhiều dự án nông nghiệp đang chờ đầu tư
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp khu vực ĐBSCL vừa qua, đã có hàng trăm dự án được các tỉnh mời gọi đầu tư. Trong đó, Đồng Tháp có hàng chục dự án đầu tư nông nghiệp mới từ xây dựng hạ tầng thủy lợi, vùng nuôi trồng thủy sản cho tới lĩnh vực công nghệ cao với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng.
Tỉnh Trà Vinh cũng có 11 dự án đầu tư nông nghiệp tới tổng số vốn kêu gọi lên tới 1.677 tỷ đồng; tỉnh Sóc Trăng có 7 dự án với số vốn khoảng 1.300 tỷ đồng; Tiền Giang cũng kêu gọi 6 dự án 430 tỷ đồng; Cà Mau có 6 dự án kêu gọi khoảng 2.000 tỷ đồng… Trên thực tế, đã có không ít tỉnh tại khu vực ĐBSCL xác định nông nghiệp là định hướng trọng tâm và đã thành công trong việc thu hút đầu tư nông nghiệp. Trong đó, Bến Tre đã thu hút được 8 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư là 36,65 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 31 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư là 192,3 triệu USD. Các nhà đầu tư chủ yếu tìm cơ hội vào các lĩnh vực chế biến sản phẩm dừa, hoa kiểng, chế biến thủy sản, thực phẩm…
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong thời gian tới, Bến Tre tiếp tục kêu gọi thêm 7 dự án nông nghiệp có tổng vốn khoảng 437 tỷ đồng, chú trọng vào các lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học trong việc sản xuất giống lúa, ca cao, rau màu… sử dụng các sản phẩm vi sinh để thay hóa chất chất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản.
Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang có thế mạnh xuất khẩu nông sản với sản lượng hàng năm đạt gần 1 triệu tấn, trong đó có nhiều loại trái cây mang lại giá trị cao như: Xoài, bưởi, thanh long, vú sữa và đặc biệt là cây khóm ở huyện Tân Phước (thuộc vùng Đồng Tháp Mười) là sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh trong chế biến xuất khẩu, đang được trồng tập trung với diện tích 11.600 héc ta, sản lượng hàng năm trên 190.000 tấn .
Năm 2011, tỉnh Tiền Giang tiếp tục kêu gọi 6 dự án về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gồm Nhà máy sơ chế và đóng gói Thanh Long, Nhà máy sơ chế đóng gói rau an toàn, đầu tư chăn nuôi tập trung, đầu tư xây dựng trại sản xuất nghêu giống… với tổng số vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế mà các tỉnh ĐBSCL hiện nay gặp phải chính là các dự án nông nghiệp được kêu gọi rất nhiều nhưng không mấy nhà đầu tư quan tâm. Bằng chứng cho thấy, tới nay, ĐBSCL đã đưa ra hàng trăm dự án mời gọi dưới nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị đầu tư, hội chợ, triển lãm… nhưng thực tế các dự án này vẫn đang nằm trên giấy và chờ nhà đầu tư.
Đồng chí Lê Dũng – Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau cho biết, trong 6 dự án mà tỉnh kêu gọi đầu tư thì chỉ có 1 dự án là Trung tâm sản xuất giống thủy sản được nhà đầu tư quan tâm, 5 dự án còn lại vẫn đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa quan tâm đến các dự án là do việc thu hồi vốn trong lĩnh vực nông nghiệp thường chậm hơn so với các lĩnh vực khác.
Một lý do khác khiến nhà đầu tư còn e ngại, đó là cơ chế chính sách phía Nhà nước. Ông Vũ Bá Quang – Giám đốc Công ty cổ phần sinh thái CA cho biết, công ty dự kiến sẽ đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch (gạo), nhưng Nhà nước lại bắt buộc doanh nghiệp phải xuất khẩu thông qua đầu mối do Nhà nước quản lý, thay vì xuất khẩu trực tiếp, như vậy sẽ rất khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tương tự, một doanh nghiệp Đài Loan cũng đang rất muốn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt tại ĐBSCL và điều họ quan tâm lúc này là về chính sách ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất có hợp lý để họ quyết định đầu tư vào.
Từ những phân tích trên cho thấy, nên chăng các tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nên tập trung hướng đầu tư phát triển nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản như Thái Lan thay cho việc đầu tư phát triển công nghiệp không hiệu quả và thiếu tính cạnh tranh. Về vĩ mô, Chính phủ cũng cần cân nhắc đưa ra những chính sách linh hoạt để hỗ trợ sự đầu tư phát triển nông nghiệp ở những vùng có thế mạnh chứ không cấp phép đầu tư các KCN tràn lan như hiện nay, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế, vừa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái về lâu dài.
Theo Báo Công thương
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=473233