Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư, tới tháng 6.2011, đã có hơn 260.000 nông dân được học nghề theo Đề án 1956, đạt 53% kế hoạch. Nông dân học theo chương trình, giáo trình của 96 nghề (41 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 55 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp). Riêng những nghề nông nghiệp, chương trình, giáo trình dạy nghề gắn với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất tốt (VietGAP hoặc Global GAP).
Trúng nhu cầu, dân hào hứng học
Từ đầu cầu Nam Định, em Bùi Văn Liêm (thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thuỷ) mang tới cho hội nghị câu chuyện về học nghề chạm khảm tranh đồng. Thông qua Hội ND, Liêm biết tới khoá học chạm khảm tranh đồng ở Công ty Phú Mỹ Lộc (Hà Nội).
Sau đó, Liêm cùng 11 thanh niên nữa tham gia một đội đi học nghề chạm khảm tranh đồng, được hỗ trợ ăn, đi lại và học phí theo Đề án 1956. Sau 3 tháng học nghề, em đã làm nghề thành thạo và trở về làm việc cho cơ sở tranh đồng của anh Nguyễn Vũ Nam (cùng thị trấn).
Liêm nói: “Hiện nay, thu nhập của em được 1,5-2 triệu đồng/tháng và có hy vọng phát triển cơ sở làm nghề nếu được vay vốn”.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đưa ra một kinh nghiệm mà thành phố đang áp dụng, đó là tạo điều kiện về làm nghề cho nông dân sau học nghề. Ông Nam nói: “Ví dụ như nông dân học nghề nấm xong sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/lán (100m2) để tổ chức làm nghề và có cơ chế bao tiêu sản phẩm cho bà con”.
Là người trực tiếp đi vận động các chủ trang trại, gia trại đi học các lớp dạy nghề nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch HĐQT liên hiệp Hội HTX Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi vận động mở các lớp chuyển giao KHKT trong chăn nuôi và tiếp cận vận động bà con đi học- tức là trực tiếp đứng ra chiêu sinh”.
Vẫn cần nhiều sự điều chỉnh
Thay mặt cơ quan điều hành đề án, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn thừa nhận một số điểm chưa làm tốt, chẳng hạn như ở một số tỉnh thành, tỷ lệ dạy nghề gắn với việc làm chưa đạt theo mục tiêu đề án (14% số tỉnh thành, tỷ lệ việc làm sau đào tạo dưới 70%); mô hình thí điểm cấp huyện chưa rõ, khó có thể nhân rộng; một số hoạt động làm chậm như tuyên truyền, tư vấn, hoàn thiện mạng lưới dạy nghề cấp huyện...
“Nông dân học nghề xong cái khó nhất là lo vốn làm nghề, tổ chức sản xuất. Trong khi đó nguồn vốn vay ưu đãi cho hoạt động này rất ít. Đề nghị Chính phủ bổ sung, tăng lượng vốn vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách dành cho nông dân sau học nghề.” Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
|
Ông Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên của đề án nên cần phải biết họ cần gì để điều chỉnh. Cùng tán thành ý kiến này, ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam nêu thực tế: “Vùng sâu, vùng dân tộc rất khó tuyển sinh- cho dù được học miễn phí- bởi họ làm nương rẫy, sống biệt lập và ngại đi lại. Thực tế, đã có một số địa phương không sử dụng hết kinh phí đào tạo, phải trả lại”.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lo ngại với những tỉnh “hai chưa” như chưa có chỉ đạo của cấp uỷ đối với công tác dạy nghề, chưa có đề án thực hiện trong 5 năm, trong đó có các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc.
Đáng lo ngại hơn là cảnh báo của đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư là tới thời điểm này, chưa có tỉnh nào nộp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương (trong 5 năm tới). Vì thế, công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng lúng túng bởi khó xác định được hướng đi ở tầm chiến lược.
Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ làm việc với các địa phương để có những điều chỉnh hợp lý trong công tác dạy nghề cho nông dân, ban hành tiêu chí giám sát và nâng cao vai trò giám sát để đảm bảo tính hiệu quả của đề án.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/56006p1c34/260000-nong-dan-duoc-hoc-nghe.htm