Theo con số cập nhật mới nhất của các cơ quan chuyên môn ở ĐBSCL, hiện tại diện tích người nuôi cá tra “treo ao” trong vùng đã lên đến gần 30%.
Trong đó, tỉnh Trà Vinh là địa phương có diện tích “treo ao” hơn 50% trong tổng số 150ha thả nuôi. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ… diện tích treo ao cũng rất lớn.
Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh An Giang cho biết: “Mấy ngày qua, tuy giá cá tra đã nhích lên nhưng nông dân vẫn không có cá để bán và tiếp tục treo ao. Giá cá tra nguyên liệu đã nhích hơn so với tuần rồi (từ 23.700 - 24.000 đồng/kg) nhưng người nuôi không có cá để bán do hầu hết cá tra đã bán trước đó”.
Ông Trần Văn Hùng ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã nuôi cá tra hơn 15 năm qua, sau vụ thua lỗ vừa rồi nhất quyết chuyển sang làm nghề khác.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Hùng tâm sự: “Trước đây, gia đình tui có 2 ao nuôi cá tra với sản lượng trên 200 tấn/vụ nhưng bây giờ một nửa diện tích đó tui đã bơm cát để làm lò sấy lúa. Phần diện tích còn lại tui chuyển sang nuôi cá lóc cho chắc!
Sau bao nhiêu năm nuôi cá tra hết lên rồi xuống, bây giờ tui qua ngán ngẩm sau những đợt thua lỗ triền miên. Cả xóm này trước đây 10 người nuôi, bây giờ chỉ còn 2 người nuôi. Nhưng hai người đó chỉ thả nuôi phân nửa so với trước”.
Theo ghi nhận của NTNN, ở vùng nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL là tỉnh Đồng Tháp số người “treo ao” đang diễn ra ngày càng nhiều. Theo những người nuôi này thì nguyên nhân chính là do người nuôi thua lỗ liên tục và sản lượng cá giống sụt giảm vì thời tiết thay đổi bất thường.
Ông Nguyễn Trạng Sư –Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay người nuôi cá tra không còn bao nhiêu, diện tích ương cá giống cũng giảm rất nhiều. Bây giờ người nuôi cá tra đã ngán ngẩm nên không dám mở rộng diện tích”.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/56023p1c34/30-nguoi-nuoi-ca-tra-treo-ao.htm