Ngày 30/8, hội thảo giá hiệu quả hoạt động của dự án "Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững" được tổ chức tại Thái Nguyên.
Dự án "Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững" được tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ trực tiếp cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên và được triển khai tại 4 xã gồm: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) và La Bằng (huyện Đại Từ). Đây là địa bàn được tỉnh quy hoạch là vùng sản xuất chè đặc sản và đã được đăng ký chỉ giới địa lý chè Tân Cương, chè La Bằng với trên 1.600 ha chè và gần 8.000 hộ tham gia.
Mục tiêu của dự án là nâng cao tính cộng đồng, chuyên môn hoá của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn, tạo đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng chè, dần hình thành và phát triển làng nghề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè đặc sản an toàn theo hướng bền vững. Theo đó, Ban Quản lý dự án đã tổ chức tập huấn cho 120 chi hội trưởng, phó các chi hội nông dân trong 4 xã nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, chế biến chè an toàn, cách thức tổ chức, điều hành hoạt động của các chi hội nông dân gắn với sản xuất và chế biến chè an toàn, nâng cao kỹ năng và phương pháp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến chè an toàn...
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, năng lực kinh doanh và marketing của các tổ hợp tác chưa được cải thiện. Phần lớn các hộ sản xuất chè chưa biết nhiều về thông tin từ trang website của dự án và hầu hết trong số họ chưa có kỹ năng sử dụng máy vi tính. Hoạt động hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày sản phẩm của dự án tuy đã được thử nghiệm tại Hà Nội nhưng lại không duy trì được, sản phẩm chè an toàn của dự án vẫn chưa được chứng nhận là sản phẩm an toàn... Để dự án thu được kết quả tốt hơn, người trồng chè cần đổi mới phương thức chế biến chè.
Mục tiêu của dự án trong thời gian tới là "Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất tiêu thụ chè an toàn Thái Nguyên". Theo đó, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục phát triển các tổ hợp tác hiện tại thành Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn Thái Nguyên; nâng cao khả năng quản lý chất lượng sản phẩm chè an toàn của hợp tác xã và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm... Ban quản lý dự án cũng sẽ có các hoạt động cụ thể như: đăng ký và chứng nhận chất lượng (tiêu chuẩn VietGAP), hỗ trợ ban đầu về nguồn lực cho hợp tác xã trong việc kiểm định chất lượng sản phẩm và đăng ký mã vạch cho 100% sản phẩm chè an toàn, đào tạo đội ngũ quản lý chất lượng sản phẩm chè an toàn cho hợp tác xã...
Qua thời gian triển khai dự án, năng lực sản xuất, chế biến chè an toàn của người dân trong vùng dự án được nâng lên rõ rệt. Chất lượng sinh hoạt của 60 chi hội nông dân được cải thiện, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào quá trình sản xuất chề biến chè an toàn. Mô hình sản xuất chế biến chè an toàn được nhân rộng trong cộng đồng. Sản lượng chè an toàn hiện nay tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Ban quản lý dự án cũng đã phối hợp với các địa phương thành lập 18 mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè an toàn với 180 thành viên tham gia. Chất lượng sản phẩm của các tổ hợp tác tương đối ổn định. Thu nhập của các thành viên tăng từ 5% đến 10% do giá bán sản phẩm chè an toàn tăng từ 7% đến 12% so với trước khi tham gia tổ hợp tác./.
Theo TTXVN