Theo thống kê, tỉnh An Giang hiện có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) , trong đó có 24 làng nghề được UBND tỉnh An Giang công nhận, trong số này có 14 làng nghề truyền thống có bề dày hoạt động từ 50 năm đến trên 100 năm, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư, sản xuất nhỏ lẻ, lao động tay nghề kém…
Để tiếp sức cho các làng nghề trụ vững và phát triển, 3 năm trở lại đây tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách ưu tiên như đầu tư 60,35 tỷ đồng triển khai 9 dự án phát triển làng nghề mới, 11 dự án làng nghề gắn với du lịch và 22 dự án bảo tồn - phát triển làng nghề. Qua đó đã tập trung hỗ trợ kỹ thuật như: nhuộm Mỹ A cho làng nghề dệt tơ lụa Tân Châu; giới thiệu sản phẩm và mô hình dệt thổ cẩm truyền thống cho đồng bào Khơme xã văn Giáo (Tịnh Biên) và tổ chức thường xuyên các lớp dạy nghề làm rập chuột, mộc, thiết kế mẫu dệt thổ cẩm; tập huấn về “Các biện pháp giảm chi phí sản xuất và thân thiện với môi trường”; hỗ trợ xây dựng dây chuyền sấy viên đường thốt lốt, sấy bánh phồng, máy dệt tơ tằm….tạo điều kiện cho các làng nghề đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh tạo điều kiện để các làng nghề tham gia các hội chợ có qui mô lớn giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, góp phần mở rộng phát triển làng nghề, giải quyết được nhiều lao động tại chỗ...
Theo Sở Công thương, làng nghề TTCN ở tỉnh An Giang hiện giải quyết trên 18.000 lao động có thu nhập ổn định trên 1,3 triệu đồng/người/tháng, với phong phú mô hình sản phẩm như làng nghề đan đát, mộc (huyện Chợ Mới), làng nhang Bình Đức, lưỡi câu Mỹ Hòa (Long Xuyên), bánh phồng nếp (Phú Tân), làng nghề chế biến mắm (thị xã Châu Đốc), làng nghề chế biến đường thốt lốt (Tịnh Biên), dệt gấm Mỹ A (Tân Châu)… Cái hay của các làng nghề TTCN truyền thống ở An Giang phần lớn đều tập trung ở khu vực nông thôn, tạo được việc làm quanh năm, không chỉ giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động mà còn tạo việc làm cho trẻ em hay người lớn tuổi cũng làm được. Rất phấn khởi là sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất khẩu bằng nhiều hình thức trực tiếp, xuất qua đường tiểu ngạch sang Campuchia hay thông qua việt kiều mang ra nước ngoài làm quà tặng người thân, bạn bè…Từ đầu năm đến nay các làng nghề TTCN trong tỉnh đã làm ra giá trị sản xuất trên 300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 6.300 hộ với trên 18.600 lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, làng nghề TTCN ở tỉnh An Giang phát triển chưa đúng tầm, còn nhiều bất cập, hạn chế, hiện mới có 23% lao động qua đào tạo; phần lớn hoạt động có qui mô nhỏ lẻ, làm thủ công, các hộ chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất nên sức cạnh tranh kém, thị trường bấp bênh.../.
Theo TTXVN
Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=476072