Hiện đại hóa tàu cá: Ngư dân thiếu mặn mà?

31/08/2011

Việc xây dựng đội tàu cá hiện đại có đủ khả năng hoạt động ở các vùng biển xa bờ đã và đang được đặt ra đối với ngành thủy sản ngoài mục đích nâng cao sản lượng đánh bắt còn đảm bảo tính an toàn cho ngư dân... Tuy nhiên, việc hiện đại hóa tàu cá không hề dễ dàng mà một trong những nguyên nhân là do ngư dân chưa thực sự mặn mà. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hiện đại hóa tàu cá do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay (30/11) tại Hà Nội.

Cho vẫn không đắt

Khảo sát tại một số nhóm tàu đã thoát nạn từ Hoàng Sa trong cơn bão Chanchu năm 2005 trở về cũng như những đánh giá đội tàu câu mực xà năm 2010 cho thấy, các tàu được khảo sát có thể đảm bảo về kết cấu, ổn định và có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8 tại các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, hầu hết các tàu đều có chung tồn tại là bố trí cửa, khoang, nắp hầm trên tàu chưa đảm bảo điều kiện kín nước theo quy định; trang thiết bị trên tàu chưa đáp ứng được yêu cầu để có thể họat động tại các vùng biển trên; các tàu đều sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu; 90% các tàu của ngư dân vẫn không có đèn tín hiệu; điều kiện làm việc thiếu an toàn...
Sự việc con tàu Vĩnh Hải của ông Huỳnh Văn Minh ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) có công suất 150 cv được đóng bằng vỏ gỗ bị chìm cách đảo Lý Sơn, (Quảng Ngãi) khoảng 7 hải lý xảy ra mới đây là một trong những minh chứng này. Vỏ tàu được đóng theo dạng tàu đánh cá, máy tàu đã quá cũ, chi tiết máy không còn đảm bảo an toàn, do đó khi ép ga sẽ khiến cho tắc nhớt, lột nhên, gãy trục máy, khi bị chết máy, tàu sẽ có nguy cơ bị lật úp...
Nhiều tàu cá hiện nay đánh bắt xa bờ nhưng trang thiết bị lại cũ kỹ, không đảm bảo an toàn
 
Trong khi đó, theo Quyết định 289/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu đóng mới tàu cá lắp máy từ 90 cv (mã lực) trở lên trong vòng 3 năm từ 2008-2010, mỗi năm ngư dân sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng, như vậy nếu lắp máy mới công suất 90 cv với dòng giá rẻ của Yanmar, ngư dân sẽ không tốn một đồng nào, thậm chí còn dư ra. Tuy nhiên, trên thực tế trong 3 năm qua, cả nước chỉ có 6 tàu cá được lắp máy mới. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Phòng Quản lý tàu cá (Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản), dù Nhà nước cho không máy nhưng ngư dân vẫn phải bỏ ra số tiền mua máy ban đầu và được trả lại trong 3 năm. Việc này vượt khả năng kinh tế của họ, trong khi ngân hàng lại không mặn mà gì khi cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Do vậy, nếu mua máy cũ với số tiền bằng 1/3 - ½ giá máy mới sẽ phù hợp hơn với túi tiền của họ và chỉ cần 1-2 chuyến biển nếu được mùa sẽ thu được số vốn bỏ ra. Thứ hai, máy cũ thường là các dòng máy phù hợp với thói quen sử dụng của ngư dân, dễ sửa chữa và nếu có hỏng hóc thì luôn có phụ tùng đi kèm thay thế mà không bỏ lỡ chuyến biển, trong khi đó mua máy mới dù được bảo hành song thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi lấy phụ tùng lâu, lỡ cơ hội làm ăn của ngư dân....Đến nay đội tàu cá của ngành thủy sản vẫn chủ yếu là cá tàu trang bị thô sơ, đơn giản không đủ điều kiện an toàn tối thiểu cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế. 

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm, theo ông Huy đó là dù trang bị máy lớn, hoạt động ở các vùng biển cách bờ hàng trăm hải lý, các tàu cá hiện nay vẫn chủ yếu hoạt động theo phương pháp truyền thống ít có sự tính toán về kết cấu và ổn định (không có thiết kế hoặc chỉ là các thiết kế mẫu), việc giám sát đóng mới của đăng kiểm vẫn mang tính hình thức hoặc chưa tuân thủ theo quy trình, không có điều kiện thử tàu theo quy định, các trang thiết bị trên tàu chủ yếu là giản đơn không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Hầu hết, các tàu chỉ được tiến hành kiểm tra, gia hạn hàng năm mà chưa thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo quy định. Trong khi đó, bản thân các thuyền viên trên tàu cá dù đã quen dần với việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại song vẫn chỉ ở những biết ban đầu và vẫn chưa tận dụng hết các tính năng ưu việt của máy móc; thậm chí nhiều thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đã có bằng theo quy định, song chất lượng đào tạo chưa cao, ngư dân hầu như chưa được huấn luyện cơ bản về phòng ngừa tai nạn và tìm kiếm, cứu nạn...
“Kinh phí cho tàu hoạt động rất ít vì thế nhiều con tàu đóng xong lại để đấy. Trong khi cơ chế chính sách cho nhà sản xuất không phù hợp còn cơ sở pháp lý cho tàu hoạt động, yêu cầu đóng tàu phải có thiết kế nhưng các cơ sở đóng tàu lại không dựa vào đó...”, ông Huy chia sẻ.
Không cứ phải là tàu xa bờ
Để đảm bảo an toàn cho các tàu cá hoạt động cũng như tăng năng suất, hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản, vấn đề hiện đại hóa tàu cá hết sức quan trọng. Việc hiện đại hóa tàu cá được ưu tiên trước hết là các tàu cá xa bờ mà trọng tâm là khối tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa, làm nghề có giá trị kinh tế cao; phát triển đội tàu cá hiện đại được tiến hành song song giữa việc cải tạo, nâng cấp các tàu hiện có và đóng mới các tàu hiện đại...
Từ khi có chương trình vay vốn đóng tàu cá xa bờ của Nhà nước, đội tàu cá xa bờ của nước ta đã phát triển nhanh chóng, từ chỗ chỉ có 1.000 chiếc, sau 15 năm đã có trên 22.000 chiếc. Song song với đó, công suất tàu cá ngày một tăng từ 250 mã lực (cv) lên tới 800 mã lực...
Song ông Nguyễn Tiến Vĩnh, nguyên Giám đốc Công ty thiết kế cơ khí (Bộ Thủy sản cũ), cho rằng, trước khi hiện đại hóa tàu cá phải trả lời cho được 3 câu hỏi, tại sao ngư dân không mặn mà với những tàu được coi là trang bị hiện đại; tại sao Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn cho mua máy, nghi khí hóa học, dầu nhớt... nhưng chính sách không đến được với dân hoặc đến nhưng không khuyến khích họ và chính sách nào đã khiến các đầu nậu tập hợp và khuyến khích ngư dân đi theo họ chứ không theo các tổ chức mang tính chất nhà nước...

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Vĩnh, không thể coi đội tàu cá hiện đại tất cả phải là tàu xa bờ. Có thể phân ra 5 loại tàu nằm trong cơ cấu đầy đủ cho đội tàu cá của Việt Nam từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Và đặc biệt việc xây dựng tàu cá hiện đại phải xác định được số lượng cho mỗi loại tàu thích ứng với mỗi vùng biển; đồng thời phải đánh giá mức độ trang thiết bị khai thác, chế biến, nghi khí hàng hải và các tiêu chuẩn an toàn cho mỗi chủng loại tàu; tính toàn cho một số mẫu tàu cần đóng mới và thay thế trong tương lai đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa tàu cá...
Trong khi đó, theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có khoảng 130.000 tàu đánh cá, vì thế chúng ta chỉ có thể đóng mới một số ít, chứ không thể thay thế toàn bộ. Để hiện đại hóa tàu cá phải chú ý tới rất nhiều vấn đề như đào tạo nhân lực, đời sống y tế, lao động, hiện có tới 99% các tàu các hiện nay không có nhà vệ sinh, chỉ riêng vấn đề này đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm. Ngoài ra, trong tương lai, vỏ tàu phải chuyển dần từ gỗ sang thép, trên tàu hiện đại phải thiết kế cả kho bảo quản lạnh...
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/8/29967.html


Tin khác