“Gót chân Asin” của gạo Việt Nam

08/09/2011

Từ năm 2002 đến nay, năng suất lúa của nước ta luôn dẫn đầu các nước ASEAN và có khoảng 500.000ha đất lúa (12,5% diện tích) đạt năng suất 7 tấn/ha/vụ. Đây là mức năng suất cao nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng, lúa gạo VN đã bộc lộ “gót chân Asin”.

Xuất khẩu gạo của VN bằng 22% lượng gạo thương mại hàng năm và chiếm ngôi “Á hậu” thế giới, với giá bán xung quanh 500 USD/tấn, rút ngắn dần khoảng cách với Thái Lan, là ngành hàng có dung lượng thị trường lớn, phát triển bền vững sau hơn 20 năm xuất khẩu.
Mặc dù vậy, người nông dân trồng cây lúa lại là người nghèo nhất (theo WB - 2011: Thu nhập thấp hơn mức 1USD một ngày). Vùng ĐBSCL, vùng trồng lúa chủ lực (chiếm 53% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo XK) lại là vùng kém phồn vinh nhất trong các vùng nông nghiệp của nước ta.
Thu hoạch lúa ở xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, Hậu Giang.
 
Phải xây dựng thương hiệu
Mỗi năm chúng ta xuất 5-6 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 thế giới nhưng gạo VN lại chưa có thương hiệu. Có lẽ nào trong tương lai, chúng ta không có được những thương hiệu gạo cạnh tranh với gạo nổi tiếng thế giới như Khaowdakmali (Thái), Japonica (Nhật), Basmati (Pakistan), Jasmin (Ấn Độ)?
Ở Trung Quốc, mỗi một thương hiệu đều gắn liền với một huyền thoại, một truyền thuyết nào đó, tạo ra văn hóa kinh doanh Trung Hoa độc đáo. Ở nước ta không thiếu gì truyền thuyết, huyền thoại nhưng lại chưa có sản phẩm cạnh tranh hoặc chưa gắn huyền thoại vào sản phẩm thành văn hóa thương mại VN.
Mô hình thương hiệu gạo Tứ quý của Công ty ADC theo công nghệ GlobalGAP (Mỹ Thành, Tiền Giang, An Giang) đưa gạo vào hệ thống siêu thị Maximart có thể là một ví dụ cho việc bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu có giá trị hơn thay vì kêu ca giá gạo rẻ. Công nghệ này đặt ra yêu cầu 214 điều cho nông dân và 121 điều cho HTX phải thực hiện, là mô hình nông nghiệp hợp đồng có cam kết, theo tiêu chuẩn thay cho quy trình sản xuất truyền thống tùy tiện, thiếu ràng buộc trách nhiệm.
Có thể kể ra những thương hiệu gạo Tám (Hải Hậu), gạo thơm Chợ Đào (Long An), gạo De (Huế), gạo Điện Biên, gạo Nếp cái hoa vàng… nổi tiếng để nhân rộng. Mô hình thương hiệu gạo ST5 ở vùng nước lợ Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) 5.000ha trong hệ thống nông nghiệp lúa-tôm đạt lợi nhuận 15-20 triệu/ha có thể là một ví dụ tốt nhân rộng hàng trăm ngàn ha cho vùng cửa sông ở ĐBSCL.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp và địa phương, cần hiện đại hóa, công nghiệp hóa, pháp chế hóa hệ thống giống lúa ở vùng ĐBSCL đi trước một bước trong các vùng lúa khác của nước ta.
“Gót chân Asin” của lúa gạo
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) số liệu điều tra năm 2010, giá trị gia tăng của lúa gạo vùng ĐBSCL được phân phối như sau: Nông dân 27,3%, thương lái 2%, nhà máy xay xát 6,3%, nhà máy lau bóng 2,6%, doanh nghiệp xuất khẩu gạo 29,2%, người bán lẻ, sỉ 32,6%. Giá trị gia tăng thuần được tính như sau: Nông dân 36,5%, thương lái 18,9%, nhà máy xay xát 12,3%, nhà máy lau bóng 3,4%, doanh nghiệp xuất khẩu 28,9%(với giá thành lúa khoảng 4.000 đ/kg, lao động không thuê).
Tuy nhiên, do diện tích canh tác ít nên sản lượng lúa của hộ ít và kỹ thuật kém, năng suất thấp, giá công thuê lao động cao, chu kỳ sản xuất dài trên 4 tháng, thiếu vốn... nên con số lợi nhuận trên 30% của nông dân trồng lúa là thấp nhất. Ngược lại doanh nghiệp xuất khẩu gạo có khối lượng hàng hóa tập trung lớn, vòng quay vốn kinh doanh ngắn nên lợi nhuận cao hơn. Đây là bài toán giá trị xã hội của hạt gạo VN cần được nghiên cứu và phân bổ lại bằng sự đồng thuận của cộng đồng ngành hàng lúa gạo VN, với sự trọng tài của Nhà nước.
Ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL đang bộc lộ những thiếu hụt liên quan đến lợi ích của nông dân trong quan hệ thị trường: Thiếu hụt về các loại thị trường (đất đai, vật tư, khoa học công nghệ, lao động, tài chính tiền tệ…) làm cho độ rủi ro tăng; thiếu hụt về mối liên hệ, liên thông giữa các thị trường nên nông dân thường thua thiệt, được mùa mất giá; thiếu hụt về chiến lược, chính sách giao thoa giữa thị trường và nông dân.
Bây giờ ở miền Tây đã xuất hiện nhiều mô hình nông gia đại điền, cơ giới hóa sản xuất, với diện tích hàng chục ha/hộ… Lời giải cho câu hỏi này là: Đổi mới mô hình xuất khẩu gạo gắn với phát triển hệ thống phân phối, tham gia vào mạng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu ngành hàng gạo; sửa đổi Luật Đất đai nới rộng dần hạn điền, tăng đầu tư cho hạ tầng (4 triệu tấn kho, sấy, giao thông…), cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng cam kết và khế ước văn minh giữa doanh nghiệp và nông dân ngành hàng lúa gạo.
2 khẩu hiệu cho gạo
Lợi thế của vùng ĐBSCL là hàng năm có nhiều phù sa (1 tấn/ha), khí hậu ôn hòa, nước đủ (500 tỷ m3), nông dân trồng lúa giỏi 2-3 vụ/năm. Năng suất lúa ở đây vụ đông xuân 5-7 tấn/ha, vụ hè thu 4-5 tấn, còn vụ thu đông nữa, cả năm có thể đạt xung quanh 10 tấn/ha, doanh thu khoảng xung quanh 2.000USD, gấp đôi Thái Lan (nông dân chỉ làm lúa một vụ đạt 4-5 tấn/ha/năm). Như vậy chúng ta chưa thể cạnh tranh được gạo “ngon” với “Hoa hậu” gạo Thái nhưng hoàn toàn có thể sản xuất lúa với giá thành “ rẻ” hơn họ nhờ năng suất cao, chi phí thấp, sản lượng cao.
Hiện nay hàm lượng KHKT trong công nghệ sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL còn thấp, biểu hiện ở 2 chỉ tiêu giá trị/ha trồng lúa và thu nhập của người nông dân hàng chục năm vẫn đứng tại chỗ mặc dù sản lượng tăng, tốc độ tăng.
Mỗi một lần Festival Lúa gạo là một lần nâng cao thêm nhận thức, đổi mới thêm tư duy, tôn vinh nhiều danh hiệu, đồng thuận thêm hành động để nâng cao giá trị gia tăng lúa gạo cho nông dân, cho ngành hàng lúa gạo VN theo lý thuyết tam giác phát triển bền vững với nguyên tắc là cả 3 giá trị trụ cột: Kinh tế, Xã hội, Môi trường đều có giá trị ngang nhau.
Lời giải của câu hỏi này là cần chuyển đổi cơ cấu hệ thống nông nghiệp theo vùng, tiểu vùng sinh thái, tăng đầu tư cho KHCN, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống khuyến nông để phổ cập công nghệ hạ giá thành, tăng năng suất, tăng chất lượng, đào tạo nông dân chuyên nghiệp…
Mô hình tổ chức sản xuất dịch vụ của Công ty CP BVTV An giang và Xí nghiệp Chế biến gạo xuất khẩu Vĩnh Bình mua, chế biến 100.000 tấn gạo xuất khẩu/năm là một ví dụ tốt với phương thức dịch vụ giống, BVTV, phân bón, mua lúa gạo… cho nông dân với lực lượng khuyến nông FF (Farmers Friends) – bạn của nhà nông gồm 400 khuyến nông viên trẻ, qua 10 vụ lúa đã xây dựng được 50 mô hình liên kết, 2.000 điểm trình diễn kỹ thuật…
Chúng tôi đề nghị khẩu hiệu đến 2020 của chúng ta là: “Gạo Việt, giá thành thấp nhất thế giới” và “Đổi mới mô hình xuất khẩu ngành hàng gạo VN” theo hướng xây dựng khế ước văn minh, vận dụng những vận hội mới biến thành thể chế hữu hiệu, có trách nhiệm và hiệu quả hơn với người nông dân trồng lúa, đưa lúa gạo trở thành ngành hàng có hiệu quả lớn, có thương hiệu và sức cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/56825p1c34/got-chan-asin-cua-gao-viet-nam.htm


Tin khác