Đầu cơ gạo bị hớ

05/09/2011

Một số doanh nghiệp dở khóc dở cười vì nghe tin đồn thất thiệt nên đã gom gạo với giá cao. Xuất khẩu gạo đạt gần 2,4 tỉ USD.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM), cho biết trong khoảng 20 ngày đầu tháng 8, sau khi có tin đồn giá gạo sẽ tăng cao do VN trúng hợp đồng lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) gạo, kể cả những DN ngoài ngành đã ôm một lượng hàng khá lớn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện không như dự báo khiến số DN này đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan vì trước đó đã lỡ mua với giá khá cao.

Mất tiền vì ôm hàng giá cao


Có nhiều lý do khiến thị trường gạo thế giới chựng lại và ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo trong nước. Đầu tiên do sự tác động từ Ấn Độ. Sau một thời gian dài cấm xuất khẩu thì vừa qua nước này đã cho phép xuất khẩu gạo với giá cực thấp. Hiện DN Ấn Độ chào giá gạo 5% tấm với giá khoảng 430 USD/tấn. Giá này rõ ràng thấp hơn nhiều so với giá chào của Việt Nam. Bởi hiện nay do giá thu mua gạo thành phẩm trong nước ở mức 9.000-11.000 đồng/kg, tương đương với giá thành 550-560 USD/tấn gạo 5% tấm.

Ngoài ra, do giá trong nước cao dẫn tới giá xuất khẩu cao nên thời gian qua những nước mà ta kỳ vọng sẽ mua nhiều của VN lại quay sang mua của Thái Lan vì gạo của nước này có giá thấp hơn. Chưa kể, sau một thời gian cấm xuất khẩu thì cuối tuần qua Pakistan đã tuyên bố sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại và điều này chắc chắn sẽ tác động lớn tới thị trường.

“Việc Ấn Độ bán giá thấp chắc chắn DN trong nước sẽ gặp khó vì nhà nhập khẩu của Indonesia, Philippines và châu Phi sẽ chuyển qua mua gạo của nước này thay vì của VN” - giám đốc của một DN gạo nói.

Ông này cho hay hệ hụy của nạn đầu cơ đã đẩy giá lúa gạo vào tình trạng sốt ảo và từ đó khiến các mặt hàng lương thực khác tăng theo. Tuy nhiên, cơn sốt gạo vừa qua khác xa với cơn sốt năm 2008. Năm 2008, cả thế giới ở trong cơn hoảng loạn về gạo khi nhiều nước xuất khẩu gạo như Pakistan, Ấn Độ, VN ngoài việc tạm ngừng xuất khẩu còn đẩy mạnh thu mua dự trữ. Còn ở cơn sốt gạo vừa qua chỉ là sốt ảo do một số người dự báo giá gạo sẽ tăng cao, điều này đã dẫn tới một số DN đẩy mạnh thu mua.

Ngoài ra, khác với những năm trước, hiện nhiều quỹ đầu cơ lương thực trên thế giới đang rơi vào tình cảnh thua lỗ nên dần rút vốn ra khỏi những danh mục đầu cơ như gạo, mì, bắp… để chuyển sang lĩnh vực khác mang lại nhiều hiệu quả hơn.
Nhiều DN gạo thiệt hại lớn vì nghe theo tin đồn thất thiệt
 
Đối phó với đầu cơ ra sao?

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đến thời điểm này, các DN gạo đã tiêu thụ hết gạo sản xuất ra với giá trung bình 6.500-7.000 đồng/kg lúa khô. Có thời điểm lợi nhuận người nông dân đạt được hơn 70%.

Ông Phong cũng cho hay thị trường gạo thời gia qua biến động là do một phần giá thu mua trong nước tăng cao. Ngoài ra, trong bối cảnh đó, một số DN đã nhận được các tin nhắn mang nội dung thất thiệt như giá gạo còn tăng lên 400 đồng/kg và VN trúng nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn làm xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom hàng. Việc chính phủ mới của Thái Lan quyết định nâng giá hỗ trợ lúa cho nông dân từ 11.000 lên 15.000 baht/tấn cũng tác động lớn đến gạo xuất khẩu của VN.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, quyết định tăng giá thu mua gạo nội địa của chính phủ mới Thái Lan tuy có ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn như DN trong nước kỳ vọng. Do đó, VFA và DN cần phải đánh giá lại tình hình để đưa ra giá sàn xuất khẩu hợp lý và thế giới chấp nhận được.

Ông Trần Đức Tụng, một chuyên gia theo dõi ngành lúa gạo trong nhiều năm, cho hay đầu cơ cũng chính là thủ thuật trong kinh doanh. Ngay cả chủ trương mua tạm trữ cũng chính là một cách đầu cơ. Vấn đề làm sao phải có biện pháp để việc đầu cơ hay mua tạm trữ gạo không gây xáo trộn tới xuất khẩu gạo và ảnh hưởng tới an ninh lương thực trong nước.

Với tình hình chung như hiện nay, các DN cho hay từ đây đến cuối năm thị trường gạo sẽ tương đối ổn định. Gạo 5% tấm sẽ ở mức 500 USD/tấn; gạo 15% tấm ở mức 450 USD/tấn. Điều này phù hợp với xu hướng không đẩy giá lương thực lên quá cao dẫn tới ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội. Ngoài ra, nếu giá gạo quá cao thì đối tác nhập khẩu thay vì mua gạo sẽ chuyển sang mua các loại lương thực thay thế như mì, bắp…

Tuy vậy, điểm yếu của thị trường gạo trong nước là thiếu tính liên kết chặt chẽ nên dễ xảy ra tình trạng đầu cơ cục bộ. Đơn cử một DN đang ôm một lượng hàng khá lớn. Khi giá trên thị trường có chiều hướng xuống thấp, DN này chỉ cần tung tiền đẩy mạnh thu mua một lượng hàng nhất định với giá cao hơn thị trường chút đỉnh. Khi thị trường có chiều hướng nóng lên, DN sẽ từ từ giải phóng lô hàng còn tồn đọng. Chiêu thức trên thường được một số DN gạo lỡ gom hàng với số lượng lớn áp dụng và tỏ ra khá hiệu quả.
Xuất khẩu gạo đạt gần 2,4 tỉ USD

Lũy kế từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của VN đạt trên 5 triệu tấn, trị giá gần 2,4 tỉ USD.

Điều hành xuất khẩu linh hoạt hơn

Nhiều DN đánh giá VFA đã phản ứng khá nhanh, linh hoạt trong xuất khẩu gạo. Trước những tin đồn khiến giá gạo tăng, VFA đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Công Thương họp báo công bố thông tin thị trường không thiếu gạo và cho biết tin đồn kia chỉ là thất thiệt. Điều này dẫn tới thông tin không bị bóp méo và giải tỏa ngay nỗi lo lắng cho nhiều DN.
 
Theo Phapluattp

Tin khác