Festival Lúa gạo VN lần 2: Kỳ vọng cho lúa Việt

05/09/2011

Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Sóc Trăng từ ngày 8.11 đến ngày 14.11.2011 đang kỳ vọng tạo được thương hiệu mới cho hạt lúa Việt Nam.

NTNN đã trao đổi với PGS-TS Mai Thành Phụng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia về một trong những chủ đề sẽ được người nông dân đặc biệt quan tâm tại Festival Lúa gạo lần này.
Thưa PGS, xin ông cho biết những yêu cầu nào để nông dân có thể đưa đượ
c lúa gạo của mình ra thị trường nước ngoài cạnh tranh?
- Nông dân cá thể khó có thể trực tiếp đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài. Như vậy để xuất khẩu lúa nông dân cần: Liên kết tổ chức sản xuất, liên hệ với đầu ra ký kết hợp đồng trước khi sản xuất. Cần lưu ý, sản phẩm phải đạt chất lượng, có độ đồng đều cao và bảo đảm đủ số lượng để cung cấp cho bên mua đúng hợp đồng đã ký kết. Nông dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt được doanh nghiệp đầu ra chấp nhận thu mua và xuất khẩu.
Ông có yêu cầu quan tâm hơn nữa chất lượng lúa gạo, vậy phải làm gì để đạt được yêu cầu này?
- Chất lượng lúa gạo phụ thuộc vào các yếu tố: Đặc điểm giống, quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, thực hành nông nghiệp tốt, thu hoạch đúng độ chín, tăng cường các biện pháp bảo vệ hạt lúa sau thu hoạch (phơi, sấy, tồn trữ, bảo quản), công nghệ chế biến, xay xát và bảo quản, tồn trữ hạt gạo.
Như vậy cần xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng cho vùng sản xuất lúa (theo quy hoạch), tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất – tiêu thụ lúa gạo. Triển khai nhanh chương trình sản xuất lúa theo Viet GAP và Nhà nước có chính sách hỗ trợ để thực hiện chương trình này.
Theo ông, cần có những giải pháp nào cho việc thu hoạch và sau thu hoạch?
- Việc áp dụng máy gặt đập thu hoạch lúa trong các năm qua đã làm tốt. Số lượng máy GĐLH đã tăng rất nhanh ở ĐBSCL từ 497 máy (7.2007) đến nay đạt trên 6.500 máy và có thể tiếp tục tăng nhưng theo tôi là chưa bền vững.
Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy GĐLH trong nước; có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp làm dịch vụ gặt đập liên hợp; ưu tiên chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất mua máy GĐLH; đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu về cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Về sấy, hiện nay có 6.500 lò sấy quy chuẩn đáp ứng khoảng 30% sản lượng lúa vụ hè thu ở ĐBSCL.
Các doanh nghiệp thu mua lúa, xuất khẩu gạo cần có vùng nguyên liệu và liên kết với kho tàng, máy sấy, tồn trữ, bảo quản lúa; có chính sách thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất ra các máy sấy thích hợp; ưu tiên cho các doanh nghiệp làm dịch vụ sấy lúa và cho vay vốn hỗ trợ lãi suất cho nông hộ mua máy sấy
Festival Lúa gạo Việt Nam lần này tại Sóc Trăng, những vấn đề nào sẽ được đặt ra, thưa ông?
- Festival sẽ tập trung thông tin về triển vọng và giá cả, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các vấn đề về chính sách bảo hiểm nông nghiệp, bình ổn giá cả cho lúa gạo; thông tin về các tiến bộ kỹ thuật mới nhất ứng dụng trên cây lúa, đặc biệt là các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu; chương trình hỗ trợ sản xuất lúa theo Viet GAP và một số thành tựu của mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất tiêu thụ lúa gạo.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay
 

Tin khác