Điều chỉnh giảm nhiều loại nông sản xuất khẩu

05/09/2011

Bản tin cập nhật dự báo thị trường một số nông sản tháng 8/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa điều chỉnh giảm hàng loạt các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Với gạo và hồ tiêu, lý do được nêu là nguồn cung hạn chế; thủy sản thì có khó khăn về nguyên liệu và và thị trường; cà phê là do hàng tồn kho cạn kiệt; và cao su chịu tác động từ nhu cầu thế giới đang giảm xuất khẩu trên thực tế.
Giảm dự báo xuất khẩu gạo xuống 7,3 triệu tấn
Đối với mặt hàng lúa gạo, Bộ cho biết diễn biến thị trường trong và ngoài nước những tháng gần đây có nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu gạo của năm 2011.
“Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của cả năm 2011 có thể đạt mức gần 7,3 triệu tấn, giảm hơn 100 ngàn tấn so với mức dự báo của tháng trước”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Diễn biến giá cả trên thị trường thế giới đang có lợi cho Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá các loại gạo trung bình và chất lượng cao của Thái Lan đã giảm so với tháng 7, nhưng gạo chất lượng thấp hơn lại có xu hướng tăng.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 8 đã tăng 50 USD/tấn so với hồi tháng 7 và đạt 555 USD/tấn, rút ngắn khoảng cách giữa gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan chỉ còn 5 USD/tấn, trong khi con số này của tháng trước là 76 USD/tấn.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 10% so với tháng trước là do nguồn cung hạn chế.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu tính đến 25/8đạt trên 5 triệu tấn (5,055 triệu tấn) với trị giá 2,396 tỷ USD.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 6 tỷ USD
Với mặt hàng thủy sản, do khó khăn về nguyên liệu và thị trường Nhật Bản còn chưa phục hồi, nhu cầu không cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2011 chỉ ở mức hơn 6 tỷ USD, giảm so với con số dự báo 6,108 tỷ USD của tháng trước.
Cụ thể, sản lượng khai thác thuỷ sản 8 tháng đầu năm đạt 1.730 nghìn tấn, chỉ tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó sản lượng cá đạt 1.619 nghìn tấn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 8 tháng đạt 1.845 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó sản lượng cá tra đạt hơn 700 nghìn tấn.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 8 tháng đầu năm 2011 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Italia theo thứ tự lần lượt là 42,7%, 57,3% và 45,1%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu đạt mức cao là do giá tôm xuất khẩu trung bình trong thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể, khoảng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái với mức 9,53 USD/kg.
Tuy nhiên, diễn biến giá tôm trên thế giới cũng kéo giá tôm nguyên liệu trong nước có xu hướng tăng theo. Giá tôm thẻ chân trắng từ 55.000-60.000 đồng/kg, tăng lên 85.000-93.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg từ 160.000-175.000 đồng/kg, tăng lên 210.000-225.000 đồng/kg.
Tồn kho cà phê cạn kiệt ảnh hưởng đến xuất khẩu
Cũng tương tư như các mặt hàng khác, giá cà phê phục hồi rất nhanh trong tháng 8 nhưng do tồn kho cà phê cạn kiệt nên khả năng giá trị xuất khẩu sẽ không đạt được mức như dự báo trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay có thể đạt mức hơn 756 triệu USD, giảm 44 triệu USD so với con số dự báo của tháng trước.
Việc đồng USD suy yếu cùng những nỗi lo về nguồn cung cà phê từ Việt Nam, Colombia, Indonesia, Ấn Độ do thời tiết xấu và sâu bệnh, diễn biến về giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, vào đầu tháng 10 tới Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch cho niên vụ 2011/2012, nhưng theo các hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên, hiện tượng rụng trái bất thường đang diễn ra trên diện rộng ở tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk, chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả do bị ve sầu cắn phá thì đang xảy ra tại Gia Lai.
Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tình trạng này có thể làm sản lượng cà phê vụ tới giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Trong khi đó, tồn kho của vụ trước hiện đang cạn kiệt.
Nguồn cung cà phê trong nước bị hạn chế đã làm ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu ra thị trường thế giới nhưng đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho giá cà phê xuất khẩu của nước ta đạt mức cao. Giá cà phê xuất khẩu tại cảng Sài Gòn trong tháng 8 và đạt mức 2.475 USD/tấn vào ngày 24/8, tăng 12% so với mức giá xuất khẩu hồi đầu tháng 8.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 794,8 nghìn tấn cà phê trong 7 tháng đầu năm 2011, đạt giá trị 1,77 tỷ USD; chỉ tăng nhẹ 7% về khối lượng nhưng vẫn tăng tới 61% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010 do giá xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2011 đã tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung đà tăng của giá cà phê thế giới, giá cà phê nhân xô giao dịch trong nước đã tăng mạnh 7 phiên liên tiếp từ mức 45.800 đồng/kg vào ngày 9/8 lên mức 50.300 đồng/kg vào ngày 18/8, tăng tới 4.500 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 49.200 đồng/kg 2 ngày sau đó, giá cà phê lại tiếp tục tăng mạnh và đạt mức 51.000 đồng/kg, mức cao nhất tính từ ngày 3/6.
Xuất khẩu hồ tiêu có thể mất mốc kỷ lục 800 triệu USD
Do nguồn cung hồ tiêu trong nước hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay có thể chỉ đạt mức hơn 756 triệu USD, giảm 44 triệu USD so với con số dự báo của tháng trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), xuất khẩu hồ tiêu từ 6 nước xuất khẩu chính (Braxin, Ấn độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Srilanka) trong 2 quý đầu năm 2011 đạt 123 nghìn tấn , giảm 3% so với mức 126 nghìn tấn cùng kỳ năm ngoái.
Giá hồ tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) chốt phiên ngày 25/8 giao kỳ hạn tháng 9-12 tăng khoảng 330-360 rupi/tạ so với mức giá tại thời điểm đầu tháng. Tại thị trường Châu Âu, giá tiêu đen Ấn Độ giao ngay đạt 7.700 USD/tấn, tiêu trắng Muntok giao ngay đạt 9.300 USD/tấn, tăng 100 USD/tấn so với mức giá đầu tháng 8.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá hồ tiêu những tháng cuối năm vẫn sẽ ở mức cao vì trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10/2011 đến tháng 1/2012, nguồn cung từ các nước như Việt Nam, Braxin, Indonesia không nhiều.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/8/2011 xuất khẩu hồ tiêu của cả nước đạt 90.215 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 499,4 triệu USD, tăng lần lượt 3,5% về lượng (tương đương tăng 3.043 tấn) và tới 74,7% về giá trị (tương đương 213,5 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã vượt qua mức tổng giá trị xuất khẩu của cả năm 2010 (421,6 triệu USD), do giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 5.499 USD/tấn, tăng tới 70,4% so với cùng kỳ năm 2010 và là mặt hàng có tốc độ tăng giá cao nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam.
Chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, giá thu mua hồ tiêu nội địa tháng 8 cũng đã tăng tương đối mạnh. Giá tiêu đen từ mức 110-112 nghìn đồng/kg ngày 1/8 tăng lên mức kỷ lục 130-131 nghìn đồng/kg vào ngày 25/8, tương đương mức tăng 18-20%. Tương tự như vậy giá thu mua tiêu trắng nội địa tăng 5-10 nghìn đồng/kg và hiện ở mức 160-165 nghìn đồng/kg.
Xuất khẩu cao su có thể đạt 3,67 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng điều chỉnh dự báo giá trị xuất khẩu cao su năm 2011 xuống mức 3,67 tỷ USD, giảm so với con số dự báo gần 3,7 tỷ USD của tháng trước. Nguyên nhân là do khối lượng xuất khẩu thực tế giảm.
Do tình hình dịch bệnh trên lá diễn ra nghiêm trọng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến việc khai thác mủ nên nguồn cung cao su toàn cầu quý 3 tăng chậm lại. Hiệp hội các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên (ARNPC) dự báo nguồn cung cao su tại Việt Nam có thể giảm 9,4%.
Trong khi đó, giá cao su tháng 8 tăng nhẹ nhưng đến cuối tháng 8 có xu hướng giảm do những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ và châu Âu và giá dầu thô giảm.
Tuy nhiên, theo dự báo của hãng tin Reuteurs, giá cao su thế giới sẽ lên 400 Yên/kg vào cuối tháng 9 do nhu cầu từ các nước sản xuất ô tô chính của châu Á tăng mạnh vào nửa cuối năm nay.
Ở trong nước, khối lượng cao su xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 449 ngàn tấn với giá trị đạt 1,9 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và 64,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm tăng 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.346 USD/tấn.
“Mặc dù nhu cầu tiêu thụ cao su của thế giới không tăng mạnh như năm 2010 nhưng khả năng vẫn duy trì được xu hướng tăng cho tới cuối năm 2011”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo.
Theo VnEconomy

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30062.html


Tin khác