Cơ chế tiền lương: Mới giải quyết vấn đề trước mắt

08/09/2011

Cơ chế tiền lương chưa thể hoàn thiện khi lương tối thiểu quá thấp, không tương xứng với năng suất lao động và không do thị trường quyết định.

Chỉ giải quyết vấn đề trước mắt
Với việc ban hành Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8, Chính phủ đã chính thức thông qua mức lương tối thiểu mới trong khối doanh nghiệp (DN) theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, áp dụng từ ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, như một câu chuyện “đến hẹn lại lên”, mỗi lần nâng lương là một lần chính sách tiền lương được báo giới mổ xẻ, mà cái kết, sau nhiều năm, vẫn là hai chữ “bất cập”.
 
Lần này, dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị tăng trước lộ trình 2 tháng, mức tăng cũng đột biến, cao nhất tới hơn 30%, nhưng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn điều căn bản là những bất cập của cơ chế tiền lương thì vẫn chưa có lời giải.
Theo Nghị định 70/2011/NĐ-CP, mức lương tối thiểu mới sẽ áp dụng chung cho cả khối DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lần lượt từ vùng I đến vùng III là 2 triệu đồng/tháng, 1,78 triệu đồng/tháng, 1,55 triệu đồng/tháng và 1,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu cộng dồn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2005 đến nay (lấy mức tăng CPI năm 2011 đến tháng 7 là 16,89%), thì tốc độ trượt giá đã lên tới 80%. Dễ hình dung hơn, nếu 1 kg thịt lợn thủ năm 2005 có giá khoảng 11.000 đồng/kg, thì hiện đã lên tới 130.000 đồng/kg; giá vàng năm 2005 dao động từ ở mức gần 1 triệu đồng/chỉ, hiện đã lên tới 4,9 triệu đồng/chỉ... Thế nên, dù đã tăng tới gần 6 lần, từ mức 350.000 đồng/tháng lên mức cao nhất ở vùng I là 2.000.000 đồng/tháng như hiện nay, nhưng tiền lương của người lao động vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng giá sinh hoạt hiện nay.
Cốt yếu là cải cách cơ chế tiền lương
Rõ ràng, chính sách tiền lương chưa hoàn thiện khi mức lương tối thiểu quá thấp, chưa do thị trường quyết định và chưa tương xứng với giá trị lao động.
Trên thực tế, đa phần tiền lương của người lao động ở cả hai loại hình DN FDI và tư nhân đều lấy mức lương tối thiểu làm gốc tham chiếu để trả lương cho công nhân, mà không dựa trên năng suất, chất lượng công việc, nhất là khối DN FDI. Theo Báo cáo xu hướng lao động năm 2010 của Viện Khoa học lao động và xã hội, đa phần DN FDI ở những ngành sử dụng nhiều lao động, lương thực tế của công nhân có hợp đồng 1 - 3 năm chỉ cao hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định khoảng 10%.
Đối với khối DN trong nước, tiền lương tối thiểu quá thấp cộng với hệ thống thang, bảng lương và hệ số phụ cấp quá phức tạp cũng đang là một rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Lương tối thiểu khối DN FDI đã thấp, khối DN nhà nước còn thấp hơn, khi từ năm 2008, tiền lương tối thiểu trong DN được tách riêng giữa khối FDI và nhà nước. Trong đó, lương của khối DN nhà nước luôn thấp hơn 250.000 - 400.000 đồng so với khối FDI. Lương tối thiểu thấp, cộng thêm hệ số tiền lương bị giới hạn do Nhà nước quản lý, DN nhà nước luôn thua các DN FDI trong việc tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao. Với đề xuất sáp nhập lương của cả hai loại hình DN trong nước và FDI lần này, DN trong nước cũng mới chỉ được san bằng về khoảng cách lương tối thiểu, nhưng vẫn chịu chi phối của hệ thống hệ số tiền lương do Nhà nước quản lý, mà chưa thể tự quyết dựa trên hiệu quả kinh doanh.
Có thể thấy, cơ chế tiền lương bất hợp lý đang ảnh hưởng không chỉ đến thị trường lao động, mà tới cả nền kinh tế. Lương thấp khiến quan hệ lao động bất ổn, đời sống công nhân khó khăn, dẫn tới số lượng các cuộc đình công liên tục tăng trong suốt những năm qua. Người lao động không muốn gắn bó với DN, trong khi DN luôn trong tình trạng thiếu công nhân. 

Vì vậy, dù nâng lương sớm là việc cần thiết để trợ giúp người lao động, nhưng thay vì liên tục nâng lương để đuổi theo lạm phát, cải cách cơ chế tiền lương mới là vấn đề cốt yếu nhằm hài hòa hoá thị trường lao động, cân bằng cạnh tranh giữa DN trong nước và DN FDI, đồng thời nâng cao chất lượng thu hút đầu tư FDI khi người lao động được trả lương theo đúng năng suất lao động./.
Theo Báo Đầu tư

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30361&cn_id=475703


Tin khác