Thị trường bánh trung thu: Khó kiểm soát ATTP

08/09/2011

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất chứ không phải sự “vào cuộc ráo riết” của thanh tra.

Nguyên liệu không rõ nguồn gốc: Khó tránh?
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn hiện có 162 cơ sở đăng ký sản xuất bánh trung thu. Khi kiểm tra từ khâu sản xuất như nguyên liệu đầu vào, vệ sinh cơ sở sản xuất, nhân công, chế biến, bảo quản… thì hầu hết đều có vi phạm, chủ yếu là nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc, vệ sinh chưa đảm bảo, công nhân làm bánh chưa có đủ trang phục bảo hộ…
Sản xuất bánh nướng tại La Phù (Hà Nội).
 
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trọng Kha – Giám đốc nghiên cứu phát triển khối (Công ty cổ phần Bibica) cho biết: “Cứ đến dịp trung thu người ta mới nhắc tới câu chuyện chất lượng bánh là quá muộn. Các cơ quan chức năng cần có những đợt thanh kiểm tra ngay từ khi nhập nguyên liệu, trước khi đưa vào sản xuất”.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Kha thì thông thường nguyên liệu không rõ nguồn gốc sẽ chỉ dùng để làm bánh gia công. “Tôi cũng thật không hiểu tại sao trên thị trường có cả những túi bánh 4 chiếc với giá bán cực “sốc” chỉ 20.000 đồng. Trong khi chúng tôi nhập nguyên liệu trứng muối ở các đơn vị có uy tín cũng đã 4.000 - 5.000 đồng/quả. Giá bánh quá rẻ như thế thì không tránh khỏi nguyên liệu bẩn” - ông Kha nói.
Làng nghề đổi hướng
Tại làng nghề La Phù (Hà Nội) năm nay không còn cảnh tấp nập bán bánh trung thu “trần” (không nhãn mác). Chị Bùi Thị Yến - chủ đại lý bánh kẹo tại La Phù cho hay: “Các cơ sở sản xuất trong làng vẫn làm nhưng số lượng ít hơn. Lý do là năm nay giá nguyên liệu tăng cao, trong khi bánh bán về các vùng nông thôn không thể tăng giá mạnh”. Hiện, giá bánh ở đây trung bình từ 12.000-17.000 đồng/chiếc (200g).
Đăk Lăk: Nhiều đơn vị kinh doanh bánh trung thu vi phạm
Ngày 7.9, bác sĩ Trần Văn Tiết - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đăk Lăk cho biết, qua kiểm tra 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Đoàn đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm. Các sai phạm chủ yếu là sản phẩm thực phẩm có nhãn mác không rõ ràng; thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm quá hạn sử dụng; điều kiện sản xuất không bảo đảm; thủ tục hành chính chưa đầy đủ…
Cũng theo chị Yến, các hộ dân làm nghề ở đây đã đầu tư rất lớn cho công nghệ làm bánh để đảm bảo an toàn thực phẩm. “Nhưng không phải vì bị kiểm tra mà chúng tôi đầu tư, quan trọng là chúng tôi muốn tổ chức sản xuất lớn, đặt các đại lý phân phối ở các khu vực bán hàng truyền thống của dân La Phù”.
Tuy nhiên, dù khâu dây chuyền sản xuất đã đảm bảo quy trình sạch nhưng “sờ đâu cũng có vi phạm, nhất là nguyên liệu làm nhân bánh không rõ nguồn gốc”- bà N.T.M, một chủ xưởng sản xuất nói. Theo bà M, nguyên liệu làm nhân chủ yếu do các cơ sở tự làm, hàng nhập không chứng từ để giảm thuế, giảm giá thành.
Trung thu năm nay ghi nhận xu hướng “bùng nổ” bánh “hàng hiệu” nhưng bánh bán chậm vì giá đắt. Anh Bùi Văn Nam bán hàng cho nhãn bánh Thanh Hương ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Hiện nhiều hiệu bánh thủ công cũng đầu tư làm bánh trung thu đóng trong hộp bóng kính, giá dao động 13.000 - 18.000 đồng/chiếc (200g) nên có lẽ “hút” hết khách bình dân”.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/56974p1c25/thi-truong-banh-trung-thu-kho-kiem-soat-attp.htm


Tin khác