Muối tràn đồng, vẫn nhập 50.000 tấn

07/09/2011

Trong khi lượng muối tồn đọng rất lớn, chưa tiêu thụ được thì Bộ Công Thương đã cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 50.000 tấn muối. Nhiều chuyên gia, người dân lo lắng: Muối ngoại sẽ hại muối nội.

Doanh nghiệp hớn hở
Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang làm các thủ tục cần thiết để cấp quota cho các DN nhập khẩu muối ngay trong tháng 9 này.
Bà Lê Thị Hòa 79 tuổi ở xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cùng con gái và cháu gái trên đồng muối thôn Tam Hòa.
 
Theo ông Ngọc, để đi đến quyết định cho phép DN nhập khẩu nốt số muối 50.000 tấn theo hạn ngạch thuế quan đợt 2 của năm 2011 (đợt 1 đã cho DN nhập 50.000 tấn muối công nghiệp và 1.034 tấn muối tinh khiết), Bộ Công Thương đã cùng với Bộ NNPTNT đi khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ muối trong cả nước.
Ông Ngọc nói: "Kết quả khảo sát cho thấy, muối công nghiệp trong nước năm nay không đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của các DN trong nước và Bộ NNPTNT cũng đã cơ bản chấp thuận để Bộ Công Thương cho phép DN được nhập khẩu muối, nhưng phải đảm bảo cho tiêu thụ muối trong nước và giá muối của nông dân".
Thực tế, việc cho phép nhập khẩu muối đã nhận được sự đồng tình của các DN. Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Công ty Hóa chất cơ bản Miền Nam cho biết, DN ông chỉ có thể sản xuất đến giữa tháng 10 tới nếu Bộ Công Thương không cấp quota nhập muối cho DN. Tồn kho của DN này hiện chỉ còn hơn 10.000 tấn muối công nghiệp.
Ông Hùng cũng cho biết: "Nếu muối trong nước đủ tiêu chuẩn cho DN thì chúng tôi không xin nhập muối làm gì". Tuy nhiên, ông Lê Tấn Bán- Giám đốc Công ty CP và Thương mại Muối miền Trung lại cho rằng: Muối trong nước hoàn toàn có thể thay thế được muối ngoại, nhất là ở nhiều tỉnh miền Trung muối có chất lượng tốt, trắng, hàm lượng NaCL đảm bảo... Thậm chí, hiện các doanh nghiệp muối trong nước đã có thể chủ động sản xuất được 100.000 tấn muối công nghiệp trong năm 2011.
Vẫn tâm lý sính ngoại
Ngoại trừ Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, việc cho phép nhập khẩu muối lúc này đang gây lo lắng và tạo ra những hệ lụy cho người nông dân sản xuất muối trong nước, nhất là trong bối cảnh lượng muối tồn kho đang quá lớn.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hết tháng 8.2011, lượng muối còn tồn của cả nước là khoảng 217.036 tấn, trong đó miền Bắc còn tồn 35.392 tấn; miền Trung 48.133 tấn; ĐBSCL 133.511 tấn. Trong tổng số muối trên, có khá nhiều lượng muối đen- có thể dùng cho Đời sống diêm dân đang rất khó khăn do giá muối vẫn ở mức thấp, không đủ bù đắp chi phí sản xuất.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến 20.8.2011, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14,6 nghìn ha, bằng 96,6% so với năm 2010; sản lượng muối cả nước ước đạt 709,8 nghìn tấn, bằng 64,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nêu thực tế rằng, không chỉ với ngành muối, mà nhiều ngành trong nền kinh tế hiện nay vẫn có tâm lý "sính" ngoại, dù hàng trong nước có nhưng DN vẫn thích nhập. Việc "vin" vào chất lượng muối trong nước kém nên DN phải nhập, theo ông Doanh là điều hết sức phi lý của cả DN và cơ quan quản lý. Bởi hiện nay, chúng ta vẫn chưa có quy định về quản lý chất lượng muối (về màu sắc, dàm lượng NaCL...)
PGS-TS Phạm Tất Thắng, tư vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Từ trước tới nay, chúng ta vẫn chưa có cách điều hành linh hoạt trong việc nhập khẩu nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Với muối, Bộ Công Thương cần tính đến quyền lợi của diêm dân hài hòa với quyền lợi của DN, có như vậy, việc nhập muối mới đáp ứng được theo tình hình trong nước và sản xuất của DN.
 
Diêm dân càng lao đao
Từ năm 2009 về trước, giá muối trong nước cao nên diêm dân sống ổn định nhưng từ năm 2010 đến nay, khi có chủ trương cho nhập khẩu muối, thì người sản xuất muối rất lao đao. Tôi nghĩ rằng, muốn nhập khẩu muối cần có lộ trình, các cơ quan chức năng phải có báo cáo khảo sát nguồn cung muối trong nước, xác định xem cần nhập những loại muối theo tiêu chuẩn nào, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến muối trong nước có thể cung ứng được hay không. Ông bà mình hay nói: "Hết trong nhà mới ra người ngoài", trong chuyện nhập khẩu muối này, phải chăng chúng ta đã "bỏ qua" người "trong nhà".
Ông Phạm Văn Sơn (Giám đốc Chi nhánh Bình Định của Công ty CP Muối và Thương mại Miền Trung)
Khó chấp nhận!
Một đất nước có đường bờ biển dài và tiềm năng sản xuất muối như nước ta vậy mà phải đi nhập khẩu muối là điều rất khó chấp nhận. Trước khi nhập khẩu muối, các cơ quan chức năng nên xem xét giải quyết số lượng muối tồn đọng trong nước. Muốn vậy, Bộ Công Thương nên công bố tiêu chuẩn của loại muối nhập khẩu, công bố đơn vị cần nhập khẩu… để xem thị trường trong nước có đáp ứng được hay không. Diêm dân mà không bán được muối thì lấy tiền đâu mà sinh sống?
Ông Nguyễn Xuân Điền (Phó Chủ tịch Hội ND Bình Định)
Đầu tư cho diêm dân
Nếu Nhà nước cho nhập khẩu muối thì nên xem xét đến cuộc sống của chúng tôi và của nhiều người chứ không thể vì vài doanh nghiệp được. Hiện ở đồng muối Đề Gi (huyện Phù Cát và Phù Mỹ, Bình Định), chúng tôi còn tồn đọng hàng nghìn tấn muối, giá chỉ có 550 - 600 đồng/kg mà còn tiêu thụ rất khó khăn huống gì cho nhập khẩu thêm muối ngoại. Thay vì nhập muối nước ngoài có giá cao hơn muối trong nước, Nhà nước nên đem tiền đó đầu tư để chúng tôi phát triển nghề làm muối sạch, đủ tiêu chuẩn như muối nhập khẩu thì sẽ tốt hơn cho người sản xuất và người cần mua muối nhiều.
Ông Nguyễn Văn Thanh (diêm dân xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định)
 
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/56857p1c25/muoi-tran-dongvan-nhap-50000-tan.htm


Tin khác