Giải pháp gỡ khó cho ngành điều: Mở rộng mô hình năng suất cao

07/09/2011

Trước tình trạng điều mất mùa, ngành công nghiệp chế biến điều đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguyên liệu trầm trọng. Theo dự báo, năm 2011 này nước ta phải nhập khoảng 450.000 tấn điều thô.

Chế biến điều tại DN tư nhân Hưng Thịnh (Bình Phước)
Được mùa, mất giá
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã bước vào cuối vụ thu hoạch điều 2011.
Năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường, nhất là hiện tượng sương muối kéo dài từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2011, đúng thời điểm cây đang ra hoa, khiến điều ở các địa phương bị đen bông, hạt thối, rơi rụng dần… Thêm vào đó, do giá phân bón liên tục "leo thang" khiến nhiều hộ dân không có điều kiện đầu tư, chăm sóc dẫn đến năng suất giảm sút nghiêm trọng. Năng suất điều ở Bình Định, Đắk Nông, Lâm Đồng… chỉ còn 2,5-3 tạ/ha, thấp hơn một nửa so với các năm trước. Nhiều vườn điều lâm vào tình trạng mất trắng. Tại Bình Định, địa phương có diện tích trồng điều khá lớn ở miền Trung, vụ năm nay, năng suất bình quân chỉ đạt 2,5 tạ/ha. Còn ở Đắk R'lấp, một trong những vùng trồng điều trọng điểm của Đắk Nông, toàn huyện có 7.300 ha điều đang cho thu hoạch nhưng sản lượng chỉ đạt 4.300 tấn, giảm hơn 6.500 tấn so với vụ trước.
Hiện, giá hạt điều đang ở mức 30.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Giá lên "cơn sốt" khiến nhiều hộ dân tiếc nuối vì điều mất mùa. Một nghịch lý thường xảy ra với nông dân là, khi giá tăng mạnh thì người dân không có điều để bán và ngược lại. Do tình trạng "mất mùa được giá - được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra, không ít nông dân đã "khai tử" vườn điều để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung
Do vụ điều năm 2011 mất mùa, nhiều doanh nghiệp chế biến phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Một số doanh nghiệp đang tính đến phương án nhập điều nguyên liệu từ nước ngoài để chủ động nguồn hàng sản xuất.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), 6 tháng đầu năm là giai đoạn khó khăn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều, ngoài nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt (do thời tiết, khí hậu) thì chi phí chế biến tăng đột biến, trong đó riêng chi phí nguyên liệu đã tăng 100% so với năm 2010 trong khi giá điều nhân xuất khẩu chỉ tăng 40%. Dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ điều nhân sẽ tăng, vì vậy giá điều xuất khẩu tiếp tục tăng. Sản lượng điều của Việt Nam năm nay đạt khoảng 330.000 tấn, nhập khẩu 300.000 tấn, giảm 150.000 tấn so với kế hoạch đề ra từ đầu năm 2011. Nếu trong những năm tới, nước ta có hơn 200.000ha điều năng suất cao như mô hình câu lạc bộ trồng điều năng suất cao ở Đồng Nai (3 tấn/ha) thì ngành điều sẽ chủ động được nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Vinacas, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu điều năm 2011 là 1,4 tỉ USD không khó để đạt được nhưng phải có điều kiện về chính sách và vốn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng, định hướng thời gian tới của ngành điều là xây dựng vùng điều tập trung, trong đó phải có 200.000ha điều thâm canh tại 2 địa phương trồng điều lớn là Bình Phước và Đồng Nai. Ngoài ra, Vinacas cần tập hợp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều lớn, có trình độ chế biến tự động hóa cao để trình Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Chứng chỉ này giúp doanh nghiệp ngành điều giữ vững thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh...
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30123.html


Tin khác